Việt Nam, Anh kỳ vọng vào FTA song phương
Doanh nghiệp mới hiểu CPTPP ở bề nổi / Khai thác thị trường CPTPP: DN tập trung vào giá không phải là khôn ngoan nhất
Ông Trần Ngọc An, Đại sứ Việt Nam tại Anh và Bắc Ireland. |
Thưa Đại sứ, Anh đã chính thức rời EU đêm 31/1/2020 và bước vào “giai đoạn chuyển tiếp” đến cuối năm 2020. Nếu EVFTA được thông qua và áp dụng từ tháng 5/2020 như dự kiến, thì hoạt động thương mại giữa hai nước sẽ có 7 - 8 tháng được hưởng ưu đãi từ EVFTA. Vậy quan hệ thương mại Việt Nam - Anh trong năm chuyển tiếp 2020 này có thể được hình dung như thế nào?
Việc Nghị viện châu Âu phê chuẩn EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA), cũng như việc Quốc hội Việt Nam dự kiến phê chuẩn hai hiệp định này vào tháng 5 tới sẽ là một mốc lịch sử vô cùng quan trọng trong quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU.
Cùng với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), EVFTA được coi là hiệp định thế hệ mới với tiêu chuẩn cao và được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho tăng trưởng mạnh mẽ dòng hàng hóa và dịch vụ giữa hai bên, thông qua việc xóa bỏ hơn 99% dòng thuế và giảm đáng kể các rào cản kỹ thuật.
Đối với Việt Nam, EVFTA và EVIPA sẽ tạo nhiều thuận lợi hơn cho hàng hóa Việt Nam xuất sang thị trường EU, đặc biệt trong những lĩnh vực mà nước ta có thế mạnh và tiềm năng lớn, như dệt may và nông - thủy sản. Trong đó, dệt may sẽ được hưởng lợi nhiều nhất, với kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng thêm 81%.
Hai hiệp định trên cũng sẽ giúp Việt Nam thu hút thêm đầu tư chất lượng cao của châu Âu, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao và các lĩnh vực mới của nền kinh tế số, như 5G, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo.
Mặc dù nước Anh đã rời EU từ ngày 31/1/2020, song thời gian chuyển tiếp sẽ kéo dài đến hết năm nay, nên EVFTA và EVIPA vẫn có hiệu lực với Anh.
Do vậy, tôi tin tưởng rằng, quan hệ thương mại và đầu tư song phương Việt Nam - Anh trong năm 2020 sẽ tiếp tục phát triển và được tiếp sức bởi những cơ hội mới và đối xử bình đẳng mà hai hiệp định trên tạo ra, cũng như nhờ xung lực tốt trong quan hệ giữa hai nước trong những năm gần đây.
Đại sứ có cho rằng, việc đàm phán và ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ là triển vọng khả quan nhất cho quan hệ thương mại và đầu tư Việt Nam - Anh sau sự kiện nước Anh rút khỏi EU (Brexit)? FTA này sẽ đem lại lợi ích như thế nào cho hai nền kinh tế?
Một FTA song phương tiêu chuẩn cao và thế hệ mới, tương tự như EVFTA, sẽ có tác động tích cực đến thương mại giữa hai nền kinh tế. Các sản phẩm vốn là lợi thế của Việt Nam như điện tử, da giày, dệt may, đồ gỗ nội thất, thủy sản - cũng là các sản phẩm mà Anh có nhu cầu lớn - sẽ tăng mạnh trong trung và dài hạn.
Mặt khác, cũng sẽ có nhiều cơ hội hơn cho các doanh nghiệp Anh trong các lĩnh vực như dịch vụ, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, tư vấn, công nghệ cao, năng lượng tái tạo, dược phẩm, ô tô… thâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, Anh đang có ý định tham gia CPTPP mà Việt Nam là thành viên. Động thái này đang tiến triển đến đâu và nếu suôn sẻ thì việc này tác động thế nào đến quan hệ đầu tư và thương mại giữa hai nước?
CPTPP là hiệp định mở và cũng không yêu cầu các nước thành viên phải là các nước thuộc khu vực Thái Bình Dương. Tuy nhiên, việc tham gia hiệp định này phải được sự ủng hộ của cả 11 nước thành viên CPTPP.
Hiện nay, như tôi hiểu, Anh vẫn đang cân nhắc rất kỹ việc có tham gia CPTPP hay không và vẫn chưa có quyết định cuối cùng. Nếu như Anh tham gia CPTPP, sẽ rất có khả năng là khi đó, Việt Nam và Anh đã có FTA song phương. Do vậy, tôi không cho rằng, việc Anh tham gia CPTPP sẽ có tác động lớn tới thương mại song phương giữa hai nước.
Thưa Đại sứ, dự kiến ngày 28/2, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng sẽ có chuyến thăm, làm việc tại Vương quốc Anh. Đại sứ kỳ vọng gì về chuyến thăm này đối với quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước, đặc biệt trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bảo hiểm?
Anh hiện là nhà đầu tư lớn thứ 15 của Việt Nam, với tổng vốn đăng ký là 3,7 tỷ USD. Tuy nhiên, vẫn có nhiều dư địa để Việt Nam thu hút thêm đầu tư từ Anh, vì Anh hiện là một trong 5 nhà đầu tư lớn nhất thế giới và Anh có nguồn lực tài chính dồi dào để đầu tư, cũng như có nhu cầu rất lớn trong việc đẩy mạnh xuất khẩu theo Chiến lược “Nước Anh toàn cầu” (Global Britain).
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành điểm đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Anh, do Việt Nam có quy mô thị trường lớn, tốc độ tăng trưởng nhanh, chính trị - xã hội ổn định, nguồn lao động dồi dào và khả năng tiếp cận các thị trường nước ngoài nhờ mạng lưới FTA lớn, đặc biệt là CPTPP và EVFTA.
Trong chuyến thăm này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng dự kiến có các cuộc gặp quan trọng với các bộ, ngành liên quan của Anh, cùng nhiều cuộc tiếp xúc với những doanh nghiệp và các nhà khoa học hàng đầu của Anh. Chuyến thăm sẽ tạo ra xung lực mới cho việc đẩy mạnh hơn nữa quan hệ thương mại song phương giữa hai nước và giúp thu hút thêm nguồn vốn đầu tư chất lượng cao từ Anh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo