Tin tức - Sự kiện

Hết tháng 5/2018: Hơn 51.900 bia mộ liệt sĩ vô danh cần khắc lại tên

“Khi tham gia kháng chiến, các cô, bác, anh, chị đều có họ tên, quê quán và năm sinh. Vậy, tại sao trên bia mộ của họ lại ghi là liệt sĩ vô danh? Đây là nỗi day dứt không nhỏ, nếu chưa xác minh được, chúng ta phải trung thực ghi lại là liệt sĩ chưa biết tên”.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nêu thực trạng ở nhiều nghĩa trang liệt sĩ vẫn còn các bia mộ ghi hai từ “vô danh”. Tình trạng trên đã tồn tại nhiều năm qua và cần điều chỉnh lại cho đúng với thực tế.

“Liệt sĩ nào cũng có tên tuổi. Nếu chưa tìm được, chúng ta cần thống nhất một tên gọi là liệt sĩ chưa xác định được tên, không nên để là vô danh" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định.

Công tác chỉnh trang các nghĩa trang liệt sĩ. Ảnh: M.D.

Theo Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH), tới ngày 29/5, qua công tác kết hợp triển khai cùng Tổng Công ty Bưu điện VN (VNpost) về việc tập hợp dữ liệu về bia mộ liệt sĩ để xây dựng Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ, bộ phận chuyên môn đã thống kê 51.923 bia mộ có ghi “vô danh”.

Đây mới chỉ là số bia mộ thống kê trong số 835.207 mộ liệt sĩ được thu thập vào ngân hàng dữ liệu điện tử. Cũng theo VNpost, con số 835.207 mộ liệt sĩ như trên chiếm tỷ lệ 95% tổng số cơ sở dữ liệu về mộ liệt sĩ do Bộ LĐ-TB&XH đang quản lý.

“Tại sao tới giờ này, chúng ta vẫn phải để người dân phải vất vả như vậy?. Chúng ta cần nhanh chóng tận dụng công nghệ thông tin nhằm giúp người dân ngồi tại nhà vẫn có thể tìm thông tin về mộ của người thân đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến vệ quốc” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu câu hỏi.

Trên cơ sở đó, Bộ LĐ-TB&X và các địa phương đã và đang triển khai việc cho khắc lại thông tin trên bia mộ. Đồng thời, VNpost sẽ chụp lại ảnh và cập nhật vào ngân hàng dữ liệu thông tin của Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ.

Về thực trạng công tác tìm kiếm mộ liệt sĩ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ: “Đợt công tác tại Đồng Nai đầu năm 2018 vừa qua, tôi đã gặp gần 20 người dân từ Hưng Yên lặn lội vào đây tìm mộ người thân đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Họ cho biết đã rà soát các nghĩa trang liệt sĩ của Đồng Nai. Nhưng chưa có kết quả”.

 

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cả nước vẫn còn khoảng 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập về các nghĩa trang, nằm rải rác ở các tỉnh phía Nam và ở Lào, Campuchia. Ngoài ra trên 300.000 hài cốt liệt sĩ đã quy tập và an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ còn thiếu thông tin.

“Hàng trăm ngàn hài cốt liệt sĩ chưa xác định được danh tính cũng tương ứng với từng đó số gia đình còn đau đáu tìm kiếm thông tin người thân. Tình trạng người dân tự đi tìm mộ liệt sĩ ở các nghĩa trang không còn hiếm gặp trong nhiều năm qua. Công việc này rất khó khăn, tốn kém và chưa có nhiều kết quả” - Bộ trưởng trăn trở.

Được biết, Bộ LĐ-TB&XH và VNpost đang gấp rút hoàn thiện Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ. Dự kiến, Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ sẽ được khai trương vào tháng 7, nhân kỷ niệm 71 năm Ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2018).

Cổng thông tin về liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ sẽ hỗ trợ cho thân nhân liệt sĩ
Theo báo cáo nhanh của VNpost, tới ngày 29/5, có 41 bưu điện tỉnh, thành phố đã hoàn thành việc thu thập dữ liệu về mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ. Đồng thời, cơ quan này phối hợp với Viện công nghiệp phần mềm và nội dung số và đơn vị chuyên môn để xây dựng, hoàn thiện chức năng và giao diện bước đầu của Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ.

Dự kiến, Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ có nhiều chức năng, như: Tra cứu thông tin về mộ liệt sĩ, gửi yêu cầu tra cứu thông tin của người thân, cập nhật chức năng thông tin liên quan. Cổng sẽ lưu các hình ảnh về bia mộ liệt sĩ với chú thích về địa điểm, vị trí, thứ tự, gắn tọa độ để người dân có thể tự tra cứu thông tin…

 

Nên đọc
Theo Dân trí
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo