Hiệp định CPTPP

Thủ tướng ký ban hành Biểu thuế XK ưu đãi, Biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt thực hiện CPTPP

DNVN - Ngày 26/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Nghị định số 57/2019/NĐ-CP ban hành Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) giai đoạn từ ngày 14/01/ 2019 đến hết ngày 31/12/2022.

CPTPP có hiệu lực tại Việt Nam: Từ ngày 14/1/2019, đơn giản hóa thủ tục khai nguồn gốc xuất xứ sản phẩm / CPTPP: Khẩn trương triển khai biện pháp năng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp

Nghị định được được áp dụng với Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia. Đây là những quốc gia mà Hiệp định CPTPP đã có hiệu lực theo quy định về điều kiện để được hưởng thuế suất thuế xuất khẩu (XK) ưu đãi và thuế suất thuế nhập khẩu (NK) ưu đãi đặc biệt.
Theo quy định của Hiệp định CPTPP, 6 nước đầu tiên phê chuẩn Hiệp định có quyền thông báo với các nước phê chuẩn sau về thời điểm bắt đầu lộ trình cắt giảm thuế. Trên cơ sở quy định đó, 5 nước gồm Australia, Canada, Nhật Bản, New Zealand, Singapore, thông báo áp dụng mức cắt giảm thuế lần thứ hai cho Việt Nam từ ngày 14/01/2019. Đối với 5 nước này, Việt Nam cũng áp dụng mức cắt giảm thuế lần thứ hai từ ngày 14/01/2019.

Mexico thông báo áp dụng mức cắt giảm thuế lần thứ nhất cho Việt Nam từ ngày 14/01/2019. Theo đó, Việt Nam cũng áp dụng mức cắt giảm thuế lần thứ nhất từ ngày 14/01/2019. Việc áp dụng hai lộ trình riêng cho hai nhóm nước như trên đảm bảo tuân thủ cam kết và đảm bảo lợi ích cho Việt Nam.
Về thuế xuất khẩu ưu đãi thực hiện Hiệp định CPTPP, Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi gồm 519 dòng thuế; các mặt hàng không thuộc Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi này sẽ áp dụng thuế xuất khẩu ưu đãi 0% khi xuất khẩu sang lãnh thổ các nước thành viên mà Hiệp định CPTPP đã có hiệu lực. Để được hưởng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi, hàng hóa xuất khẩu phải có chứng từ vận tải và tờ khai nhập khẩu thể hiện đích đến thuộc lãnh thổ các nước thành viên mà Hiệp định CPTPP đã có hiệu lực.
Về thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thực hiện Hiệp định CPTPP, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt gồm 10.647 dòng thuế theo cấp độ 8 số và 350 dòng thuế được chi tiết theo cấp độ 10 số và Danh mục hàng hóa và thuế NK ưu đãi đặc biệt đối với xe ô tô đã qua sử dụng áp dụng hạn ngạch thuế quan để thực hiện Hiệp định CPTPP.
Từ nay đến năm 2022, thuế suất NK nhiều mặt hàng thịt trâu bò đông lạnh, các loại sữa, kem chưa pha đường, thịt cừu... từ 6 quốc gia trên vào Việt Nam cũng lần lượt về 0%. Đặc biệt, từ năm 2021, mặt hàng ôtô đầu kéo dùng để kéo rơ mooc có dung tích xilanh không quá 1.100cc cũng được miễn thuế nhập khẩu.
Hàng hóa NK được áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định CPTPP phải đáp ứng đủ các điều kiện là thuộc Biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt hoặc Danh mục hàng hóa và thuế NK ưu đãi đặc biệt đối với xe ô tô đã qua sử dụng; được NK vào Việt Nam từ các nước thành viên của Hiệp định CPTPP đã có hiệu lực bao gồm cả hàng hóa từ khu phi thuế quan nhập khẩu vào thị trường trong nước; được vận chuyển vào Việt Nam từ các nước thành viên của Hiệp định CPTPP đã có hiệu lực (trường hợp quá cảnh, chuyển tải thì phải đáp ứng điều kiện quá cảnh, chuyển tải theo quy định của Hiệp định CPTPP) và đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa và có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hoá theo quy định của Hiệp định CPTPP.
Về thời điểm hiệu lực của Nghị định, do Hiệp định CPTPP có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/01/2019 và Nghị định sẽ được Chính phủ ký ban hành sau ngày Hiệp định có hiệu lực, Nghị định có quy định cho giai đoạn từ ngày 14/01/2019 đến trước ngày Nghị định có hiệu lực thi hành; theo đó các tờ khai hải quan của các mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu đăng ký từ ngày 14 tháng 01 năm 2019 đến trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, nếu đáp ứng đủ các điều kiện để được hưởng thuế xuất khẩu ưu đãi, thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt quy định tại Nghị định và đã nộp thuế theo mức thuế cao hơn thì được cơ quan hải quan xử lý tiền thuế nộp thừa theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Minh Thu
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm