Hiến pháp cần khẳng định rõ chủ quyền Việt Nam
Đóng góp các ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do tỉnh Vĩnh Long tổ chức ngày 28/2, các đại biểu đều bày tỏ nhất trí cao về sự cần thiết sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với các nội dung, bố cục rõ ràng, khoa học, giữ được quan điểm chính trị và tiếp tục làm rõ hơn bản chất của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Nhiều ý kiến của các đại biểu kiến nghị trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần khẳng định rõ chủ quyền của Việt Nam đối với đất liền, vùng trời, vùng biển, hải đảo, trong đó có Trường Sa, Hoàng Sa là bất khả xâm phạm.
Trong phần lời nói đầu, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần giữ nguyên toàn bộ đoạn thứ 2 như Hiến pháp hiện hành để khẳng định nước ta là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trong Chương III các thành phần kinh tế, Nhà nước cần tiếp tục khẳng định thành phần kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể đóng vai trò chủ đạo để đảm bảo tính định hướng của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa nhưng cần tạo điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển bình đẳng, có sự cạnh tranh lành mạnh.
Các đại biểu cũng kiến nghị cần nhấn mạnh trách nhiệm quản lý nhà nước và có hướng dẫn định hướng các hoạt động văn hóa đi đúng hướng; bổ sung phát triển kinh tế song song với bảo vệ môi trường ở Điều 68.
Ngày 28/2, Hội đồng Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức kỳ họp chuyên đề lấy ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chú tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh chủ trì hội nghị.
Tại kỳ họp, hầu hết các ý kiến đều thể hiện sự nhất trí và đánh giá cao nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 trong đó, tập trung vào 8 nội dung trong dự thảo Hiến pháp gồm: lời nói đầu; chế độ chính trị; quyền con người; quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; bộ máy nhà nước; hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp; kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp.
Liên quan đến giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển của đất nước, đại biểu đề nghị, bổ sung thêm nội dung "Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển" mà trước mắt là tạo động lực cho chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đến 2020.
Trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc cần tập trung, kết hợp giữa giáo dục tinh thần yêu nước với giáo dục quốc phòng toàn dân; đồng thời bổ sung vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo nước ta đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Về vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thể hiện trong Điều 9, nhiều ý kiến cho rằng đây là một bước tiến, cần phải được quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn. Khoản 3 của Điều 9 Dự thảo ghi "Nhà nước tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động" chưa phản ánh đúng vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc, dễ tạo cơ chế xin-cho; nên đề nghị sửa thành "Nhà nước có trách nhiệm để Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động."
Các đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề khác như về quyền con người, quyền công dân, Điều 21, trang 53 bổ sung "Mọi người có quyền sống" là chưa đủ, bởi ngoài quyền sống, mọi người có quyền được học tập, lao động, mưu cầu hạnh phúc. Phần 3, Điều 27 ghi "Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử về giới" là chưa đủ, bởi không chỉ có cấm mọi hành vi phân biệt về giới mà phải có cả màu da, dân tộc...
Ngày 28/2, Hội đồng Nhân dân tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị cấp tỉnh lấy ý kiến đóng góp về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Hội nghị có sự tham dự của đại biểu các ban, ngành, địa phương và đại diện cử tri các xã, thị trấn trong toàn tỉnh với nhiều ý kiến tâm huyết, cụ thể, có chất lượng cao.
Các đại biểu cho rằng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này đã đáp ứng được yêu cầu của một văn bản gốc; đề cập đến những vấn đề cốt yếu của xã hội; bám sát được cương lĩnh của Đảng về xây dựng Đảng trong thời kỳ mới; có bổ sung kịp thời những nội dung mới phù hợp với yêu cầu của giai đoạn hiện nay... Tuy nhiên, một số chương, điều, khoản cũng cần phải chỉnh sửa, xem xét lại để hoàn chỉnh hơn, cụ thể hơn.
Ông Lê Văn Tạo, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái cho rằng Dự thảo sửa đổi hiến pháp lần này nhiều chỗ còn dài, cần súc tích hơn nữa.
Ông Tạo nêu rõ: “Mục 2 quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lí do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng. Vậy nếu sau này nó phát sinh thêm cái khác thì lại phải sửa Hiến pháp, lại phải bổ sung. Vì vậy, theo tôi chỉ cần nêu rằng: Quyền con người, quyền công dân, chỉ bị giới hạn trong những trường hợp cần thiết, theo quy định của pháp luật.”
Cũng tại hội nghị, nhiều đại biểu các ban ngành, đoàn thể đã chỉ ra một số điểm cần chỉnh sửa trong các điều quy định về Quốc hội, về chính quyền địa phương, về Mặt trận Tổ quốc và các thành viên để phù hợp và rõ ràng hơn.
Ông Nông Văn Lịnh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Yên Bái chỉ rõ: “Trong khoản 3 về Mặt trận Tổ quốc thì Nhà nước tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị khác hoạt động, nên sửa là: Nhà nước bảo đảm điều kiện Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội hoạt động.”
Cùng ngày, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Trị đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của các vị chức sắc, các tôn giáo trong tỉnh góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
Tại hội nghị, hầu hết các ý kiến đồng tình việc sửa đổi Hiến pháp 1992 là cần thiết, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước hiện nay cũng như trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Các đại biểu cơ bản đồng ý các nội dung sửa đổi mà Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đưa ra.
Hòa thượng Thích Thiện Tấn, Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Trị cho rằng Điều 2 của bản Dự thảo cần làm rõ và phân công cụ thể hơn: Quốc hội là cơ quan lập pháp, Chính phủ là cơ quan hành pháp, Tòa án là cơ quan xét xử, Viện kiểm sát là cơ quan công tố viên.
Đề cập đến Điều 25 có nội dung liên quan đến lĩnh vực tín ngưỡng tôn giáo, Hòa thượng Thích Thiện Tấn đề nghị trong Hiến pháp sửa đổi nên quy định rõ hơn. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; Khoản 2 Điều 25 nên thêm “không ai có quyền xúc phạm đến niềm tin, lý tưởng, giáo lý của các tôn giáo đang sinh hoạt hợp pháp.”
Nhiều ý kiến góp ý, lời mở đầu Hiến pháp cần phải cô đọng súc tích, không mang văn phong giải thích, phải toát lên một uy phong của Hiến pháp và phải lột tả được quá trình mấy nghìn năm lịch sử...
Nhiều đại biểu cho rằng việc lấy ý kiến nhân dân về nội dung sửa đổi Hiến pháp ở các giai cấp, các tầng lớp, cá tôn giáo, các dân tộc, người Việt Nam ở nước ngoài là phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của mọi tầng lớp nhân dân trong việc góp ý kiến cụ thể vào các nội dung do Ủy ban sửa dổi Hiến pháp công bố là thể hiện sự phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc và sự kiện trọng đại của đất nước.
Việc lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng được sự quan tâm của tầng lớp nhân dân, thể hiện trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, lòng yêu nước đồng thời góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân xây dựng, hoàn thiện Hiến pháp để thúc đẩy đất nước phát triển mạnh mẽ, đem lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân và sánh vai với bạn bè quốc tế./.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo