Hiệp định CPTPP

Khai thác thị trường CPTPP: DN tập trung vào giá không phải là khôn ngoan nhất

DNVN - Nông sản Việt Nam có nhiều tiềm năng, nhu cầu từ các thị trường, đặc biệt là từ CPTPP với sản phẩm này là rất lớn. Trong khi đó, hầu hết trong các đánh giá định lượng hầu như không tính được yếu tố chất lượng hàng hóa. Do đó, khai thác các thị trường nông nghiệp ở các nước CPTPP phải đi kèm với việc đáp ứng tiêu chuẩn về yêu cầu hàng hóa.

EVFTA được thông qua: Việt Nam từ quốc gia đi sau thành nước đi đầu / Những nội dung chính của Hiệp định EVFTA và EVIPA

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/01/2019. Hiệp định này được kỳ vọng tạo thêm xung lực mới cho phát triển thương mại và đầu tư, đẩy mạnh hơn nữa cải cách kinh tế tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiệu quả thực thi và khả năng tận dụng những lợi ích tiềm năng của CPTPP còn phụ thuộc vào năng lực thể chế và năng lực của doanh nghiệp (DN) trong nước.
Ở cấp độ DN, nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chỉ ra rằng, các DN ít nhiều đã có sự quan tâm, tìm hiểu về CPTPP. Dù vậy, DN còn phải điều chỉnh, xử lý một số vấn đề quan trọng để sẵn sàng hơn đối với CPTPP.
Cụ thể, về mức độ hiểu biết, các DN còn quá lưu tâm đến những vấn đề ngắn hạn; mới chỉ hiểu về thuế quan và cắt giảm thuế quan, chứ chưa thực sự hiểu đầy đủ và có hệ thống về các khía cạnh khác như quy tắc xuất xứ, SPS, TBT... và thiếu thông tin về mạng lưới nhà cung cấp trong và ngoài nước.
Về năng lực khoa học công nghệ, tỷ lệ sử dụng công nghệ cao, đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và triển khai, và cải tiến công nghệ còn rất thấp.
Trình độ và kỹ năng của người lao động trong khu vực DN; trình độ đội ngũ quản lý, lãnh đạo DN còn hạn chế. DN Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, dù đã có cải thiện quan hệ cung ứng cho DN FDI.
Cũng theo nhóm nghiên cứu của CIEM, DN Việt Nam có cơ hội không nhỏ từ CPTPP, đó là mở rộng thị trường, gia tăng XK, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; Tiếp cận công nghệ, kỹ năng quản lý nước ngoài; Cải thiện hiệu quả hoạt động khi thể chế kinh tế thị trường trở nên hoàn thiện hơn. Tuy vậy, DN cũng phải xử lý hiệu quả những thách thức, đặc biệt trong việc cải thiện khả năng cạnh tranh; khả năng tận dụng cơ hội, đặc biệt là hài hòa việc thực hiện CPTPP với các tuyến hội nhập khác.

Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM.
Chia sẻ với phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM cho biết, nông sản Việt Nam có rất nhiều tiềm năng, nhu cầu từ các thị trường, đặc biệt là từ CPTPP đối với các sản phẩm này là rất lớn. Vấn đề ở chỗ hầu hết trong các đánh giá định lượng hầu như không tính được yếu tố chất lượng hàng hóa. Do đó, khai thác các thị trường nông nghiệp ở các nước CPTPP phải đi kèm với việc đáp ứng tiêu chuẩn về yêu cầu hàng hóa.
"Cũng cần nói thêm, chất lượng hàng hóa sản phẩm nông nghiệp hiểu rộng hơn hàng công nghiệp rất nhiều. Vì vậy gắn với yêu cầu khai thác thị trường này, thì rõ ràng việc tập trung vào yếu tố giá không phải là cách thức khôn ngoan nhất, DN cần những bước đi bài bản, có thể DN cần tập trung vào thị trường phân khúc hẹp hơn nhưng có giá trị gia tăng cao hơn. Họ có thể khó tính hơn nhưng nguồn thu đạt được có thể đáng để bù đắp cho chính những nỗ lực ấy của DN", ông Nguyễn Anh Dương nói.
Theo ông Nguyễn Anh Dương, yêu cầu về khả năng đảm bảo chất lượng hàng hóa sẽ là yếu tố rất quan trọng để DN có thể khai thác thị trường nông sản, và chất lượng hàng hóa ấy một phần có được từ chính cách làm của DN, DN có những đặc thù sản xuất riêng của mình.
Thứ hai, DN cũng có thể tận dụng cơ hội từ CPTPP và các FTA khác, bởi trong đó có chương về hợp tác nâng cao năng lực - nơi có thể tìm kiếm những hỗ trợ kỹ thuật cho DN Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.
Yếu tố thứ ba đó là chính DN cũng phải hình dung và đối thoại thẳng thắn hơn đối với các cơ quan quản lý Nhà nước để đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm trong nước phải hài hòa với các tiêu chuẩn bên ngoài, đặc biệt từ chính những thị trường khó tính.
"Nếu chúng ta vẫn giữ những tư duy cũ rằng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của Việt Nam ở mức độ thấp, còn DN nào muốn XK vào những thị trường khó tính thì phải chủ động đáp ứng thì cách làm như vậy có thể tốt trong ngắn hạn nhưng trong dài hạn sẽ khó bền vững bởi vì hình ảnh nông sản Việt Nam sẽ khó có thể củng cố được nếu chỉ được nhìn nhận ở góc độ bên ngoài mà thị trường trong nước lại không được đánh giá cao", ông Nguyễn Anh Dương đưa ra khuyến cáo.
Nguyệt Minh
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm