Hiệp định CPTPP

Doanh nghiệp cần bảo đảm xuất xứ hàng hóa để hưởng ưu đãi từ CPTPP

Tiếp tục chương trình kỳ họp, ngày 6/6, ngay sau khi kết thúc chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, Phó thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, thay mặt Chính phủ, đã phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

CPTPP có hiệu lực tại Việt Nam: Từ ngày 14/1/2019, đơn giản hóa thủ tục khai nguồn gốc xuất xứ sản phẩm / CPTPP: Khẩn trương triển khai biện pháp năng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp

Trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước, thay mặt Chính phủ, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đã trình bày báo cáo cập nhật tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2019, đồng thời giải trình một số vấn đề mà nhiều vị đại biểu Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước quan tâm, chất vấn.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đã trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội xung quanh nhiều nội dung như: Phát huy hiệu quả từ các hiệp định thương mại tự do; giải pháp xử lý hàng hóa không rõ nguồn gốc gắn mác Việt Nam;ngoại giao văn hóa, quảng bá du lịch...

Tác động tích cực của CPTPP đã bắt đầu phát huy tác dụng

Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (Đồng Nai) chất vấn Phó thủ tướng Phạm Bình Minh về giải pháp phát huy hiệu quả từ các cơ hội to lớn của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại, nhất là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để bảo vệ quyền, lợi ích dân tộc, đất nước.

Trả lời đại biểu, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ: Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã thông qua phê chuẩn Hiệp định CPTPP, Việt Nam tham gia Hiệp định cùng với 11 thành viên. Ngay từ khi Hiệp định có hiệu lực với Việt Nam ngày 14/1/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định để thực hiện CPTPP, trong đó xác định nhiệm vụ triển khai các cam kết hiệp định này và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện kế hoạch hành động thực hiện Hiệp định.

Phó thủ tướng cho biết: Đến nay, 21 bộ, ngành và 54 địa phương đã ban hành kế hoạch thực hiện CPTPP. Chính phủ đang xây dựng, sửa đổi bổ sung 8 luật có liên quan đến việc thực hiện của chúng ta trong cam kết Hiệp định CPTPP, 4 nghị định quy định chi tiết việc thực hiện một số điều của Luật Cạnh tranh, Luật Sở hữu trí tuệ, Quản lý ngoại thương và an toàn thực phẩm.

“Bước đầu, sau 4-5 tháng việc thực hiện CPTPP, thương mại của chúng ta với một số nước là thành viên của CPTPP đã tăng lên so với cùng kỳ năm ngoái. Ví dụ, đối với Canada tăng trên 70%, Mexico tăng trên 80%...Điều đó cho thấy, CPTPP đã bắt đầu phát huy tác dụng. Và quan trọng là các doanh nghiệp của chúng ta phải tận dụng được cơ hội của hiệp định thương mại tự do này để thúc đẩy xuất nhập khẩu đối với các thị trường mà cùng chúng ta tham gia CPTPP", Phó thủ tướng nói.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng cho biết hiện còn một số vướng mắc, thách thức trong việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do, cụ thể đây là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, có các tiêu chuẩn cao. Theo đó, ngay cả trong lĩnh vực dệt may - lĩnh vực Việt Nam có nhiều thế mạnh thì cũng có quy định rất chặt chẽ về xuất xứ hàng hóa. Muốn tận dụng về thuế giảm về 0% hoặc mức thấp của ngành dệt may, Việt Nam phải bảo đảm xuất xứ hàng hóa. Đây cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp của Việt Nam.

“Việt Nam đang phải đối phó với hàng hóa nước ngoài gian lận xuất xứ để hưởng các ưu đãi của các FTA, trong đó có CPTPP. Cùng với đó, tranh chấp về đầu tư trong các FTA thế hệ mới, nhất là CPTPP, có những điều khoản cho phép doanh nghiệp đầu tư khởi kiện Chính phủ. Đây là một thách thức, đòi hỏi phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật”, Phó thủ tướng nhận định.

Trong bối cảnh như trên, Phó thủ tướng cho biết, Chính phủ tiếp tục đẩy nhanh hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý, các văn bản thực thi CPTPP; nâng cao hiệu quả tuyên truyền các cam kết. Đặc biệt, điều quan trọng là, doanh nghiệp cần hiểu rõ những thuận lợi và thách thức trong thực hiện các hiệp định, đặc biệt là thực thi các cam kết của CPTPP.

“Cùng với đó, khi CPTPP có hiệu lực, khoảng 66 mặt hàng của Việt Nam có mức thuế giảm xuống còn 0%. Đây cũng là thách thức khi hàng hóa nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Điều này đòi hỏi việc nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam”, Phó thủ tướng nhấn mạnh

Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Ngăn chặn hàng hóa “núp bóng” hàng Việt Nam

Trả lời đại biểu về tình trạng xử lý hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng hóa sản xuất ở nước ngoài nhưng lấy nhãn hiệu của Việt Nam, Phó thủ tướng cho biết, vừa qua, báo chí phản ánh nhiều và lực lượng chức năng cũng phát hiện, bắt giữ nhiều loại hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài.

Theo đó, các đối tượng nhập giả mạo nhãn hiệu của Việt Nam, của nước ngoài, dán sẵn tem, nhãn mác ở nước ngoài, sau đó thông qua nhiều hình thức khác nhau để thẩm lậu vào trong nước. Các cơ quan chức năng đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ việc.

“Các hiện tượng, hành vi này đã ảnh hưởng đến thương hiệu, doanh nghiệp Việt Nam, quyền lợi người tiêu dùng, thậm chí có nguy cơ khiến hàng hóa trong nước bị xem xét khi xuất khẩu vào một số thị trường nước ngoài vì không rõ nguồn gốc, xuất xứ, ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu, nền kinh tế nước ta”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Nguyên nhân, theo Phó thủ tướng, là do hàng hóa Việt Nam ngày càng nâng cao chất lượng, tạo sự tin dùng của các thị trường bên ngoài, do đó, một số đối tượng lợi dụng nhãn hiệu hàng hóa Việt Nam để sản xuất, xuất khẩu hàng kém chất lượng.

Giải pháp trong thời gian tới được Phó thủ tướng đưa ra là, tăng cường kiểm soát chặt chẽ các khu vực cửa khẩu, biên giới không để hàng hóa nước ngoài dán mác Việt Nam thẩm lậu. Đồng thời, tăng cường điều tra cơ bản, kiểm tra các kho tàng, bến bãi, địa điểm kinh doanh; xử lý nghiêm các hành vi nhập lậu, vận chuyển, kinh doanh, phân phối hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam. Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân, doanh nghiệp không bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm xâm phạm thương hiệu Việt Nam và quyền lợi người tiêu dùng...

Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Công Thương xây dựng Đề án chống gian lận xuất xứ, đánh giá toàn diện và đề xuất cho Chính phủ các giải pháp; xây dựng nghị định thay thế nghị định 185/2013, trong đó có việc xử lý các hành vi vi phạm về xuất xứ hàng hóa, xuất nhập khẩu, theo hướng tăng nặng mức hình thức, mức xử phạt mang tính răn đe với hành vi lợi dụng hàng hóa Việt Nam để xuất khẩu sang thị trường khác.

Quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài

Trả lời chất vấn của đại biểu về ngoại giao văn hóa, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, trong hội nhập sâu rộng về chính trị, đối ngoại về kinh tế, về văn hóa cũng là một chủ trương quan trọng. Ngoại giao của chúng ta cũng có ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa.

Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Chiến lược về ngoại giao văn hóa đến năm 2020, trong đó nổi bật là định hướng tổ chức các hoạt động quảng bá văn hóa Việt Nam ở nước ngoài thông qua hoạt động của các đoàn cấp cao đi thăm nước ngoài. Những chuyến thăm này là dịp quảng bá văn hóa. Đồng thời, tổ chức những Ngày Việt Nam ở nước ngoài. Những ngày văn hóa đó là để quảng bá di sản, văn hóa dân tộc, qua đó quảng bá ra thế giới, các nước về nền văn hóa Việt Nam.

Phó thủ tướng cho biết, trong thời gian tới, chúng ta tiếp tục vận động UNESCO công nhận các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Việt Nam. Hiện nay chúng ta có 38 loại hình được công nhận di sản vật thể, phi vật thể; và hiện nay nước ta cũng là quốc gia được công nhận nhiều di sản văn hóa thế giới, qua đó quảng bá giá trị văn hóa dân tộc.

Đồng thời, tổ chức giao lưu cho các nghệ sĩ, danh nhân trong các sự kiện lớn của khu vực và quốc tế. Tổ chức quảng bá văn hóa Việt Nam thông qua tổ chức các sự kiện quốc tế ở nước ta, ví dụ như Hội nghị APEC năm 2017, gần đây nhất là Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều… - đây là chủ trương của chúng ta nhằm quảng bá văn hóa, giá trị nghệ thuật đậm đà của Việt Nam ra thế giới.

Liên quan đến việc quảng bá du lịch thông qua văn phòng đại diện, Phó thủ tướng cho biết, hiện có 96 đại sứ quản, tổng lãnh sự ở nước ngoài. Các đại sứ quán, tổng lãnh sự này ngoài nhiệm vụ về chính trị, kinh tế thì cũng có nhiệm vụ quảng bá văn hóa và du lịch.

“Luật Du lịch có quy định thiết lập các văn phòng đại diện hoặc văn phòng để quảng bá du lịch trên cơ sở huy động các nguồn lực xã hội hóa. Các cơ quan đại diện ngoại giao đều có trách nhiệm quảng bá văn hóa, du lịch đến các nước trên thế giới”, Phó thủ tướng nói.

Theo qdnd.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm