Hiệp định CPTPP

Xuất khẩu sang các nước CPTPP sẽ tăng lên 80 tỷ USD vào năm 2030

DNVN - Bộ Kế hoạch & Đầu tư dự báo, đến năm 2030, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP sẽ tăng từ 54 tỷ USD lên 80 tỷ USD, chiếm 25% tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới.

Đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường các nước thành viên CPTPP / Làn sóng cải cách nông nghiệp phát triển mạnh nhờ CPTPP

Thông tin trên được ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) - chia sẻ tại buổi họp báo thường kỳ do Bộ Công Thương tổ chức vào ngày 05/4 vừa qua.
Đề cập về cơ hội và thách thức của Hiệp định CPTPP của doanh nghiệp cho đến nay trong Kế hoạch và tình hình triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP của Chính phủ và Bộ Công Thương, ông Khanh cho biết, cơ hội về cải cách thể chế, hoàn thiện môi trường kinh doanh có tầm quan trọng hàng đầu đối với Việt Nam. Các cam kết sâu rộng trong lĩnh vực dịch vụ - đầu tư sẽ giúp Việt Nam có thêm cơ hội để hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và dễ dự đoán hơn, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế tiên tiến, từ đó thúc đẩy cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TBKT)

Ảnh minh họa. (Nguồn: TBKT)

Cơ hội đa dạng hóa quan hệ kinh tế - thương mại với các nước CPTPP, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, đặc biệt là đối với các sản phẩm và dịch vụ mà Việt Nam có thế mạnh.
Với quy mô dân số 499 triệu dân, chiếm 13,5% GDP toàn cầu và 14,4% quy mô thương mại so với toàn thế giới, Hiệp định CPTPP sẽ tạo ra những tác động tích cực trong việc thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu khi các nước giảm thuế nhập khẩu 0% cho hàng hóa của Việt Nam.
Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường các nước thành viên Hiệp định CPTPP sẽ được hưởng cam kết cắt giảm thuế quan rất ưu đãi. Đối với 3/10 nước hiện ta chưa có FTA là Canada, Mexico và Peru, những lợi ích trong việc tiếp cận thị trường, kể cả về hàng hóa và dịch vụ của 3 nước này là rất đáng kể.
Với mức độ cam kết mở cửa thị trường nêu trên, theo nghiên cứu chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ tăng thêm 4,04% đến năm 2035. Đồng thời, dự báo đến năm 2030, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP sẽ tăng từ 54 tỷ đô-la Mỹ lên 80 tỷ đô-la Mỹ, chiếm 25% tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới.
Cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, nâng tầm nền kinh tế: Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và các nước CPTPP đạt hơn 74 tỷ đô-la Mỹ năm 2018 trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước năm 2018 đạt 480,17 tỷ đô-la Mỹ. Với quy mô kim ngạch thương mại này, tham gia các FTA này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp khi chuỗi cung ứng mới hình thành, là điều kiện quan trọng để nâng tầm trình độ phát triển của nền kinh tế, tăng năng suất lao động, giảm dần việc gia công lắp ráp, tham gia vào các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn.
Tuy vậy, bên cạnh những cơ hội, CPTPP còn có những thách thức như thách thức về kinh tế và hoàn thiện khung khổ pháp luật, thể chế.
Theo Bộ Công Thương, tham gia CPTPP mang lại cơ hội là rất lớn và thách thức là có thể kiểm soát được nếu ta có kế hoạch và lộ trình thực hiện phù hợp kèm theo hành động quyết liệt của tất cả các chủ thể gồm Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.
Nguyệt Minh
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm