Tin tức - Sự kiện

Hiện thực hóa dự án tạo “Đại dương xanh” cho doanh nghiệp

Chương trình Đổi Mới Sáng tạo - Innovation Partnership Program (IPP) của Chính Phủ Phần Lan ký kết với Chính phủ Việt Nam là chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam hiện thực hóa được những dự án tạo ra những giá trị đổi mới, sáng tạo cho chính những doanh nghiệp và cá nhân thực sự muốn trở thành “doanh nghiệp triệu đô” về sản phẩm, dịch vụ đi đầu của mình.

Ông Trần Quốc Thắng cho biết Dự án IPP sẽ hỗ trợ đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp Việt Nam

Chương trình tập trung hỗ trợ các dự án về sản phẩm mới của công ty mới thành lập; các doanh nghiệp đang có ý tưởng cho sản phẩm và dịch vụ mới, có tính sáng tạo (hiện chưa có trên thị trường) và có tiềm năng tăng trưởng nhanh trên thị trường quốc tế, các nhóm khởi nghiệp (start-ups) và các liên danh hợp tác tạo nên các dịch vụ, hệ thống phát triển tốt hơn để hỗ trợ cho các công ty mới thành lập hoặc có ý tưởng đổi mới sáng tạo thực hiện các ý tưởng mới.

Chiến lược phát triển của Việt Nam đến năm 2020 là cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Vậy xu thế nào cho doanh nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh mạnh mẽ trong thị trường "đại dương đỏ" ngày càng gay gắt khi Việt Nam sẽ trở thành sân chơi bình đẳng của doanh nghiệp Quốc tế trên mọi phương diện trong năm 2015 và đặc biệt cột mốc 2018 của tiến trình hội nhập WTO?

Chìa khóa mở ra cánh cửa hội nhập sâu rộng chính là các doanh nghiệp phải tạo ra "đại dương xanh" dồi dào cho chính mình bằng cách tạo ra sản phẩm mới, dịch vụ mới có tiềm năng thâm nhập thị trường quốc tế; hoặc sáng tạo ra hệ thống phát triển mới thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo - với tư duy đột phá  sẽ là cơ hội tạo dựng năng lực cạnh tranh của tổ chức và doanh nghiệp.

Với tổng giá trị lên tới 11 triệu USD, gói hỗ trợ của Chương trình – IPP giai đoạn hai bao gồm: Các khoản tài trợ hỗ trợ thực hiện các dự án đổi mới sáng tạo trong giai đoạn đầu phát triển ý tưởng đổi mới - sáng tạo; Kết nối với những nguồn tài trợ lớn hơn để tiếp tục triển khai dự án trong dài hạn; 6 tháng đào tạo về đổi mới sáng tạo, start-up cũng như phát triển kinh doanh để nâng cao năng lực đội ngũ; Phiếu đổi mới sáng tạo dùng để chi trả cho các dịch vụ tư vấn cả trong nước và quốc tế giúp bạn luôn nhận được sự hỗ trợ trong quá trình thực hiện dự án; Cổng kết nối với các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế nhằm phát triển kinh doanh và đổi mới sáng tạo, đưa các sản phẩm và dịch vụ của bạn đến thị trường quốc tế.

IPP tin rằng số tiền đó cũng vẫn là chưa đủ cho chiến lược phát triển các dự án đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, Chính phủ Phần Lan mong muốn tạo ra sự thay đổi từ trong nội lực của doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Khu vực này được đánh giá là có sức sáng tạo và đổi mới rất lớn, nhưng cần nhiều hỗ trợ cả về tài chính, nhân lực và kỹ năng biến “dự án tiềm ẩn giá trị kinh doanh triệu đô” thành hiện thực.

Thông qua chương trình IPP, Chính phủ Phần Lan kỳ vọng tạo ra điển hình, hình mẫu cho việc đầu tư thành công vào doanh nghiệp mới có ý tưởng đổi mới sáng tạo, từ đó thu hút các tập đoàn, công ty tư nhân lớn có thể cùng hỗ trợ vào doanh nghiệp mới với sản phẩm, dịch vụ mới.

IPP hoạt động theo phương thức: hỗ trợ doanh nghiệp dựa trên nền tảng hợp tác chặt chẽ ngay từ giai đoạn đầu tiên của chu kỳ phát triển dự án. IPP thực sự quan tâm tới những dự án có sản phẩm, dịch vụ mới có khả năng tạo đà tăng trưởng kinh doanh nhanh trong vòng 1 tới 2 năm ngay sau khi nhận được tài trợ từ chương trình (cả về tài chính và đào tạo nhân lực).

Với dự án hỗ trợ hệ thống phát triển đổi mới sáng tạo, IPP tìm kiếm những liên danh, hiệp hội địa phương cùng hoạt động trong một cơ chế phối hợp nhóm liên danh thống nhất để cùng hỗ trợ và triển khai cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tại địa phương thực hiện đổi mới sáng tạo hiệu quả. Thông qua phương pháp hỗ trợ có hệ thống và toàn diện, nhóm liên danh – hiệp hội đó phải giữ vai trò chủ đạo dẫn dắt doanh nghiệp điển hình, doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhóm cá nhân mới thành lập doanh nghiệp, nhóm hỗ trợ phát triển đổi mới sáng tạo và các đối tác quốc tế cùng nhau tạo dựng và khai thác cơ cấu hỗ trợ đổi mới sáng tạo bền vững tại địa phương.

 Một hoạt động mang tính xây dựng sự tham gia của cộng đồng chính là loạt hội thảo giới thiệu về IPP và kêu gọi doanh nghiệp gửi thư bày tỏ quan tâm mô tả dự án đổi mới sáng tạo của mình tới chương trình tài trợ IPP. Mô hình hội thảo của IPP gồm hai phần chính: phần giới thiệu kỹ lưỡng về tiêu chí tài trợ của IPP và đối tượng phù hợp tham gia IPP và phần trao đổi trực tiếp một-với-một giữa đại diện doanh nghiệp, tổ chức hay nhóm cá nhân – những người đã gửi thư Bày tỏ quan tâm tới IPP với chuyên gia của IPP để trình bày rõ hơn ý tưởng đổi mới sáng tạo trong sản phẩm, dịch vụ của mình.

Trong năm 2015, IPP sẽ có 2 kỳ kêu gọi dự án tham gia xin tài trợ từ IPP. Kỳ đầu tiên vào đầu năm, IPP dự kiến sẽ chọn ra được 15 dự án của doanh nghiệp và 4 dự án về hệ thống hỗ trợ phát triển doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo. Tiến trình xét duyệt tài trợ cùng quyết định tài trợ đợt đầu này sẽ được thực hiện từ nay tới mùa hè 2015.

Loạt hội thảo khởi động được thực hiện trong tháng 1 và tuần đầu tháng 2 năm 2015 tại 4 thành phố lớn và rất sôi động của Việt Nam: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Đà Nẵng. Hai hội thảo được tổ chức đã thu thút tổng cộng gần 400  khách tham dự với 150 đề án đổi mới sáng tạo gửi tới IPP thông qua Thư bày tỏ quan tâm của chương trình. Điều này cho thấy sức sáng tạo tiềm ẩn trong doanh nghiệp và các tổ chức, các nhóm cá nhân của Việt Nam là rất lớn, và họ đều rất cần những hỗ trợ trong giai đoạn khởi nghiệp, khởi sự dự án đổi mới sáng tạo.

Ngay sau loạt hội thảo vòng 1 vừa diễn ra, IPP sẽ xem xét tất cả các thư Bày tỏ quan tâm tới hết tháng 1 năm 2015, và sẽ liên hệ lại với các doanh nghiệp trong khoản thời gian này. Những doanh nghiệp lọt qua vòng 1 này sẽ được đi tiếp tới hội thảo vòng 2, dự kiến diễn ra vào tháng 3/2015 và sẽ chú trọng vào việc hoàn thiện đề xuất dự án xin hỗ trợ. Những doanh nghiệp ở Cần Thơ có thể vẫn tiếp tục gửi Thư bày tỏ quan tâm vì thời gian hội thảo tại Cần Thơ diễn ra chậm hơn (vào ngày 6/2/2015) so với 3 tỉnh thành Hà Nội (đã tổ chức vào ngày 6/1/2015), TP HCM (đã tổ chức vào ngày 9/1/2015), Đà Nẵng (đã tổ chức vào ngày 14/1/2015).

Chia sẻ một số thông tin về dự án, Giám đốc IPP – ông Trần Quốc Thắng cho rằng: Việt Nam có thể đạt thành tựu phát triển bền vững từ việc đầu tư vào phát triển khả năng đổi mới sáng tạo. Trong giai đoạn 1 của dự án IPP sẽ hỗ trợ đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp Việt Nam và giúp họ đạt được thành tự phát trển bền vững, từ đó tạo ra những giá trị vật chất và tăng trưởng kinh tế - xã hội rất tốt cho chính phủ.

Để đạt được thành công trong đổi mới sáng tạo, IPP cho rằng cần phải có sự hợp tác và xây dựng mạng lưới xúc tiến thương mại đại phương, sự hợp tác, cởi mở giữa IPP với doanh nghiệp, hiệp hội (gồm thành viên mới mở công ty). Chính phủ Phần Lan mong muốn IPP trở thành công cụ hỗ trợ linh hoạt  tùy kết quả đầu ra của năm 2014, 2015.

 

Hội thảo tại Hà Nội vào ngày 7/1/2015 đã thảo luận trực tiếp với 70 nhóm gửi Thư bày tỏ quan tâm mô tả đề xuất dự án đổi mới sáng tạo. Điểm nhấn ở Hà Nội là sự quan tâm đông đảo của nhiều doanh nghiệp, và số lượng tham dự hội thảo lên tới 200 người.

 

Hội thảo tại TP.HCM vào ngày 9/1/2015 với 60 thư bày tỏ quan tâm từ doanh nghiệp và các nhóm hiệp hội. Điểm nhấn ở TP.HCM là nhóm doanh nghiệp với các dự án thực sự triển vọng phát triển ra thị trường quốc tế.

 

Hội thảo tại Đà Nẵng vào ngày 14/1/2015 có số thư bày tỏ quan tâm là 15 và hầu hết đều có nội hàm sáng tạo rất tốt. IPP nhận thấy những nhu cầu doanh nghiệp mới và thực hiện đổi mới sáng tạo ở Đà Nẵng là rất lớn. Đặc biệt các đề xuất về phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng rất có triển vọng. 


 

 
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo