Thị trường

Hiện đại hóa công tác quản lý tài sản công

(DNVN) - Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) cho biết đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung thực hiện theo Nghị quyết số 98/2015/NQ-QH13 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016.

Cụ thể, Quốc hội yêu cầu tiếp tục thực hiện hiện đại hóa công tác quản lý tài sản công và nâng cấp cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước, bảo đảm từng bước cơ sở dữ liệu quốc gia có đầy đủ thông tin về tài sản công.

Ảnh minh họa.

Theo báo cáo của Cục Quản lý công sản, thực hiện Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008, Bộ Tài chính đã xây dựng và vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước để lưu giữ, quản lý thông tin đối với 5 loại tài sản gồm: đất thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; nhà thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; xe ô tô các loại; tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên/1 đơn vị tài sản; tài sản phục vụ hoạt động của các dự án sử dụng vốn nhà nước.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước đã cập nhật thông tin về TSNN của 104.011 đơn vị; trong đó có 88.199 đơn vị có tài sản thuộc 5 loại nêu trên (chưa bao gồm tài sản tại các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, các cơ quan Việt Nam ở nước ngoài).

Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước đã hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý, sử dụng tài sản thời gian vừa qua; đặc biệt là công tác lập kế hoạch, dự toán đầu tư xây dựng, mua sắm, sửa chữa, ra quyết định và tổ chức thực hiện xử lý, khai thác tài sản nhà nước, góp phần kiểm soát chặt chẽ việc quản lý, sử dụng tài sản. 

Thông qua cơ sở dữ liệu, các cơ quan chức năng của Nhà nước, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản đã nắm được tổng thể và chi tiết về chủng loại, số lượng, hiện trạng sử dụng của tài sản nhà nước tại các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp và dự án sử dụng vốn nhà nước một cách đầy đủ, kịp thời. Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân các cấp đã sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu để báo cáo Quốc hội, HĐND các cấp về tính hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước từ năm 2011 đến nay.

Tiếp đó, Bộ Tài chính đã chủ trì triển khai xây dựng Phần mềm quản lý công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xây dựng Phần mềm quản lý tài sản hạ tầng giao thông đường bộ. Thông tin về các tài sản này sẽ được kết nối, trở thành bộ phận của cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công.

 

Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 184/2013/TT-BTC ngày 05/12/2013 hướng dẫn tiêu chuẩn, điều kiện của Phần mềm quản lý tài sản cố định áp dụng trong khu vực hành chính sự nghiệp, làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương, đơn vị triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý, sử dụng đối với tài sản đủ tiêu chuẩn là tài sản cố định. Đến nay, nhiều bộ, ngành, địa phương đã triển khai thực hiện, góp phần quản lý chặt chẽ tài sản nhà nước giao cho các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp.

Tuy nhiên, Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước hiện tại chưa bao quát hết các loại tài sản công theo quy định của pháp luật. Nhiều loại tài sản công có giá trị lớn, có khả năng khai thác để phát triển kinh tế - xã hội nhưng chưa được quản lý trong cơ sở dữ liệu hiện tại như: tài sản thuộc kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia; tài sản công tại các doanh nghiệp nhà nước; đất đai; tài nguyên thiên nhiên.

Cục Quản lý Công sản cho biết, trong điều kiện cân đối ngân sách nhà nước gặp những khó khăn, áp lực vốn cho đầu tư phát triển và nợ công tăng cao, việc tiếp tục thực hiện hiện đại hóa công tác quản lý tài sản công và nâng cấp cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước, bảo đảm từng bước cơ sở dữ liệu quốc gia có đầy đủ thông tin về tài sản công là cần thiết nhằm nắm chắc, quản lý chặt chẽ và từ đó có kế hoạch, giải pháp khai thác có hiệu quả nguồn lực quan trọng này.

VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo