Hiệp định CPTPP

Tiếp cận EVFTA hiệu quả: Bài học quan trọng cần rút ra từ CPTPP

DNVN - Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã có những chia sẻ về bài học kinh nghiệm rút ra từ Hiệp định CPTPP đối với EVFTA và có thể là các hiệp định FTA sau này mà Việt Nam cần lưu tâm để tận dụng được những lợi thế từ EVFTA mang lại.

EVFTA – cơ hội mới với Việt Nam giữa thách thức COVID-19 / EVFTA được thông qua: Việt Nam từ quốc gia đi sau thành nước đi đầu

Tại Hội thảo "Thực hiện hiệu quả Hiệp định CPTPP trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế: Yêu cầu hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam" do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 19/02/2020 tại Hà Nội, nhóm nghiên cứu thuộc CIEM cho biết, quá trình thực hiện và triển khai CPTPP trong hơn 1 năm qua ghi nhận những nỗ lực nhất định của Nhà nước trong việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, thể chế theo cam kết FTA.
Tuy vậy, nhóm nghiên cứu cho rằng, những nỗ lực này vẫn còn khoảng cách so với thông lệ tốt của quốc tế. Cùng chung quan điểm, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI cho biết, tác động của thể chế có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong bối cảnh CPTPP đã được triển khai kể từ kh hiệp định có hiệu lực từ ngày 14/01/2019.
"Trong 1 năm vừa qua, về góc độ thể chế có thể nói là quá ngắn nhưng cũng cho thấy những vấn đề về cải cách thể chế chưa được như kỳ vọng của DN. Những cam kết của cơ quan quản lý Nhà nước đến nay vẫn chỉ là kỳ vọng. Nhiều quy định, cam kết về thể chế được đưa vào thực tiễn quá muộn", bà Trang nêu.
Theo nhóm nghiên cứu của CIEM, những tồn tại hiện nay đặt ra yêu cầu cải cách thể chế chính sách thương mại nhằm cải thiện mức độ tận dụng ưu đãi từ các FTA, tận dụng cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tận dụng cơ hội gia tăng xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, hỗ trợ DN hội nhập và thực thi hiệu quả các cam kết quốc tế, thông tin và tham vấn doanh nghiệp nhằm hỗ trợ DN hội nhập và thực thi hiệu quả các cam kết quốc tế.
Với vấn đề tồn tại này, chia sẻ với báo chí bên lề ông Nguyễn Anh Dương cho biết, điều quan trọng nhất từ bài học của CPTPP đối với EVFTA và có thể là các hiệp định FTA sau này, mà Việt Nam cần lưu tâm là thực sự hiểu chúng ta muốn gì trong dài hạn, chúng ta hiểu gì về hiệp định khi tính đến yêu cầu nội tại phát triển của mình để trên cơ sở đó thì bắt đầu chúng ta có được hình dung về mảnh ghép CPTPP, mảnh ghép EVFTA và các FTA khác phù hợp với bức tranh phát triển kinh tế tổng thể của Việt Nam như thế nào.

ÔngNguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ với báo chí về tiếp cận EVFTA hiệu quả.
"Nếu chúng ta không hiểu rõ, chúng ta vẫn chỉ các hiệp định này ở góc độ cam kết một cách đầy đủ, đúng thời hạn thì có lẽ lợi ích đối với các DN Việt Nam rất khó được kịp thời. Đó là còn chưa kể cái mà chúng ta kỳ vọng nhất là tác động vào thể chế của CPTPP và EVFTA thì tác động đó sẽ khó có thể có được nếu các cơ quan quản lý và DN Việt Nam không tìm kiếm những lĩnh vực cải cách thể chế mà chúng ta cần chủ động thực hiện. Chỉ với tinh thần chủ động thực hiện vì lợi ích dài hạn của Việt Nam thì chúng ta mới đi được những bước đi cụ thể", ông Nguyễn Anh Dương đánh giá.
Theo Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM, bước cụ thể đầu tiên là nâng cao thông tin và nhận thức cho DN. Thời gian vừa qua, chúng ta đã nói nhiều đến việc làm sao phải nâng cao nhận thức và sự chuẩn bị của DN, nhưng rõ ràng vẫn có những bước mà chưa được hài lòng. Nhận thức của DN có thể chưa đầy đủ hoặc vẫn còn một số chỗ chưa gắn kết với nhau.
"Bước đi thứ hai là tổ chức mạng lưới cung ứng thực hiện cơ hội từ hiệp định này. Rõ ràng tận dụng ưu đãi đòi hỏi phải đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ. Yêu cầu về xuất xứ không thể có được nếu chúng ta không chủ động nguồn hàng, chúng ta không có quan hệ đối tác, chúng ta không xây dựng được hệ thống thông tin giải trình để đảm bảo thông tin của chúng ta đưa ra được đối tác ghi nhận và công nhận", ông Dương nói.
Ông Dương cho rằng, bước đi cuối cùng là nhìn nhận về chính sách tổng thể của Việt Nam như thế nào. Rõ ràng nếu nhìn nhận việc thực hiện CPTPP và EVFTA và các FTA khác gắn với việc phát triển trên bình diện tổng thể của Việt Nam thì các chính sách đi kèm phải là làm sao có chính sách các ngành sản xuất phù hợp, làm thế nào để xây dựng được biện pháp kỹ thuật nhằm tạo điều kiện cho DN tư nhân của Việt Nam có những bước lớn lên trong sự phát triển hài hòa với các DN FDI.
"Chúng ta vẫn cần các DN FDI nhưng chúng ta cần họ tạo điều kiện cho DN Việt Nam để DN nước ta cùng lớn lên, chia sẻ và hưởng lợi. Cá nhân tôi cho rằng, khi DN Việt Nam phát triển trong mối quan hệ với DN FDI thì chính hình ảnh DN FDI tại Việt Nam được cải thiện và điều này cũng là lợi ích của cả hai bên. Vì vậy, sẽ khó có thể nói DN Việt Nam hay DN FDI cần có vị thế như thế nào, ở đây vai trò điều tiết của Nhà nước không phải theo cách hành chính, mà phải mềm mỏng, thân thiện với thị trường để cân bằng đối xử chính sách giữa các nhóm, vừa để tạo động lực cho các nhóm này, tránh sự ỷ lại vào chính sách", ông Dương nêu quan điểm.
Ngày 12/2/2020, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã được Nghị viện châu Âu chính thức thông qua.
Trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, việc đàm phán, ký kết và phê chuẩn Hiệp định EVFTA thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của cả hai bên trong việc thúc đẩy quan hệ song phương, góp phần đưa quan hệ giữa Việt Nam và EU phát riển sâu rộng và thực chất hơn.
Chính phủ Việt Nam đang đẩy nhanh việc thực hiện các quy trình, thủ tục trong nước để EVFTA sớm được Quốc hội phê chuẩn. Song song với việc hoàn tất các thủ tục phê chuẩn, công tác chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định cũng đã được tiến hành.

Nguyệt Minh
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm