Thị trường CPTPP ưa chuộng hàng hóa Việt Nam
Việt Nam đã xuất siêu sang nhiều thị trường trong khối CPTPP.
Đại sứ Elsbeth Akkerman: EVFTA phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường / Phê chuẩn EVFTA, EVIPA và các Luật mới được thông qua: Cú hích cho kinh tế Việt Nam
Trong quý I năm nay, Việt Nam xuất siêu sang một nửa số thị trường thành viên CPTPP. Trong đó, xuất siêu sang Canada 807,3 triệu USD; Mexico 670 triệu USD; Chile 280,7 triệu USD; Nhật Bản 110,8 triệu USD; Peru 69,6 triệu USD. Các mặt hàng khối CPTPP nhập khẩu nhiều từ Việt Nam là máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện và máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, phân bón, lúa mì... Trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành, tác động mạnh đến kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, đây là con số đáng ghi nhận.
Trước đó, năm 2019, mặc dù Hiệp định đưa vào thực thi chưa đủ 1 năm, kim ngạch của ta với các nước trong thị trường CPTPP có mức tăng trưởng khá, đặc biệt 2 thị trường trước đây chưa có Hiệp định thương mại tự do là Canada và Mexico đều tăng ở mức từ 26-29%. Trước đây với tổng thể thị trường CPTPP, ta nhập siêu ở mức 0,9 tỷ USD, năm 2019 xuất siêu 1,6 tỷ USD. Tăng trưởng xuất khẩu năm 2019 của cả nước có sự đóng góp tích cực của quá trình thực thi CPTPP.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết quả này là tác động của việc cải cách tổng thể. Trong Hiệp định CPTPP có rất nhiều nội dung yêu cầu cải cách, chính nhờ cải cách mới có được những ghi nhận tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang một số thị trường CPTPP lớn như vậy. Đặc biệt, trong bối cảnh các nước láng giềng của ta gặp khó khăn rất lớn, trong khi đó chúng ta ghi nhận tăng trưởng khá xuất khẩu nói chung ở mức khá cao, đặc biệt với 2 thị trường mới nhờ Hiệp định CPTPP là Canada, Mexico là kết quả đáng ghi nhận.
Xoài Sơn La được xuất khẩu sang Australia và Canada.
Cơ hội tăng xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP đang rất lớn khi mới đây, hơn 2 tấn vải thiều Việt Nam đã được tiêu thụ hết chỉ sau vài giờ tại các hệ thống siêu thị ở thủ đô Tokyo và tỉnh Osaka, Nhật bản, ngay trong ngày mở bán đầu tiên, ngày 21/6. Giá bán vải tại thị trường Nhật Bản là từ 180- 270.000 đồng/kg.
Việc Nhật Bản vẫn mở cửa nhâp khẩu vải thiều trong khi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp là tin vui cho loại quả này nói riêng và xuất khẩu nông sản sang Nhật Bản trong năm nay nói chung. Ước tính, trong năm nay, sẽ có khoảng 100 tấn vải thiều tươi sẽ được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản bằng đường hàng không và đường biển.
Bên cạnh đó, ngày 22-6, UBND huyện Mai Sơn (Sơn La) phối hợp Trung tâm xúc tiến thương mại tỉnh đã tổ chức Lễ xuất khẩu 30 tấn xoài đầu tiên trong năm sang thị trường Mỹ, Canada và Australia theo đường chính ngạch. Nếu như người tiêu dùng Australia đã quen với trái xoài Việt Nam từ vài năm gần đây thì đây là năm đầu tiên trái xoài được cấp phép sang Canada. Đây cũng được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng của Việt Nam trong khối CPTPP.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng tiềm năng xuất khẩu và tiềm năng thị trường, bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp có giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng kết nối, Bộ Công Thương đang tăng cường triển khai các hoạt động phổ biến thông tin về hiệp định, xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường.
Theo đó, trong 2 ngày 18-19/6 vừa qua, Bộ Công Thương đã tổ chức Chương trình tập huấn cán bộ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại Bộ Công Thương. Đối tượng được tập huấn là các cán bộ của các Bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp. Sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động hỗ trợ, đào tạo của hỗ trợ kỹ thuật - phi dự án “Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bao trùm và bền vững - Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thực thi CPTPP” do Chính phủ Canada tài trợ.
Ông Phạm Tất Thắng, Nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương) cho biết, các nước trong khối CPTPP đều là những thị trường tiềm năng, có khả năng nhập khẩu lượng hàng lớn từ Việt Nam. Việt Nam cũng có thế mạnh ở những nhóm mặt hàng như nông sản, dệt may, da giày… Nhưng phải lưu ý, chỉ khi hàng hóa Việt Nam có chứng nhận xuất xứ Việt Nam, đạt tỷ lệ nội địa hóa nhất định mới được hưởng thuế suất đó. Do vậy bên cạnh việc DN nỗ lực nội địa hóa, cần đề phòng hiện tượng hàng hóa nước ngoài mạo danh hàng Việt Nam để xuất khẩu vào các nước CPTPP.
Ngoài ra, CPTPP có hiệu lực, hàng rào phi thuế quan cắt bỏ thì hàng rào kỹ thuật tăng lên, khiến chúng ta không còn dựa được nhiều vào các lợi thế từ nhân công giá rẻ mà phải cạnh tranh bằng chất lượng. Các DN cũng cần nỗ lực hơn để chủ động nguồn nguyên liệu để đảm bảo những yêu cầu về quy tắc xuất xứ, từ đó đẩy mạnh xuất khẩu sang các quốc gia CPTPP.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo