Xuất khẩu kỳ vọng "thăng hoa" nhờ CPTPP và EVFTA
BẢN TIN TÀI CHÍNH-KINH DOANH: Việt Nam hưởng lợi nhiều thứ nhì từ CPTPP, xuất khẩu thủy sản đạt 7,2 tỷ USD / CPTPP có hiệu lực tại Việt Nam: Từ ngày 14/1/2019, đơn giản hóa thủ tục khai nguồn gốc xuất xứ sản phẩm
Theo các chuyên gia kinh tế, hoạt động xuất khẩu năm 2019 của nước ta tiếp tục có nhiều thuận lợi nhờ môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ.
Việc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019 và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực vào năm 2019 đã và đang tạo ra lực đẩy mới, giúp các doanh nghiệp có thêm cơ sở tăng năng lực sản xuất để xuất khẩu.
Nhận định về Hiệp định CPTPP và EVFTA, PGS.TS Phạm Tất Thắng, Chuyên gia cao cấp, Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công Thương cho biết, năm 2018 Việt Nam đã xuất khẩu 36,8 tỷ USD sang các nước tham gia CPTPP, Việt Nam cũng xuất siêu sang EU. Đây là hai thị trường lớn và tiềm năng của Việt Nam.
Chuyên gia Phạm Tất Thắng cũng cho rằng, việc tham gia CPTPP là một trong những tiêu chí để Việt Nam điều chỉnh thể chế và môi trường kinh doanh. Đối với EVFTA, nếu Hiệp định này được thông qua, khi đó, hàng Việt Nam sẽ vào được thị trường rộng lớn và khó tính nhất, góp phần quan trọng cho xuất khẩu năm 2019.
Theo vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu từ 7-8% trong năm 2019 vẫn khả thi.
Để đạt được con số "như ý" trên, ngành công thương sẽ tiếp tục tập trung vào các giải pháp trọng điểm như tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Bộ cũng sẽ tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp và người dân nhận diện cơ hội và thách thức của Hiệp định CPTPP và các FTA song phương.
Về phía doanh nghiệp, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp cần nắm rõ về khung pháp lý của thị trường và các rào cản kỹ thuật để chủ động hơn trong xuất khẩu; đặc biệt là khi Hiệp định CPTPP đã có hiệu lực thực hiện.
Ông Phạm Thiết Hòa, giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) cho biết, đơn vị này sẽ tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, thâm nhập thị trường nước ngoài góp phần đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu.
Các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam đang tiếp cận thị trường nước ngoài bằng những phương thức truyền thống như hội chợ triển lãm ở nước ngoài, kết nối đối tác... Bên cạnh đó, ITPC cũng chủ động cung cấp thông tin thị trường để cho doanh nghiệp nắm rõ hơn về thị hiếu tiêu dùng cũng như môi trường kinh doanh, đầu tư ở các nước để việc tham gia hội chợ triển lãm tại các nước cũng như kết nối giao thương đạt kết quả cao.
Các sự kiện cung cấp thông tin thị trường nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ nhiệt tình của tổng lãnh sự quán, thương vụ, hiệp hội doanh nghiệp các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Cuba, Malaysia, Lào, Kuwait, Ý, Singapore, Thụy Sĩ, Indonesia, Thái Lan, Tây Ban Nha, Liên bang Nga để có nguồn thông tin xác thực nhất cho doanh nghiệp Việt Nam.
Các cơ quan ngoại giao, thương vụ, tham tán Việt Nam ở nước ngoài cũng tích cực trao đổi thông tin về tiềm năng và thách thức trong hoạt động kinh doanh – thương mại tại một số thị trường trên thế giới.
"Chúng tôi sẽ tập trung thông tin sâu vào từng chuyên ngành, nhất là những ngành hàng có giá trị gia tăng cao và nhiều thị trường tiềm năng nhất. Vấn đề cung cấp thông tin không chỉ là đi tìm người mua cho doanh nghiệp, mà còn là thông tin đánh giá người mua, tiềm năng người mua, thông tin về những tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật của các nước để doanh nghiệp có thể đáp ứng đúng", ông Hoà nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo