Hiệp định CPTPP

"Chỉ mong cơ quan chức năng đưa được ngành tôm vào CPTPP"

DNVN - Đây chỉ là một trong nhiều kiến nghị được các đại diện doanh nghiệp nêu ra tại Hội thảo “CPTPP: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Công Thương, Báo Nông thôn Ngày nay/Báo điện tử Dân Việt phối hợp tổ chức vào sáng 02/7 tại Hà Nội.

Chính thức áp dụng cấp chứng thư XK qua Internet cho hàng dệt may đi Mexico / Xuất khẩu hàng dệt may sang Mexico theo CPTPP: Doanh nghiệp cần lưu ý gì?

Theo ông Thào Xuân Sùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam: Việc nhận diện rõ hơn những cơ hội và thách thức của nông sản Việt Nam trong CPTPP sẽ góp phần tăng cường nâng cao nhận thức và sự quan tâm của các cấp, ngành, doanh nghiệp và nông dân đối với sản xuất nông nghiệp, đời sống nông dân và phát triển nông thôn.
Ông Thào Xuân Sùng phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Dân Việt)

Ông Thào Xuân Sùng phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Dân Việt)

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, hội nhập là một lựa chọn không thể đảo ngược của nước ta, nhất là khi chúng ta đã ký kết 13 hiệp định thương mại tự do, trong đó có những hiệp định với các tiêu chuẩn cao như CPTPP và EVFTA. Thế nhưng, bức tranh Hội nhập không phải là màu hồng do những nguyên nhân từ chủ quan đến khách quan. Trong đó, nông sản thường là hàng hóa dễ tổn thương nhất khi có xáo trộn, đối đầu trên thế giới.
Cho đến nay gần như toàn bộ tất cả các bộ, ngành và các tỉnh, thành đã hoàn tất Kế hoạch hành động và gửi cho Bộ Công Thương đăng lên trên trang thông tin điện tử chính thức của Chính phủ về Hiệp định CPTPP.
Đừng bỏ rơi nông dân, các hộ kinh doanh, hợp tác xã nhỏ, siêu nhỏ...
Tuy nhiên, trên góc độ doanh nghiệp, bà Đặng Thị Dịu - Giám đốc Công ty Nuôi trồng thuỷ sản Nam Phú Hải chia sẻ: Hiện doanh nghiệp của bà có 2ha nuôi tôm công nghiệp và các hiệp hội ở Móng Cái có khoảng 100 ha, nhưng thật đáng buồn vì giá tôm thay đổi mà không giữ được giá khiến DN gặp rất nhiều khó khăn. Điển hình là năm 2019, tôm bị mất giá, giảm đi khoảng 1/3 giá so với giá tôm hàng năm.
"Tôi được biết CPTPP có thể mang lại nhiều cơ hội cho ngành xuất khẩu vì vậy tôi có 2 câu hỏi: Nuôi trồng thủy sản hiện nay giá rất rẻ, không xuất khẩu được, khi tham gia CPTPP liệu có xuất khẩu ra được nước ngoài không? Khi tham gia CPTPP áp lực cạnh tranh lớn các nước có thế mạnh về khoa học, công nghệ, tài nguyên, cơ quan chức năng và Bộ Công Thương có thể giúp được gì cho xuất khẩu tôm ra nước ngoài?", bà Dịu phát biểu.

Theo bà Dịu, Công ty Nuôi trồng thuỷ sản Nam Phú Hải đã xuất khẩu ra Trung Quốc được khoảng 15 tấn tôm và thị trường nội địa nhưng giá tôm rất rẻ. Do vậy, bà chỉ mong cơ quan chức năng đưa được ngành tôm vào CPTPP.
Cùng chung "nỗi niềm" đầu ra xuất khẩu, bà Lê Thị Thà - nông dân tỉnh Quảng Ninh cho biết: Là đơn vị sản xuất về nông nghiệp với trên dưới 100 lao động sản xuất, doanh nghiệp chỉ chuyên cung cấp sản phẩm cho các siêu thị, nhà máy và mỏ than trong tỉnh.
"Hiện nay chúng tôi đang có 1 diện tích trồng na rất lớn nhưng chưa xuất được đi đâu, bán trong nước ép giá nên giá không cao. Chúng tôi muốn hỏi, cơ quan chức năng có thể cho chúng tôi biết thị trường nào để tiêu thụ quả na hay không?", bà Thà chia sẻ.
Bà Thà cũng đặt câu hỏi "có cách nào để chế biến na xuất khẩu vừa mang lại giá trị gia tăng lớn, vừa ổn định cuộc sống cho người nông dân. Việc gia nhập CPTPP, EVFTA sẽ đòi hỏi cao hơn về chi phí đầu tư cho công nghệ, trong khi đó, vấn đề của nông dân ngoài trình độ còn có hạn chế lớn từ nguồn vốn. Vậy Nhà nước sẽ làm gì để hỗ trợ cho người nông dân trong vấn đề này?".
Cho rằng, người nông dân khó khăn từ quy trình sản xuất, chế biến và khó khăn đầu ra, bà Thà bày tỏ mong muốn được cơ quan, ban, ngành hỗ trợ người dân thúc đẩy xuất khẩu, nâng tầm nông sản nước nhà.
Ông Nguyễn Đăng Cường - Giám đốc Công ty TNHH Lucavi cho rằng, cần phải xem xét lại nền nông nghiệp sản xuất của nước ta. Đối với đồng bằng sông Hồng, diện tích rất nhỏ lẻ, doanh nghiệp muốn xuất khẩu và liên kết trực tiếp với nhau thì phải tác động thông qua hợp tác xã và doanh nghiệp làm về nông nghiệp xuất khẩu có chế biến. Sự phân tán này đã tạo nên nhiều yếu kém trong khâu chế biến. Do đó, ông bày tỏ mong muốn Chính phủ như các bộ ngành có những mô hình, công nghệ chế biến mới để nông dân gắn kết với nhau vượt qua những khó khăn.
"Chúng tôi muốn hội nhập phải cho chúng tôi những thông tin về hội nhập. Đừng bỏ rơi nông dân, các hộ kinh doanh, hợp tác xã nhỏ, siêu nhỏ... Chúng tôi rất mong, người nông dân được tự quyền khai thác trên chính những mảnh đất của mình".
Đề cập tới một số giải pháp cấp thiết cho Chính phủ trong việc phát triển ngành nông nghiệp, tận dụng lợi thế từ CPTPP, theo Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cần tập trung vào 3 nội dung. Một là ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu và phát triển dây chuyền công nghệ, giống, bảo quản, làm sạch nông sản..., qua đó đa dạng hóa và hoàn thiện chất lượng sản phẩm xuất khẩu phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường quốc tế.
Hai là tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng từ cơ cấu Chính phủ cho đến doanh nghiệp, cập nhật những tri thức và tiến bộ khoa học công nghệ mới nhất để vực dậy nền tảng quốc gia có truyền thống nông nghiệp như Việt Nam. Tăng cường trao đổi, liên kết giữa Nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp để tạo ra những sản phẩm cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Ba là kiểm soát chặt chẽ các yếu tố kỷ luật, giám sát sản xuất đồng bộ, đúng quy trình, xây dựng thương hiệu nông sản chất lượng Việt Nam.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các nông dân, doanh nghiệp cũng như giới chuyên gia tại hội thảo, ông Thào Xuân Sùng cho biết, Trung ương hội Nông dân sẽ có báo cáo trình lên Ban bí thư, Thủ tướng Chính phủ để hoàn thiện hệ thống chính sách, cơ chế hỗ trợ nông nghiệp. Nhà nước, doanh nghiệp còn nhiều việc phải làm, bắt đầu từ đổi mới tư duy, hành động trước cánh cửa CPTPP đang mở rộng, để tận dụng cơ hội phát triển nền kinh tế.
Nguyệt Minh
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm