CPTPP: Rộng đường cho doanh nghiệp xuất khẩu
BẢN TIN TÀI CHÍNH-KINH DOANH: Việt Nam hưởng lợi nhiều thứ nhì từ CPTPP, xuất khẩu thủy sản đạt 7,2 tỷ USD / CPTPP có hiệu lực tại Việt Nam: Từ ngày 14/1/2019, đơn giản hóa thủ tục khai nguồn gốc xuất xứ sản phẩm
Ông Nguyễn Tiến Quang - Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP. Đà Nẵng - cho rằng, CPTPP có hiệu lực sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp. Các nước thành viên của CPTPP khi đầu tư vào Việt Nam không chỉ là cơ hội tiếp cận thị trường Việt Nam mà còn mở rộng ra khu vực Đông Nam Á, châu Âu, ngược lại, doanh nghiệp Việt Nam cũng được tiếp cận các thị trường mới, mở ra nhiều cơ hội hơn trong xúc tiến đầu tư.
Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp miền Trung xuất khẩu vào thị trường các thành viên CPTPP |
Theo ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản Thuận Phước - các FTA nói chung và CPTPP nói riêng đều hướng đến đối tượng được hưởng lợi là doanh nghiệp. Nhưng điều lớn nhất mà doanh nghiệp được hưởng lợi không chỉ là thuế mà còn là sự thay đổi thể chế cho phù hợp, là sự thông thoáng trong kinh doanh. "Tham gia CPTPP hay các FTA nói chung đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ phải sẵn sàng thay đổi các văn bản pháp luật không còn phù hợp trong sân chơi hội nhập, phải tuân thủ các quy tắc của các FTA. Chính điều này sẽ "cởi trói" cho doanh nghiệp" - ông Lĩnh nhìn nhận.
Cũng theo ông Lĩnh, việc thay đổi này cần phải có thời gian, nhưng doanh nghiệp có quyền hy vọng sự đột phá trong các chính sách thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh. Bên cạnh đó, CPTPP cũng mang lại sự công bằng cho doanh nghiệp quốc doanh và doanh nghiệp tư nhân. Ví dụ như mua sắm công, doanh nghiệp tư nhân sẽ được tham gia đấu thầu minh bạch, tránh tình trạng "sân sau của lãnh đạo" trong kinh doanh.
Theo ông David Joseph Devine - Cựu Đại sứ Canada tại Việt Nam - CPTPP mang tính chất rất đặc biệt, bởi bên cạnh WTO có chiều rộng bao quát thì CPTPP mang chiều sâu hơn rất nhiều, dành cho một khu vực cụ thể với luật chơi và quy tắc riêng trong quy tắc chung của WTO. Các quốc gia thành viên của CPTPP sẽ thảo luận để xem xét tìm ra cơ hội hợp tác giữa các bên. Điều quan trọng sau CPTPP là làm sao để doanh nghiệp các quốc gia khai thác và tận dụng được các cơ hội.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Cựu Nghị sĩ Bryon Wilfert, thành viên Hội đồng Cố vấn Hoàng Gia Canada - cho rằng cả Việt Nam và Canada đều là những thành viên tích cực trong việc tham gia CPTPP. Việc thông qua CPTPP tạo động lực mạnh mẽ hơn nữa cho việc phát triển mối quan hệ giữa hai quốc gia, mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp của Việt Nam và Canada. Và nếu không có CPTPP này thì các doanh nghiệp Canada có thể sẽ phải tìm kiếm cơ hội đầu tư, giao thương tại một thị trường khác chứ không phải là Việt Nam.
Cựu Nghị sĩ Bryon Wilfert: Cơ hội hợp tác giữa Việt Nam với Canada nói riêng và với 9 quốc gia thành viên còn lại nói chung rất lớn, bởi những rào cản như thuế quan đã có lộ trình gỡ bỏ phần lớn. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo