Hiệp định CPTPP

Thị trường bán lẻ, thương mại điện tử, logistics: Cơ hội thuộc về ai?

Cánh cửa thị trường đối với lĩnh vực bán lẻ, thương mại điện tử, logistics của Việt Nam trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mở rộng hơn so với cam kết Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nhưng cơ hội chỉ thuộc về doanh nghiệp dám chấp nhận thách thức.

Nhiều điểm nghẽn, dệt may Việt Nam đang bất lợi ở cửa xuất khẩu? / Đòn bẩy tăng trưởng từ các FTA mới

.
Lĩnh vực logistics trong CPTPP mở ra cơ hội về hợp tác, đầu tư, gia tăng quy mô, hiệu quả kinh doanh, cũng như giảm chi phí kinh doanh cho các doanh nghiệp Việt








Doanh nghiệp ngoại chiếm lĩnh

 

Năm 2018 là năm mọi ân hạn WTO dành cho Việt Nam đã hết. Theo đó, Việt Nam không được ngăn chặn các nhà đầu tư nước ngoài, không được áp dụng hàng rào thuế quan khác biệt, không được quản lý xuất nhập khẩu bằng hạn ngạch... Đây là lý do mà nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng đổ hàng tỷ USD vào chiếm lĩnh nền kinh tế, từ mảng bán lẻ, thương mại điện tử, logistics.

Đây là các dịch vụ quan trọng trong nền kinh tế, phục vụ sản xuất, tiêu thụ hàng hóa và cũng là những lĩnh vực có nhiều cam kết đáng chú ý trong CPTPP theo hướng mở cửa thị trường của Việt Nam cao hơn cam kết WTO.

Nhiều nhà cung cấp logistics và vận hành thương mại điện tử, phân phối và bán lẻ đang rất nỗ lực để không bỏ lỡ cơ hội thâm nhập thị trường Việt Nam.

Tháng 8/2019, Công ty TNHH SSJ Consulting Việt Nam, một công ty con thuộc Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản, đã đăng ký mua 29,7 triệu cổ phần GMD của Công ty cổ phần Gemadept (tương ứng 10% cổ phần biểu quyết đang lưu hành). Gemadept được biết đến là một công ty lớn trong lĩnh vực vận tải biển và logistics tại Việt Nam. Doanh nghiệp này sở hữu nhiều cảng biển quan trọng, trong đó có 3 cảng biển tại Hải Phòng là: Nam Hải Đình Vũ, Nam Hải, Nam Hải ICD và cảng quốc tế như Gemadept Dung Quất, Gemadept Nhơn Hội...

Thông qua thương vụ này, Sumitomo muốn xây dựng hệ thống logistics kết nối các nhà máy với các bến cảng để phục vụ cho hoạt động xuất khẩu sản phẩm sản xuất tại Việt Nam. Cùng với việc đầu tư tại Gemadept, Sumitomo sẽ phát triển một ứng dụng trên điện thoại di động cho phép các lái xe container đăng ký trước thời gian bốc dỡ hàng tại cảng và xử lý công việc giấy tờ khác.

 

Đại diện Sumitomo cho rằng, ước tính mỗi năm, có khoảng 14 triệu container hàng hóa được vận chuyển ra -vào Việt Nam. Với tốc độ tăng trưởng bình quân 7%/năm, con số này có thể tăng lên 23 triệu container vào năm 2025 và logistics sẽ tiếp tục là lĩnh vực đầy tiềm năng.

Trong khi đó, dòng vốn Hàn Quốc đổ vào Việt Nam, tuy đi sau Nhật, nhưng cũng khá lớn. 2 năm trước, thương vụ đáng chú ý là Samsung SDS bắt tay với Công ty cổ phần Logistics hàng không (ALS) để lập liên doanh ALSDS, tham gia kinh doanh logistics tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (Hà Nội). Samsung SDS cũng đã ký kết với Minh Phương Logistics nhằm khai thác tiềm năng thị trường vận tải hàng hoá nội địa bằng đường bộ.

Lĩnh vực phân phối và bán lẻ Việt Nam luônlà mảng thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư nước ngoài. Hàng loạt ông lớn của Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ... dồn dập đổ tiền vào xây dựng hoặc thâu tóm các chuỗi bán lẻ tại Việt Nam như Big C, Lottemart, AEON...

Còn thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang trở thành “mỏ vàng” ở Đông Nam Á. Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam cho biết, thị trường này đang phát triển khá nhanh, với mức tăng trưởng trên 30% trong năm 2018. Dự báo quy mô thương mại điện tử Việt Nam đến năm 2025 sẽ đạt 33 tỷ USD.

Với CPTPP, khoảng cách giữa các doanh nghiệp giao nhận hay chuyển phát với các doanh nghiệp thương mại điện tử đang ngày càng bị xóa nhòa.

 

Cơ hội thuộc về tay chơi chấp nhận thách thức

Các chuyên gia, nhà quản lý có mặt tại hội thảo mới đây do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, bàn về các cơ hội và thách thức của 3 lĩnh vực này trong CPTPP đều có tâm lý lạc quan về cơ hội nhiều hơn.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho biết, ngành phân phối, đặc biệt là thị trường bán lẻ có cơ hội gia tăng quy mô thị trường nhờ tăng trưởng GDP và thu nhập của người dân. Ngoài ra, CPTPP còn giúp tăng nguồn cung hàng hóa cho ngành phân phối, bán lẻ từ các cam kết về thương mại hàng hóa.

Bên cạnh đó, CPTPP còn là cơ hội gia tăng hoạt động thương mại điện tử, đặc biệt là thương mại điện tử qua biên giới. Bởi các cam kết sẽ tạo ra khung khổ pháp lý an toàn, ổn định và có thể dự đoán được, làm tiền đề thúc đẩy thương mại điện tử.

Tuy nhiên, với ngành phân phối, thương mại điện tử, đại diện VCCI cho rằng, thách thức trong CPTPP là ở sức ép cạnh tranh từ các đối thủ mạnh. Vì thế, các doanh nghiệp ngành này cần tìm cách nâng cao sức cạnh tranh, cải thiện nguồn hàng, kiểm soát chất lượng hàng hóa. Cơ quan quản lý phải có biện pháp hỗ trợ thúc đẩy phát triển các kênh phân phối, tạo đầu mối liên kết giữa nhà sản xuất - nhà phân phối - khách hàng…

 

Trong khi đó, lĩnh vực logistics trong CPTPP mở ra cơ hội về hợp tác, đầu tư, gia tăng quy mô, hiệu quả kinh doanh, cũng như giảm chi phí kinh doanh cho các doanh nghiệp.

Nhưng tác động khác của CPTPP làm tăng hoạt động xuất nhập khẩu, tăng nguồn khách hàng lớn cho ngành logistics. Các doanh nghiệp ngành này phải xử lý các vấn đề liên quan đến vận chuyển hàng hóa, hải quan, xuất nhập khẩu…

Là người trực tiếp tham gia đàm phán CPTPP, ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) lưu ý, đối với CPTPP, đàm phán về dịch vụ được thực hiện theo phương thức chọn - bỏ. Có nghĩa, nếu không có bảo lưu gì thì Việt Nam phải mở cửa cho nhà đầu tư, cung cấp dịch vụ từ các nước CPTPP khác, phù hợp với các nghĩa vụ/nguyên tắc mở cửa cơ bản. Nếu có bảo lưu, thì ở khía cạnh có bảo lưu, Việt Nam được quyền không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ/nguyên tắc mở cửa liên quan, mà chỉ mở cửa ở mức như bảo lưu. Vậy nên, cơ hội chỉ thuộc về các doanh nghiệp chấp nhận thách thức, đồng thời nắm rõ những nội dung cam kết để tận dụng.

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, so với WTO thì CPTPP có mức độ mở cửa thị trường cao hơn, rộng hơn.

Trong hơn 10 năm qua, sau khi gia nhập WTO, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đã được tôi luyện, thử thách qua những thăng trầm, nên về cơ bản họ đã chuẩn bị tinh thần và chấp nhận mở cửa, cạnh tranh cao. Cam kết CPTPP sẽ không làm thay đổi cục diện của thị trường, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam hoàn toàn tự tin cạnh tranh trong môi trường này.

 

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, so với WTO thì CPTPP có mức độ mở cửa thị trường cao hơn, rộng hơn.
Trong hơn 10 năm qua, sau khi gia nhập WTO, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đã được tôi luyện, thử thách qua những thăng trầm, nên về cơ bản họ đã chuẩn bị tinh thần và chấp nhận mở cửa, cạnh tranh cao. Cam kết CPTPP sẽ không làm thay đổi cục diện của thị trường, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam hoàn toàn tự tin cạnh tranh trong môi trường này.
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm