Hiệp định CPTPP

CPTPP mang lại lợi ích lâu dài cho Việt Nam

Lợi ích thu được trong ngắn hạn của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ không lớn và sẽ không tạo ra những thay đổi lớn trong xuất khẩu và nhập khẩu. Tuy nhiên, lợi ích chính đối với Việt Nam nằm ở những tác động dài hạn.

Hiệp định CPTPP: Tổ chức công đoàn phải biến thách thức thành cơ hội / Hiệp định CPTPP tạo thêm cơ hội xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản

Ngày 24/5, Khoa Kinh tế, Học viện Ngân hàng tổ chức hội thảo Vận dụng lý thuyết kinh tế học vào phân tích tác động hiệp định CPTPP đối với nền kinh tế Việt Nam.

Ít bị cạnh tranh về hàng hóa

Theo TS Phạm Minh Anh,trong 11 nước CPTPP, Việt Nam đã ký hiệp định tự do thương mại với 8 nước, chỉ còn lại 3 nước là Canada, Mexico và Peru.

Trong 11 nước thành viên của CPTPP thì có 9 nước thuộc nhóm nền kinh tế phát triển và 2 nước đang phát triển là Việt Nam và Peru. Do đó, khi Việt Nam tham gia vào CPTPP, nền kinh tế của Việt Nam sẽ ít cạnh tranh hơn với nền kinh tế của các nước thành viên, trái lại có xu hướng bổ sung do hàng hóa của Việt Nam chủ yếu là hàng nông nghiệp, thủy sản và hàng hóa sử dụng nhiều lao động.

Lý giải rõ hơn về điều này, ông Minh Anh cho biết, đối thủ cạnh tranh chủ yếu của Việt Nam tại các thị trường với ưu thế hơn hẳn về giá là Trung Quốc về hàng tiêu dùng, dệt may, da giày, thủy sản; Thái Lan về mặt hàng thủy sản, gạo, trái cây; Ấn Độ về gạo. Những nước này đều là những nước không tham gia vào CPTPP.

Tuy nhiên, ngoài các nước châu Á, khoảng cách giữa Việt Nam và các nước là thành viên của CPTPP là tương đối xa. Điều đó sẽ làm tăng chi phí vận tải và các chi phí kháckhiến cho tác động tạo lập mậu dịch trong quan hệ giữa Việt Nam và các nước đó sẽ bị hạn chế.

Cũng theo ông Minh Anh, nền kinh tế Việt Nam có đặc điểm là các ngành công nghiệp “thượng nguồn”chưa phát triển, vì thế sản xuất phải nhập khẩu hàng hóa đầu vào. Còn các ngành “hạ nguồn” -những ngành công nghiệp chế biến, lắp ráp, chiếm số lớn trong nền kinh tế. Giá trị chủ yếu của các ngành sản xuất ở Việt Nam là gia công như dệt may, giày dép.

Các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam có tỷ lệ nội địa hóa rất thấp và đầu vào chủ yếu được nhập khẩu từ những nước mà không phải là thành viên của CPTPP. Do đó, mặc dù ưu đãi về thuế quan trong CPTPP là rất lớn nhưng khả năng đáp ứng yêu cầu về xuất xứ đối với Việt Nam rất khó.

Theo ông Minh Anh, khi xem xét các điều kiện đảm bảo cho Việt Nam tham gia vào CPTPP có hiệu quả tốt, chúng ta nhận thấy là hầu hết các điều kiện đó đều không đảm bảo. Do vậy, lợi ích thu được trong ngắn hạn sẽ không lớn và sẽ không có những thay đổi lớn trong xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam cũng như những thay đổi về sản lượng.

Tuy nhiên, lợi ích chính đối với Việt Nam sẽ là những tác động dài hạn. CPTPP là hiệp định thương mại thế hệ mới. Do vậy, ngoài tác động đến phúc lợi kinh tế trong ngắn hạn, hiệp định này còn có những tác động đến các lĩnh vực dịch vụ, đầu tư, thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ, lao động… CPTPP sẽ góp phần thúc đẩy sự minh bạch và thúc đẩy việc hình thành các thể chế hiện đại ở Việt Nam.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Bùi Tư.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Bùi Tư.

Cơ hội cho lĩnh vực tài chính ngân hàng

Cũng tại hội thảo, bà Đỗ Minh Thu cho rằng, CPTPP sẽ mở ra nhiều cơ hội cho lĩnh vực tài chính ngân hàng. Theo đó, các tổ chức tài chính Việt Nam có cơ hội mở rộng thị phần ra nước ngoài, tìm kiếm cơ hội kinh doanh; khuyến khích các tổ chức tài chính thuộc mọi thành phần kinh tế cạnh tranh với nhau bình đẳng, minh bạch trong việc cung cấp các dịch vụ tài chính.

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, các tổ chức tài chính cũng gặp áp lực cạnh tranh thị phần từ các doanh nghiệp nước ngoài rất gay gắt.

Bên cạnh đó, nguồn lao động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng tại Việt Nam vẫn còn chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Tiềm lực tài chính của các tổ chức tài chính trong nước còn khiêm tốn. Năng lực quản trị rủi ro của các tổ chức tài chính trong nước khá yếu.

 

Theo bà Thu, các tổ chức tài chính cần có các giải pháp tăng sức cạnh tranh và mở rộng thị phần trên thị trường tài chính. Đồng thời, có các giải pháp nâng cao năng lực quản trị rủi ro như xây dựng một mô hình quản trị theo thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện hội nhập; giải quyết triệt để vấn đề xử lý nợ xấu.

Đặc biệt, các tổ chức tài chính cần đầu tư lớn vào hạ tầng công nghệ thông tin, chủ động nghiên cứu, triển khai các sản phẩm dựa trên các nền tảng công nghệ số.

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm