Hiệp định CPTPP

Yếu tố quyết định sự thành bại của doanh nghiệp trong hiệp định CPTPP

DNVN - Nhà nước sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp nhưng sự chủ động của doanh nghiệp là cần thiết, yếu tố quyết định sự thành bại của doanh nghiệp trong Hiệp định CPTPP. Chỉ khi chủ động và khai thác có hiệu quả CPTPP thì doanh nghiệp mới có thể phát triển bứt phá.

CPTPP: Thị trường Australia rất tiềm năng nhưng vô cùng khó tính / CPTPP: Canada đang mang lại cơ hội “có 1 không 2” cho doanh nghiệp Việt

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã nhấn mạnh như vậy tại Phiên hiến kế về doanh nghiệp và CPTPP thuộc khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019 diễn ra sáng 02/5 tại Hà Nội.
Phát biểu đề dẫn trong phiên hiến kế, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết: Hiệp định CPTPP có mức độ cam kết rộng hơn, sâu hơn. Theo đó, Hiệp định không chỉ đề cập các vấn đề truyền thống như thương mại hàng hóa, dịch vụ... mà còn có những cái mới như lao động, doanh nghiệp... Đặc biệt, hiệp định đặt ra yêu cầu cao về quản trị minh bạch, được kỳ vọng là thúc đẩy tiến trình, sáng tạo, thương mại, đầu tư trên thế giới và các bên, giúp nâng cao mức sống cho người lao động, người dân.
Toàn cảnh Phiên hiến kế về doanh nghiệp và CPTPP. (Ảnh: VNE)

Toàn cảnh Phiên hiến kế về doanh nghiệp và CPTPP. (Ảnh: VNE)

Giống như tham gia WTO, tham gia CPTPP là cơ hội để tiếp tục hoàn thiện thể chế. CPTPP hỗ trợ tiến trình đổi mới, tăng trưởng, giúp chúng ta hoàn thiện môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng, liêm chính, khách quan của bộ máy nhà nước. Hiệp định thúc đẩy cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương, phòng chống tham nhũng, quan liêu.
Nếu các điều kiện khác đều thuận lợi, hiệp định này giúp Việt Nam có thêm điều kiện thu hút mạnh đầu tư, để thực hiện tiềm năng xuất khẩu, gia tăng hàng xuất khẩu. Hiện nay, nhiều tập đoàn lớn đầu tư mạnh vào Việt Nam, biến nước ta thành thị trường sản xuất mới của họ, thức đẩy hiện đại hóa đất nước.
"Hội nhập mà hiệu quả thấp hay không thấy hiệu quả là lỗi của bộ máy quản lý. Thay đổi tư duy quản lý, chính sách theo hướng mở. Lấy môi trường kinh doanh công bằng, lấy doanh nghiệp là nguyên khí của quốc gia. Bộ máy quản lý phải thay đổi cách làm trong chính sách, tương tác với người dân, doanh nghiệp. Các tiêu chuẩn cao về minh bạch, đúng quy định của Nhà nước", Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, hội nhập không chỉ đặt hàng hoá, dịch vụ vào môi trường cạnh tranh mà cả bộ máy quản lý cũng cần thay đổi, cần vươn lên để đủ sức điều hành. Thực tế là 10 ngày sau Hiệp định CPTPP có hiệu lực với Việt Nam, Chính phủ đã phân công cụ thể công việc để việc thực thi được rõ ràng.
Với khu vực doanh nghiệp, theo ông Trần Quốc Khánh, các cam kết mở cửa thị trường sẽ lớn hơn, yêu cầu các nước giảm thuế nhanh, mạnh cho hàng hoá Việt Nam trong đó có nông sản. Sức ép cạnh tranh là có nhưng chưa phải là thách thức lớn. Thách thức lớn nhất là các doanh nghiệp phải tự đổi mới chính mình, tư duy, coi cạnh tranh là lẽ đương nhiên của nền kinh tế thị trường, sau đó, trong cạnh tranh cần chuyển từ bị động, phòng ngự, kêu họi hỗ trợ chuyển sang tích cực, chủ động.
"Nhà nước sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp nhưng sự chủ động của doanh nghiệp là cần thiết, yếu tố quyết định sự thành bại của doanh nghiệp trong Hiệp định CPTPP", Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Trên góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của CPTPP đối với ngành dệt may. CPTPP là xương sống của ngành dệt may Việt Nam nhưng xương sống không lôi được cả cơ thể vì cần có nền tảng. Trong khi đó, quy hoạch ngành dệt may hiện đã lỗi thời và không được ai đả động đến. Do đó, Hiệp hội đã đưa ra nhiều kiến nghị tới Bộ Công Thương và Chính phủ trong thời gian qua.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may khẳng định vai trò của Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên Môi trường là rất quan trọng vì nếu không thống nhất, cán cân trong quy hoạch ngành là hiệp định sẽ không mang lại lợi ích.
Các giải pháp của chính phủ, định hướng chiến lược trong tầm nhìn nói chung và dệt may da giày nói riêng phải đáp ứng yêu cầu nước, điện, lao động... Vai trò của chính phủ phải hoạch định, không để các địa phương tự cho các nhà đầu tư vào mở. Một số địa phương dị ứng với các ngành dệt may, đặc biệt hóa nhuộm. Các địa phương đang có cái nhìn không được cởi mở, cho rằng dệt may là ô nhiễm. Kiểm soát nó phải đưa ra các giải pháp quy hoạch, nền tảng cho sự phát triển.
Định hướng của Nhà nước trong chiến lược phát triển nguồn lực rất cần thiết. Đặc biệt, ngành dệt may đang thiếu trầm trọng lực lượng kỹ sư ngành hoá nhuộm. Đây là vấn đề sống còn, nếu không có đội ngũ kỹ sư ngành hoá nhuộm thì ngành dệt may nói chung không có điều kiện phát triển. Qua đó, ông Giang đề xuất vướng mắc về giải pháp chuỗi cung ứng trong toàn ngành.
Trước thực trạng này, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề xuất 3 kiến nghị. Đó là xây dựng quy hoạch, phát triển ngành dệt may tầm nhìn 2035-2040, đặt vai trò của Chính phủ với các địa phương, các khu công nghiệp, đầu tư vào công nghiệp dệt nhuộm; Bộ Công thương phải là trụ cột trong chiến lược xây dựng nền tảng phụ trợ với ngành cônng nghiệp dệt may da giày; Cần sự minh bạch để tạo ra nền tảng pháp lý nhưng khi triển khai hiệp định các cơ quan quản lý, địa phương cần thực sự thấm nhuần để ngành phát triển bền vững.
Theo người điều phối phiên hiến kế, các kiến nghị, đề xuất của các bộ, ngành, và đặc biệt là doanh nghiệp sẽ được tổng hợp và gửi lên Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2019 được tổ chức vào chiều cùng ngày. Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì. Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Báo điện tử VnExpress và Tập đoàn IEC phối hợp tổ chức.
Diễn đàn này là sự kiện cấp cao có quy mô quốc gia, quốc tế lớn nhất trong 2019 về những vấn đề then chốt của nền kinh tế, đặc biệt là giải pháp phát triển cho khu vực tư nhân.
Trước Việt Nam, CPTPP đã có hiệu lực với 6 nước từ 30/12/2018, là Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia. Bao gồm 11 quốc gia, Hiệp định CPTPP tạo nên một khu vực kinh tế tự do khổng lồ, có phạm vi thị trường khoảng 500 triệu người dân và chiếm 13% GDP toàn cầu. CPTPP thống nhất các quy định về đầu tư và dịch vụ đối với rất nhiều lĩnh vực, từng bước bãi bỏ thuế quan đối với các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp.
Tính toán của Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho thấy, CPTPP sẽ giúp GDP Việt Nam tăng thêm 1,7 tỷ USD, hơn 4 tỷ USD xuất khẩu, tăng tương ứng 1,32% và 4,04% đến năm 2030.
Giới chuyên gia nhận định, CPTPP là cơ hội đặc biệt, tiếp tục thúc đẩy cạnh tranh, mở ra cơ hội thuận lợi cho 700.000 doanh nghiệp, hàng trăm nghìn hộ kinh doanh... Dù còn nhiều khó khăn nhưng đây sẽ là động lực, cảm hứng để các doanh nghiệp vượt qua chính mình, hội nhập từ bên trong, cải cách kinh tế Việt Nam sau WTO. Đây là tác động lớn nhất của hiệp định.

PV
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm