Hiệp định CPTPP

Nhiều điểm sáng và con số ấn tượng sau 5 năm thực thi CPTPP

DNVN - Sau gần 5 năm thực thi Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), xuất khẩu Việt Nam đã ghi nhận nhiều điểm sáng và những con số ấn tượng.

"Trung Quốc xin gia nhập CPTPP là lời cảnh tỉnh lớn với Mỹ" / Hiệp định RCEP sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022

Tăng trưởng xuất khẩu ở mức 2 con số

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được chính thức ký kết vào tháng 3/2018 bởi 11 nước thành viên còn lại của TPP (không có Mỹ), gồm Việt Nam, Canada, Mexico, Peru, Chi Lê, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Singapore, Brunei và Malaysia.

Hiệp định CPTPP đã được 7 nước thành viên phê chuẩn, bao gồm Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, Singapore, New Zealand, Việt Nam và đã chính thức có hiệu lực vào ngày 30/12/2018. CPTPP có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 14/1/2019.

Đánh giá về hiệu quả của CPTPP sau gần 5 năm thực thi, bà Tạ Thu Hà – Phó trưởng phòng châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ, Bộ Công Thương cho biết, CPTPP thực sự đã tạo động lực lớn cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian qua, đồng thời cũng mang lại uy tín, hiệu quả kinh tế lớn cho Việt Nam.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP liên tục tăng trưởng ở mức 2 con số. Riêng trong năm 2022, dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi các yếu tố bất lợi như chiến tranh, dịch bệnh, nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP vẫn đạt ở mức 53,6 tỷ USD, tăng 17,3% so với năm 2021.

Riêng đối với các thị trường lần đầu tiên Việt Nam có quan hệ FTA trong CPTPP như Canada, Mexico, Peru tăng trưởng luôn ở mức cao liên tục qua các năm tăng từ 12 - 30%.


Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP liên tục tăng trưởng ở mức 2 con số.

Ngoài ra, đáng kể là thặng dư thương mại với những quốc gia này. Tổng thặng dư thương mại từ Canada, Mexico, Peru trong năm 2022 đã đạt 11 tỷ USD, chiếm tới 95% tổng thặng dư thương mại của Việt Nam với thế giới trong năm ngoái.

Bên cạnh đó, việc cắt giảm thuế quan ở mức cao giúp gia tăng khả năng cạnh tranh và tiếp cận thị trường của hàng hoá xuất khẩu Việt Nam với thế giới và các nước trong khu vực CPTPP.

“Hiệp định này cũng đồng thời mang lại những lợi ích gián tiếp về danh tiếng, uy tín của một nền kinh tế mở, năng động. Trong những năm gần đây, nhất là kể từ khi Việt Nam là thành viên của CPTPP, chúng tôi nhận thấy, ngày càng nhiều các DN, tổ chức, cơ quan Chính phủ thuộc Mexico, Canada tìm đến chúng tôi hỏi thông tin hỗ trợ hợp tác với Việt Nam”, bà Hà chia sẻ.

Trong lần sang Việt Nam công tác mới đây, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Canada cũng nhận định rằng, Việt Nam được ví như "ngôi sao đang lên" trong khu vực. Hiện Canada đang thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ với nhiều nước trong khu vực Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương, trong đó Việt Nam được ưu tiên hàng đầu.

“Tất cả những điều đó khiến chúng tôi cảm thấy rất vui và tất nhiên điều này sẽ góp phần tích cực cho tăng trưởng kinh tế và thương mại của Việt Nam với thế giới”, Phó trưởng phòng châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ cho hay.

4 lợi ích

Đánh giá lợi ích thu được từ CPTPP đối với thị trường Á - Phi, ông Nguyễn Tuấn Dũng – Phó trưởng phòng Đông Nam Á, Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, hiệp định này đã mang lại 4 lợi ích.

Thứ nhất, cũng tương tự như khu vực Âu - Mỹ, CPTPP đã giúp thương mại giữa Việt Nam với các nước trong khu vực tăng trưởng đáng kể.

Trong năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với 6 nước thành viên của CPTPP thuộc khu vực châu Á đạt 89,2 tỷ USD - tăng 8,6% so với năm 2021. Và đặc biệt xuất khẩu tăng tới 20%, trong đó kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh nhất ở Brunei với mức tăng lên tới 147%.

Thứ hai, CPTPP thực sự là đòn bẩy để thúc đẩy hàng hoá Việt Nam ra các nước khác. Trong đó, một số thị trường khó tính như Nhật Bản, Australia và New Zealand cũng đã ghi nhận việc các nước xoá bỏ ngay lập tức thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu quan trọng truyền thống của Việt Nam như đồ gỗ, hàng nông - thuỷ sản. Và điều này đã trực tiếp làm tăng quy mô thương mại Việt Nam với các nước đối tác trong CPTPP, cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Thứ ba, thông qua CPTPP, Việt Nam có cơ hội tận dụng nguồn đầu vào với giá thành cạnh tranh, có nguồn nguyên liệu nhập khẩu rất cạnh tranh. Từ đó Việt Nam có thể thúc đẩy gia tăng sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá ra các nước thành viên khác mà Việt Nam chưa có FTA như Canada, Mexico hay Peru.

Đồng thời cũng có thể tận dụng CPTPP để thúc đẩy xuất khẩu sang những nước, khu vực đang có ý định trở thành thành viên của CPTPP như Trung Quốc hay Đài Loan.

Thứ tư, CPTPP sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đồng thời là động lực làm tăng hàm lượng công nghệ của hàng xuất khẩu Việt Nam, góp phần thúc đẩy hàng hoá Việt Nam sang các thị trường lớn và khó tính.

Nhiều điểm sáng

Là người nghiên cứu sâu về CPTPP từ thời điểm Việt Nam thương lượng trong cả một quá trình dài, TS Nguyễn Minh Phong – Chuyên gia kinh tế nhận định, sau 5 năm thực thi CPTPP, xuất khẩu Việt Nam sang thị trường CPTPP ghi nhận nhiều điểm sáng.

Trong đó, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cực kỳ nhanh với tốc độ tăng trung bình ở mức 2 con số, thậm chí trên dưới 20%. Cá biệt có thị trường tăng tới gần 150%. Có những mặt hàng tăng tới 1.000%. Đây là những con số cực kỳ ấn tượng.

Không chỉ tăng nhanh mà tốc độ tăng cũng rất ổn định luôn ở mức 2 con số. Ngay cả năm nay, khi tăng trưởng thương mại thế giới chỉ còn đâu đó chưa đến 1% tăng trưởng theo WTO cũng như các dự báo khác, nhưng xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực CPTPP khả năng vẫn đạt ít nhất trên dưới 10%.

Ngoài ra, CPTPP là một trong những thị trường ghi nhận mức xuất siêu và thu được phần xuất siêu tốt nhất, đóng góp vào thành quả xuất siêu liên tục trong 6-7 năm qua.

Hơn nữa, đây là thị trường uy tín hàng đầu. Do đó, khi Việt Nam xuất khẩu thành công vào đây sẽ tạo thương hiệu, củng cố vị thế của Việt Nam.

“Tất cả những yếu tố này hợp thành bức tranh sáng nhất trong số các bức tranh về thu hút thị trường trong thời gian qua và có thể cả trong thời gian tới đây”, TS Nguyễn Minh Phongnhìn nhận.

Điều đáng lưu ý, xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực CPTPP tăng nhanh không chỉ với những nước đã phê duyệt hiệp định mà ngay cả những nước chưa phê duyệt cũng gia tăng nhanh. Đơn cử như Chile chưa ký hiệp định nhưng xuất khẩu Việt Nam sang quốc gia này tăng tới 63%.

Ở góc độ hiệp hội ngành hàng, bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng thư ký Hiệp Hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam đánh giá, CPTPP là một trong những hiệp định rất quan trọng đối với ngành da giày.

Khi hiệp định được thực thi, tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường này rất nhanh chóng với mức trên 20%.

Đáng chú ý, nhờ thực thi hiệp định này, việc dịch chuyển chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu đã vào Việt Nam, góp phần cho việc tăng trưởng tỷ lệ nội địa hoá đối với sản phẩm. Trước đây, tỷ lệ nội địa hoá chỉ khoảng 45% thì nay đã tăng lên 55%.

“Có thể nói, đây là một trong những thành công đáng kể cho ngành da giày bên cạnh việc tăng trưởng xuất khẩu”, bà Xuân nhấn mạnh.

Nguyệt Minh
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm