Hiệp định CPTPP

Khả năng tận dụng các ưu đãi từ CPTPP của Việt Nam còn thấp

Theo đánh giá của các chuyên gia, doanh nghiệp, cơ quan chức năng, khả năng tận dụng các ưu đãi từ CPTPP của Việt Nam còn thấp, ngay cả các ngành hàng chủ lực của Việt Nam như may mặc, nông sản… mới đáp ứng được 1,17% đến 4% trên tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu vùng CPTPP.

Chiến thuật xuất khẩu gạo trong sân chơi CPTPP / Mỹ - Trung căng thẳng: CPTPP sẽ là cứu cánh cho doanh nghiệp Việt Nam

Khảo sát trên 8.600 DN về sự quan tâm với CPTPP cho thấy, 26% DN có tìm hiểu, nhưng vẫn có tới hơn 70% DN chưa rõ về CPTPP. (Ảnh minh họa)

Khảo sát trên 8.600 DN về sự quan tâm với CPTPP cho thấy, 26% DN có tìm hiểu, nhưng vẫn có tới hơn 70% DN chưa rõ về CPTPP. (Ảnh minh họa)

Hơn 70% doanh nghiệp chưa rõ về CPTPP

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/1/2019. Các DN trong nước khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường CPTPP sẽ được hưởng cam kết cắt giảm thuế quan rất ưu đãi. Theo thông tin của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ tăng thêm 4,04% đến năm 2035.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, doanh nghiệp (DN), cơ quan chức năng, khả năng tận dụng các ưu đãi từ CPTPP của Việt Nam còn thấp. Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, trên thực tế, ngay các ngành hàng chủ lực của Việt Nam như may mặc, nông sản… mới đáp ứng được 1,17% đến 4% trên tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu vùng CPTPP là con số rất thấp.

Cụ thể, hàng xuất theo mẫu CPTPP mới đạt mức 190 triệu USD trên tổng số 16.400 triệu USD hàng hóa xuất khẩu tương ứng với 1,17%. Hai ngành thế mạnh là giày dép và thép cũng chỉ trên dưới 10%, còn lại các ngành thuỷ sản, hạt điều, hồ tiêu, may mặc… chỉ tận dụng được 3 – 4%.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), nguyên nhân của tình trạng trên là do DN thiếu thông tin về cam kết và cách thức thực hiện, tiếp theo là những vấn đề về năng lực cạnh tranh thấp hay quy tắc xuất xứ quá khó…

 

Thông tin từ VCCI, qua các cuộc khảo sát trên 8.600 DN về sự quan tâm với CPTPP cho thấy, 26% DN có tìm hiểu, nhưng vẫn có tới hơn 70% DN chưa rõ về CPTPP.

Để đạt được các quy tắc xuất xứ hàng hóa không phải là chuyện ngày một ngày hai tìm kiếm nguồn cung mà cần cả một chặng đường cụ thể, thậm chí phải thay đổi cả quy trình sản xuất. Do vậy, nếu DN chưa quan tâm tìm hiểu, chưa có hành động cụ thể để thay đổi cách thức thì rất khó để tận dụng ưu đãi mà CPTPP mang lại.

Còn lúng túng trước các quy tắc xuất xứ

Đã đến lúc DN phải thay đổi để có sự tự tin, hiểu thấu đáo tham gia cuộc chơi của các FTA với các nước, các thị trường lớn. (Ảnh minh họa)

Đã đến lúc DN phải thay đổi để có sự tự tin, hiểu thấu đáo tham gia cuộc chơi của các FTA với các nước, các thị trường lớn. (Ảnh minh họa)

Theo tiến sĩ Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, quy tắc xuất xứ khó khăn, các cam kết phức tạp, không dễ đọc, hiểu và chuẩn bị, tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng sản phẩm liên tục thay đổi trong khi khả năng của DN còn yếu gây giảm năng lực cạnh tranh.

“Hàng hóa đủ điều kiện xuất khẩu đi các thị trường lớn rất phức tạp, đối với hàng nông sản cần quy hoạch hợp tác xã, phải có mã vùng trồng để truy suất nguồn gốc, có các chứng chỉ được châu Âu công nhận. Chúng tôi đã đi khắp Việt Nam nhưng chưa tìm được đơn vị nào đáp ứng được yêu cầu của đối tác, đa phần các vùng trồng còn không có chứng chỉ GlobalGAP.” tiến sĩ Đào Thế Anh nói.

 

Không chỉ với nông sản, ngành hàng dệt may, một trong những thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam cũng đang lúng túng trước những quy định ngặt nghèo, chồng chéo về xuất xứ sản phẩm.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho hay, theo thông tin về CPTPP, ngành dệt may phải chấp nhận quy tắc xuất xứ cao là từ sợi mới được hưởng ưu đãi thuế quan.

Các DN thực hiện đúng quy trình sản xuất dệt may bắt đầu từ bông hoặc sợi sang kéo sợi, dệt vải, nhuộm, dệt may, mua bông của Mỹ và các nước Tây Phi về làm nguyên liệu. Nhưng tới khi làm việc với Cục Xuất nhập khẩu để xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) thì được trả lời là chỉ cấp xuất xứ từ bông chứ không thể từ sợi.

“Cá nhân tôi nghĩ có thể ở một góc độ nào đó, lời văn trong Hiệp định CPTPP chưa tường minh, tuy nhiên khi chưa tường minh thì chúng ta cũng nên xử lý theo hướng bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho DN. Sau này, nếu bất cứ quốc gia nào trong khối CPTPP khiếu nại, chúng ta có quyền đàm phán song phương với họ. Không việc gì phải chọn phương án xấu nhất cho cộng đồng DN Việt Nam”, ông Trường nói.

Về vấn đề này, tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, các DN nên đi học để nắm được các quy tắc, tránh tình trạng như trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN cho phép DN tự chứng nhận xuất xứ nhưng đa phần các DN không thể tự làm. Đã đến lúc DN phải thay đổi để có sự tự tin, hiểu thấu đáo tham gia cuộc chơi của các FTA với các nước, các thị trường lớn.

 

Ngoài ra, DN cũng cần đồng hành với Chính phủ để phản ánh những bấp cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính.

Theo Đức Minh/Công luận
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm