"Soi" mức độ cam kết về thuế quan trong 2 Hiệp định EVFTA và CPTPP
EVFTA sắp có hiệu lực, ngành nào hưởng lợi nhiều nhất? / EVFTA đem về lợi ích cao hơn tất cả FTA khác
Bộ Công Thương đưa ra so sánh mức độ cam kết của Việt Nam về xóa bỏ thuế quan trong Hiệp định EVFTA và Hiệp định CPTPP.
Đối với cả hai Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này, Việt Nam đều có lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu trong khoảng 10 năm với khoảng 99% số dòng thuế của các nước đối tác. Đối với những mặt hàng nhạy cảm, ta đều bảo lưu được một khoảng thời gian (lộ trình xóa bỏ thuế) tương đối dài (hơn 10 năm) hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan (TRQ) hoặc không cam kết.
Cụ thể, với EVFTA, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực, với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu). Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu.
Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, ta áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan (TRQ) theo cam kết WTO hoặc không cam kết.
Với Hiệp định CPTPP, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 66% số dòng thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực và 86,5% số dòng thuế sau 3 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng còn lại có lộ trình giảm thuế chủ yếu từ 5 đến 10 năm. Đối với một số mặt hàng đặc biệt nhạy cảm, Việt Nam yêu cầu lộ trình trên 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan (TRQ).
Liên quan đến những cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu của EU trong Hiệp định EVFTA và mức độ cam kết của EU so với các nước tham gia CPTPP, Bộ Công Thương giải thích, ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.
Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với một số ít mặt hàng còn lại (tương đương khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu), EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn (07 năm).
Trong khi đó, với Hiệp định CPTPP, các nước CPTPP cam kết xóa bỏ hoàn toàn từ 97% đến 100% số dòng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam, tùy theo cam kết của từng nước và tùy theo lộ trình, tối đa là 17 năm (với Pêru).
EVFTA đi vào thực thi, dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.
Xét theo ngành hàng, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của một số ngành sang EU dự kiến sẽ đạt kết quả tăng trưởng cao đối với các ngành như: Nông thủy sản, cụ thể là gạo tăng thêm 65% vào năm 2025), đường (8%), thịt lợn (4%), lâm sản (3%), thịt gia súc gia cầm (4%), đồ uống và thuốc lá (5%) và thủy sản (2% trong giai đoạn 2020-2030).
End of content
Không có tin nào tiếp theo