Ngành gỗ trên "cao tốc" EVFTA: Hưởng lợi bao nhiêu từ thuế xuất khẩu?
Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) mặc dù đem lại những ưu đãi về thuế nhưng các mức thuế ưu đãi mới sẽ không tạo được các động lực mới nhằm nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị trường cho các mặt hàng gỗ của Việt Nam xuất khẩu vào EU trong tương lai.
Hiệp định EVFTA mở ra “ô cửa nhỏ” cho xuất khẩu gạo vào EU / EVFTA: Doanh nghiệp địa phương với sân chơi lớn
Gỗ và sản phẩm gỗ là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam sang EU. Kim ngạch xuất khẩu nhóm các mặt hàng này của Việt Nam sang EU bình quân mỗi năm đạt trên 500 triệu USD và tiếp tục tăng trong những năm qua. Ngành gỗ Việt Nam kỳ vọng thực thi EVFTA sẽ giúp ngành mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng gỗ của mình tại các nước trong khối EU.
Tuy nhiên, trong Báo cáo Tác động của Hiệp định EVFTA tới các mặt hàng gỗ của Việt Nam xuất khẩu vào EU do nhóm nghiên cứu gồm: Hiệp hội VIFOREST, FPA Bình Định, HAWA, BIFA và Forest Trends chỉ ra rằng, EVFTA mặc dù đem lại những ưu đãi về thuế, các mức thuế ưu đãi mới sẽ không tạo được các động lực mới nhằm nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị trường cho các mặt hàng gỗ của Việt Nam xuất khẩu vào EU trong tương lai.
EVFTA có đem lại "cú nhảy vọt" về ưu đãi thuế cho ngành gỗ Việt Nam?
Cụ thể, Việt Nam xuất khẩu tổng số 253 mặt hàng gỗ vào EU với kim ngạch trên 500 triệu USD mỗi năm. Trước khi EVFTA có hiệu lực, 117 mặt hàng (tương đương với 46,2%) đã có mức thuế nhập khẩu vào EU ở mức 0%. Mặc dù chỉ chiếm dưới 50% trong tổng số các mặt hàng gỗ Việt Nam xuất khẩu vào EU hàng năm, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thuộc nhóm này khoảng 500 triệu USD, tương đương khoảng gần 90% trong tổng số kim ngạch xuất khẩu tất cả các mặt hàng gỗ của Việt Nam vào khối này. Điều này có nghĩa là về phương diện thuế, EVFTA được thực thi sẽ không có tác động đối với nhóm các mặt hàng này.
Trong 253 mặt hàng xuất khẩu vào EU có 104 mặt hàng có mức thuế từ 1,7% đến 6% trước EVFTA. Các mức thuế với nhóm mặt hàng này được đưa về 0% ngay sau khi EVFTA có hiệu lực. Tuy vậy, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong nhóm này hàng năm chỉ khoảng 50 triệu USD, tương đương dưới 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm của tất cả các mặt hàng gỗ của Việt Nam vào EU. Do vậy, việc đưa mức thuế về 0% khi EVFTA có hiệu lực cũng sẽ không có nhiều ý nghĩa đối với nhóm 104 mặt hàng này.
Năm 2019 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang EU đạt 562,7 triệu USD, chiếm 5,4% tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng gỗ của cả Việt Nam trong cùng năm. Kim ngạch năm 2019 tăng 10% so với kim ngạch năm 2018. Trong 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào khối này đạt 254,5 triệu USD, tăng 12% so với kim ngạch cùng kỳ năm 2019.
Cũng trong các nhóm mặt hàng gỗ xuất khẩu của Việt Nam có 2 mặt hàng chịu mức thuế 6% trước khi EVFTA được ký kết. Mức thuế này sẽ được đưa về 0% trong thời gian 4 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu nhóm các sản phẩm này chỉ chiếm khoảng dưới 0,4%, tương đương khoảng 2 triệu USD, trong tổng giá trị xuất khẩu G&SPG Việt Nam vào EU. Thay đổi mức thuế về 0% đối với nhóm này sẽ không có nhiều ý nghĩa trong việc mở rộng thị trường cho nhóm hàng này.
Có 30 mặt hàng gỗ của Việt Nam khi xuất khẩu vào EU phải chịu mức thuế trong khoảng 7-10% tùy theo mặt hàng trước khi EVFTA có hiệu lực. Các mức thuế này được đưa về 0% trong thời hạn 6 năm kể từ khi EVFTA đi vào thực hiện. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu hàng năm các mặt hàng này rất nhỏ, khoảng 5 triệu USD, tương đương dưới 1% trong tổng kim ngạch các mặt hàng gỗ của Việt Nam xuất vào EU. Tương tự như những nhóm mặt hàng nêu trên, thay đổi về thuế khi EVFTA có hiệu lực sẽ không có ý nghĩa đối với nhóm sản phẩm này.
Báo cáo cũng chỉ rõ, trong khối EU, Pháp, Đức và Hà Lan là các thị trường tiêu thụ các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam lớn nhất. Năm 2019, kim ngạch từ 3 thị trường này chiếm khoảng 57% trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam vào EU.
Có 7 thị trường có kim ngạch xuất khẩu khoảng 20-50 triệu USD/năm, chiếm tổng số 38% trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam trong năm 2019. 17 thị trường có kim ngạch xuất khẩu nhỏ, dưới 20 triệu USD mỗi năm/thị trường. Trong số 17 thị trường này có 6 thị trường có kim ngạch rất nhỏ, dưới 1 triệu USD mỗi thị trường mỗi năm.
Do đó, tác động về thay đổi về thuế là kết quả của Hiệp định EVFTA nếu có chủ yếu xảy ra tại ba thị trường là Pháp, Đức và Hà Lan.
Như vậy, với kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng được hưởng các ưu đãi về thuế khi EVFTA có hiệu lực không cao (trên dưới 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu), báo cáo chỉ ra rằng, việc thực hiện EVFTA sẽ không tạo ra nhiều tác động tích cực trong việc nâng cao cạnh tranh, mở rộng thị trường cho các mặt hàng gỗ của Việt Nam tại thị trường này trong tương lai.
Tuy nhiên, ông Tô Xuân Phúc - Chuyên gia Tổ chức Forest Trends - cho rằng, đây chỉ là những đánh giá trên phương diện thuế. Nội dung của EVFTA bao gồm các lĩnh vực rộng hơn thuế, như phát triển bền vững, xóa bỏ rào cản trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, mở rộng đầu tư công, sở hữu trí tuệ…
EU hiện đã trở thành một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 41,5 tỷ USD. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong kịch bản không có Covid-19, EVFTA sẽ giúp tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU lên 20% trong năm 2020, 42,7% tới năm 2025 và 44,37% vào năm 2030. Các ngành kinh tế được hưởng lợi nhiều nhất bao gồm phương tiện vận tải, thiết bị máy móc, phụ tùng, điện thoại và linh kiện điện tử, dệt may và da giày.
|
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo