Khám phá

Hết lòng vì học trò nghèo

Đồng lương ít ỏi, công việc vất vả nhưng những cô giáo vùng cao sẵn sàng sẻ chia miếng cơm, manh áo, giúp học sinh của mình thêm nghị lực, vượt khó đến trường.


Cô Hoàng Thị Tuyền - Trường THCS Pác Bó, Hà Quảng, Cao Bằng kể, học sinh miền núi, nhất là các xã vùng cao biên giới, vùng kinh tế chậm phát triển đa phần là con em hộ nghèo, có lớp con hộ nghèo chiếm 87%. Đặc biệt là giai đoạn khó khăn chung của đất nước, trang thiết bị phục vụ cho học tập thiếu thốn, có lúc 3-4 em chung nhau một quyển sách giáo khoa, bút mực, sách vở thiếu thốn, gia đình không có điều kiện chăm lo cho con em đi học, mùa đông rét buốt có em chỉ có một manh áo mỏng mặc đến lớp ...

Thương học trò, cô Tuyền đã tìm mọi cách để giúp các em như phối hợp với giáo viên tổng phụ trách đội phát động phong trào gây quĩ “Vòng tay bạn bè”, “Áo ấm tặng bạn”... Nhiều khi học sinh không có tiền nộp, phải nộp bằng vật chất như ngô, đỗ... để giáo viên mang đi bán để qui ra tiền nộp kế hoạch nhỏ. Là chủ nhiệm lớp, cô Tuyền lập danh những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trình lên chính quyền địa phương để các em được miễn giảm các khoản đóng góp, vận động các cấp các ngành như hội cha mẹ học sinh, hội Chữ thập đỏ, quĩ Bảo vệ trẻ em, quĩ Hội khuyến học... cùng vào cuộc nhằm giúp các em giảm bớt được phần nào những khó khăn trong học tập.

Việc giúp các em bớt đi khó khăn không gian nan bằng vận vận động học sinh đi học. Cô Tuyền cho biết, các xã vùng cao biên giới hẻo lánh, giao thông đi lại khó khăn, dân cư thưa thớt mà hầu như trường THCS chỉ đóng tại trung tâm xã, có nơi 2-3 xã mới có một trường THCS, nhiều nơi học sinh phải đi bộ hàng chục cây số để đến lớp. Hơn nữa từ những năm 1990 trở về trước, học sinh vùng cao thường đi học quá tuổi nên nhiều em ngại đi học. Do ảnh của phong tục tập quán, ở bộ phận dân tộc ít người như Mông, Dao... có phong tục lấy vợ, lấy chồng sớm. Có học sinh đang học lớp 7 bỏ học về nhà lấy chồng. Cô đã lặn lội hàng chục cây số và đến nhà rất nhiều lần để động viên các em đi học và kết quả là 2 vợ chồng tiếp tục đi học và ngồi chung một bàn cho đến lúc học hết THCS.

“Người dân miền núi hầu hết sống bằng nghề nông, đến mùa vụ (khoảng ra giêng và tháng hai âm lịch) học sinh thường nghỉ học dài ngày để lên rẫy phụ giúp cha mẹ, có những em sau đó không đến trường nữa. Chúng tôi đã phải đến từng nhà để thuyết phục, động viên các em đi học. Do trình độ dân trí thấp, có những phụ huynh đã phát biểu:“Chúng tôi không biết chữ, trồng cây ngô nó cũng mọc, cần gì phải đi học, để nó ở nhà giúp bố mẹ làm việc thôi”... – cô Tuyền kể lại.

Trường THPT Nguyên Bình nằm trên quốc lộ 34 đi từ Cao Bằng qua Nguyên Bình đến Bảo Lạc, Bảo Lâm. Trong tổng số học sinh của trường có trên 70% học sinh chủ yếu là con em dân tộc thiểu số (Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ) sống ở vùng sâu vùng xa của huyện Nguyên Bình, đời sống của người dân nơi đây rất nhiều khó khăn. Đa số học sinh thuộc hộ nghèo cơm chưa đủ ăn, áo chưa đủ ấm phải ra trọ học trong các túp lều dựng tạm quanh trường. Những lần đi thăm khu trọ, tận mắt chứng kiến bữa ăn rất đạm bạc của các em món ăn chính là ngô bung, thức ăn là muối và canh rau cải, trời mưa rét mà các em chỉ có dép tổ ong, nhiều em không có áo ấm để để mặc nhưng các em vẫn đến lớp đúng giờ, vẫn say mê học tập, cô giáo Lê Thị Thía xúc động vô cùng.

Là cô giáo, đồng thời là Chủ tịch công đoàn Trường THPT Nguyên Bình (Nguyên Bình, Cao Bằng), cô Thía đã phối hợp với BGH nhà trường phát động phong trào tương thân, tương ái, kêu gọi quyên góp gạo, tiền và áo ấm hỗ trợ các em học trò nghèo. Và tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường đã ủng hộ mỗi tháng 15 kg gạo và 120.000đ cho 2 em học sinh nghèo trong 3 năm học tại trường. Trong năm học 2011- 2012, mỗi tháng nhà trường góp được trên 200 kg gạo từ các học sinh có điều kiện thuận lợi hơn và thầy cô giáo để ủng hộ cho 15 em học sinh nghèo của 15 lớp. Bản thân cô Thía cùng học sinh lớp 11A đã ủng hộ em Triệu Tòn Ghển - học sinh lớp 11B số tiền 670.000 đồng và 10 kg gạo.

Năm học vừa qua, trường THPT Nguyên Bình có tới 150 học sinh thuộc hộ nghèo trong số đó có hai anh em Triệu A Ghến nhà cách trường gần 6 cây số, bố mẹ chỉ làm rẫy trồng ngô, nhà đông anh em nên em không có điều kiện đi ở trọ mà phải đi bộ đến trường. Thấy em đi lại vất vả cô Thía đã phối hợp với BGH trình lên hội khuyến học UBND huyện xin hỗ trợ được 1.000.000đ, kết hợp với hội khuyến học của trường mua tặng Ghến một chiếc xe đạp.

“Nhờ những đóng góp đó mà nhiều em học sinh đã vươn lên trong học tập. Như em Triệu Tòn Chàn lớp 12D thi đỗ vàoT ĐH Luật; em Nguyễn Thị Quỳnh học sinh nghèo lớp 12A thi đỗ Trường ĐH Sư phạm Hà Nội với 22,5 điểm; nhiều học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp cụm các môn văn hoá...” – Cô Thía cho hay.

Là quản lý Trường PTDT bán trú THCS Quảng Đức, Hải Hà, Quảng Ninh, một ngôi trường thuộc vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn thuộc chương trình 135 của huyện, cô Nguyễn Thị Lan cho biết khó khăn lớn nhất các thầy cô giáo nơi đây phải đối mặt là công tác duy trì sĩ số. Những năm học trước, tỷ lệ học sinh bỏ học tương đối cao, nhà trường phối hợp với lãnh đạo địa phương và đã tìm một số biện pháp khắc phục xong hiệu quả chưa cao. Trăn trở trước câu hỏi, làm thế nào để học sinh, phụ  huynh học sinh nhận thức được việc chuyên cần đến trường? Cô Lan đã tìm ra câu trả lời: Muốn có học sinh phải biết học sinh, nghĩa là phải biết hoàn cảnh, điều kiện sinh hoạt, học tập của các tại gia đình để có biện pháp tuyên truyền, vận động học sinh phù hợp.

Cô Lan kể lại:Trong quá trình khảo sát điều tra, vận động đầu năm học, trường đã nắm được số học sinh cư trú tại các bản có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng tham gia chuyên cần đều và có ý định bỏ học. Trường đã có biện pháp động viên kịp thời bằng các hình thức hỗ trợ vật chất cho các em đảm bảo "3 đủ" không để học sinh nghỉ lâu vì nếu nghỉ lâu sẽ ngại đi học, dẫn đến bỏ học. Ngoài việc Xây dựng thông tin giữa gia đình và nhà trường, phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm để cùng có trách nhiệm về tình hình học sinh của lớp, những học sinh bản xa không có phương tiện đi lại trường cử giáo viên đón vào đầu tuần và cuối tuần.
       
“Quá trình tuyên truyền vận động từ lời nói, cử chỉ, hành vi của người giáo viên  phải thực sự thể hiện được sự chân thành, chia sẻ, tận tâm hết lòng vì học sinh và đồng cảm với hoàn cảnh điều kiện của học sinh, tạo sự tin tưởng đối với phụ huynh và học sinh. Từ đó phụ huynh tin và phối hợp cùng nhà trường trong việc tạo điều kiện cho học sinh ra lớp. Tránh cách tuyên truyền vận động khô cứng, dùng lời nói thiếu thiện cảm, thiếu sự thuyết phục. Đối với học sinh có biểu hiện muốn bỏ học cần báo cáo kịp thời với lãnh đạo xã, lãnh đạo phòng GD&ĐT để nhận sự chỉ đạo đúng đắn và kịp thời. Phải thường xuyên phối kết hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động học sinh, tạo nên sự thống nhất trong chỉ đạo” – Cô Lan chia sẻ.

 

 

Thanh Hương ( Theo gdtd.vn )

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo