Hiệp định CPTPP

Da giày cải tiến sản phẩm để thích ứng với EVFTA

Xác định điểm yếu lớn nhất là quy tắc xuất xứ nên để tận dụng tối đa những lợi thế của Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), nhiều doanh nghiệp da giày đã từng bước chủ động nguồn nguyên liệu, tích cực nghiên cứu thị trường, cải tiến mẫu mã sản phẩm.

Chuẩn bị trình Quốc hội phê chuẩn EVFTA / EVFTA sắp có hiệu lực, ngành nào hưởng lợi nhiều nhất?

Khó đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ
Với kinh nghiệm hơn 20 năm xuất khẩu da giày sang châu Âu và thị trường này hiện chiếm 90% tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của Công ty TNHH SX-TM-DV Vinh Thông, ông Nguyễn Quốc Tuấn - đại diện Công ty cho biết: Vinh Thông rất vui mừng khi thông tin hiệp định EVFTA sẽ được phê chuẩn và đi vào thực thi trong thời gian tới.
Theo ông Tuấn, từ đầu năm 2020 đến nay, hoạt động sản xuất, xuất khẩu của công ty gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Chính vì vậy, doanh nghiệp kỳ vọng rằng EVFTA sẽ giúp gia tăng xuất khẩu trong những tháng cuối năm.
Dù vậy, theo ông Tuấn, công ty sẽ gặp phải nhiều khó khăn trong việc đáp ứng quy tắc xuất xứ do, hiện nay chỉ có khoảng 60% nguyên liệu được nhập ở trong nước, trong khi 40% còn lại là nhập từ nước ngoài và chủ yếu từ Trung Quốc, Đài Loan… Bên cạnh đó, việc đầu tư công nghệ, mở rộng sản xuất cũng còn nhiều hạn chế do nội lực của doanh nghiệp không đủ. Các vấn đề về nguồn vốn, nhân sự, máy móc thiết bị không đủ để mở rộng sản xuất.
Nhiều doanh nghiệp da giày vẫn đang yếu công nghệ sản xuất và phải từng bước đáp ứng để hội nhập với EVFTA.
Nhiều doanh nghiệp da giày vẫn đang yếu công nghệ sản xuất và phải từng bước đáp ứng để hội nhập với EVFTA.

Ông Lê Anh Sơn - Giám đốc Công ty túi xách Phước Hải nhìn nhận, các doanh nghiệp da giày phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ yếu gia công nên vấn đề thương hiệu còn yếu. Cùng với đó, công nghiệp phụ trợ của ngành da giày còn yếu khiến hoạt động sản xuất bị động. “Doanh nghiệp nhận được đơn hàng nhưng phụ liệu, phụ trợ không có, chỉ may không có… thì lấy gì mà làm. Chưa kể lại phải phụ thuộc bên thứ ba nên rất khó để phát triển sản xuất, tận dụng ưu đãi của EVFTA”, ông Sơn bày tỏ.
Theo ông Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Da giày TP. Hồ Chí Minh, trước mắt, các doanh nghiệp da giày Việt Nam chưa thể tận dụng nhiều cơ hội từ EVFTA. Nguyên nhân là do có tới 85% doanh nghiệp của ngành thiếu thốn về mặt bằng, vốn, kỹ thuật công nghệ, nguyên phụ liệu. Với vấn đề nguyên liệu, ông Khánh cho biết để đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ không dễ dàng bởi 60% nguyên liệu vẫn phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan và các thị trường khác.
Chủ động thay đổi để tận dụng ưu đãi
Để có thể tận dụng tốt nhất các ưu đãi từ hiệp định EVFTA, ông Khánh khuyến nghị các doanh nghiệp nên có sự chuẩn bị về nhà xưởng, công nghệ, nguồn vốn và nguyên phụ liệu. “Trước mắt chúng tôi sẽ kiến nghị với chính quyền Thành phố làm sao hỗ trợ được cho ngành da giày mặt bằng, nguồn vốn và vùng nguyên phụ liệu. Ví dụ phải có 1 cụm doanh nghiệp để cho các doanh nghiệp tập trung lại liên kết với nhau để tạo chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu của đối tác”, ông Khánh cho biết.
Từ phía các doanh nghiệp, Giám đốc Công ty TNHH Giày Tuấn Việt (Đồng Nai) Trần Văn Tắc - cho biết, đơn vị đã có sự chuẩn bị và chủ động được hơn 90% nguồn nguyên phụ liệu ở trong nước. Vì vậy đơn vị đáp ứng tốt các quy định về yêu cầu nguồn gốc xuất xứ trong EVFTA. Khi đáp ứng được yêu cầu về quy tắc xuất xứ công ty sẽ được hưởng ưu đãi về thuế, khả năng cạnh trạnh của sản phẩm tốt hơn. Do đó, nguồn khách hàng sẽ rộng lớn hơn.
Trong khi đó, ông Lê Hải Sơn cho rằng, cùng với quy tắc xuất xứ thì yếu tố then chốt để có thể gia tăng thị phần là đáp ứng được các yêu cầu cao về chất lượng, cải tiến mẫu mã. Chia sẻ về hướng phát triển trong thời gian tới, ông Sơn cho biết công ty sẽ chú trọng hơn vào nghiên cứu mẫu mã, thị hiếu của thị trường nhằm xây dựng thị trường mới; Đồng thời thông qua những hội chợ, buổi xúc tiến thương mại công ty sẽ mang sản phẩm mới này tới quảng bá cho khác hàng.
Theo các doanh nghiệp da giày, cùng sự cố gắng của họ thì nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, giúp doanh nghiệp có sức bật, tạo ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm