Thị trường

CPTPP bắt đầu phát huy tác dụng, Phó Thủ tướng nêu thách thức và giải pháp cho DN

DNVN - Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã bắt đầu phát huy tác dụng. Quan trọng là các doanh nghiệp của chúng ta phải tận dụng được cơ hội của Hiệp định thương mại tự do này để thúc đẩy xuất, nhập khẩu đối với các thị trường mà chúng ta vừa tham gia.

Chủ tịch Quốc hội: Việc chậm di dời các cơ sở theo Quyết định 130 là trách nhiệm của các bộ ngành / Làn sóng khởi nghiệp đang là kênh huy động nguồn vốn cho nền kinh tế

Trong phiên chất vấn sáng 06/6, Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Thu Hằng (đoàn Đồng Nai) đặt câu hỏi với Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Làm thế nào để Việt Nam có thể phát huy tối đa các cơ hội, đồng thời giải quyết được những vướng mắc trong triển khai các FTA, nhất là Hiệp định CPTPP, các biện pháp cụ thể để nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường hàng hóa Việt Nam; nâng cao năng lực giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, bảo vệ lợi ích quốc gia cũng như quyền lợi của doanh nghiệp?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết: Ngay sau khi hiệp định có hiệu lực với Việt Nam vào ngày 14/1/2019 thì Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP. Trong đó xác định nhiệm vụ triển khai hiệu quả các cam kết của hiệp định này và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch hành động, thực hiện hiệp định.
Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh trả lời chất vấn của Đại biểu. (Ảnh: VPQH)

Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh trả lời chất vấn của Đại biểu. (Ảnh: VPQH)

Cho đến nay, có 21 bộ, ngành và 54 địa phương đã ban hành kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP. Chính phủ đang xây dựng, sửa đổi, bổ sung 8 luật liên quan đến việc thực hiện của chúng ta trong cam kết Hiệp định CPTPP; 4 nghị định quy định chi tiết việc thực hiện một số điều luật của Luật Cạnh tranh, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Quản lý ngoại thương và Luật An toàn thực phẩm.
Việc thực hiện Hiệp định CPTPP, trong 4 - 5 tháng qua, thương mại của Việt Nam với một số nước là thành viên của CPTPP đã tăng lên so với cùng kỳ năm ngoái. Ví dụ đối với Canada tăng trên 70%, Mexico tăng trên 8% là những nước mà chúng ta không có hiệp định thương mại tự do. Với Nhật Bản, chúng ta đã có hiệp định trong khuôn khổ ASEAN nhưng thương mại trong vòng 4 tháng qua đã tăng 4%.
"Điều này cho thấy Hiệp định thương mại tự do CPTPP đã bắt đầu phát huy tác dụng. Quan trọng là các doanh nghiệp của chúng ta phải tận dụng được cơ hội của Hiệp định thương mại tự do này để thúc đẩy xuất, nhập khẩu đối với các thị trường mà chúng ta vừa tham gia", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng đề cập tới một số vướng mắc, thách thức trong việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do. Theo Phó Thủ tướng, đây là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, có tiêu chuẩn cao, ngay cả trong lĩnh vực dệt may là thế mạnh của chúng ta thì cũng có quy định rất chặt chẽ về xuất xứ hàng hóa. Việc tận dụng được thuế giảm về 0 hoặc thấp của dệt may phải bảo đảm được xuất xứ hàng hóa. Đó là một thách thức với doanh nghiệp dệt Việt Nam.
Thứ hai là cũng có thể đối phó với hàng hóa nước ngoài gian lận xuất xứ để hưởng các ưu đãi của các Hiệp định thương mại tự do của chúng ta trong đó có CPTPP.
Thứ ba là tranh chấp về đầu tư trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhất là CPTPP, có những điều khoản cho phép các doanh nghiệp đầu tư có thể khởi kiện Chính phủ. Đây là những thách thức đảm bảo chúng ta phải thực hiện đúng các quy định về pháp luật và triển khai pháp luật để không cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có thể khởi kiện Chính phủ trong những trường hợp gây ra khi thực hiện các hiệp định này.
Về giải pháp, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, Chính phủ tiếp tục đẩy nhanh công tác hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý và các văn bản pháp luật thực thi Hiệp định CPTPP, nâng cao hiệu quả tuyên truyền cam kết của Việt Nam.
"Vấn đề này hết sức quan trọng và đặc biệt đối với doanh nghiệp, cần hiểu rõ những mặt được, thuận lợi, cơ hội trong các Hiệp định thương mại tự do để tăng cường về thương mại nhưng đồng thời thấy được thách thức trong lĩnh vực này", Phó Thủ tướng nêu.
Liên quan tới vấn đề thực thi các cam kết trong CPTPP, theo Phó Thủ tướng phải thực thi ngay, thể hiện Hiệp định CPTPP có hiệu lực ngay lập tức. Gần 66 mặt hàng của Việt Nam có mức thuế giảm xuống 0%, 86,5% một số mặt hàng sẽ giảm sau 3 năm và sau 11 năm sẽ xóa bỏ 100%. Như vậy, thách thức cũng là hàng hóa của các nước vào thị trường Việt Nam nên đòi hỏi nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, của các doanh nghiệp là hết sức cần thiết.
Minh Thu (Tổng hợp)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm