Tin tức - Sự kiện

Hiệp định VPA/FLEGT: “Giấy thông hành” cho gỗ Việt vào EU

Việc thực hiện theo Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA) nhằm thực hiện chương tình Thực thi Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (FLEGT) sẽ mang lại nhiều cơ hội bứt phá cho doanh nghiệp xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Đó là khẳng định của ông Nguyễn Tôn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, thành viên đoàn đàm phán Việt Nam - EU với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp.

Ông Quyền cho biết, sau chứng chỉ rừng và quản lí rừng bền vững (FSC), Chứng chỉ hệ thống chuỗi hành trình sản phẩm (CoC), Luật Lacey của Hoa Kỳ áp dụng cho đồ gỗ nhập khẩu vào Hoa Kỳ, thì giấy phép FLEGT là mối ràng buộc thứ 3 mà các doanh nghiệp gỗ phải tuân thủ khi xuất hàng sang các thị trường quốc tế trong đó có EU.

- Vậy, sự phức tạp trong quá trình cấp giấy phép FLEGT cho doanh nghiệp được thể hiện như thế nào, thưa ông?


Nội dung chính của VPA là yêu cầu nước xuất khẩu gỗ phải thiết lập một hệ thống đảm bảo về nguồn gốc hợp pháp của gỗ. Tuân thủ điều này sẽ làm thay đổi thói quen sản xuất, kinh doanh gỗ của doanh nghiệp cũng như làng nghề gỗ của Việt Nam. Nếu như trước đây, các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất gỗ có thể nhập gỗ nguyên liệu từ những vùng nguyên liệu gỗ, kể cả gỗ không có nguồn gốc rõ ràng để sản xuất, kinh doanh trong nước và xuất khẩu thì sau khi VPA được ký kết, không những doanh nghiệp phải nói không với gỗ bất hợp pháp mà dự kiến khá nhiều quy định chặt chẽ của hiệp định này sẽ tác động khá lớn đến chu trình vận hành sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Do đó, hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp tỏ ra quan ngại vì việc ký VPA có thể gây thêm khó khăn và thêm các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ, nhưng tôi xin khẳng định rằng, đây là một lựa chọn tất yếu nếu các doanh nghiệp muốn đưa sản phẩm gỗ thâm nhập thị trường EU. Việc có thêm một loại giấy phép thì phát sinh thêm các loại giấy tờ, thủ tục là không thể tránh khỏi, tuy nhiên, khi đã có giấy phép FLEGT, các sản phẩm gỗ của doanh nghiệp có thể đưa vào EU mà không phải giải trình nguồn gốc gỗ như hiện nay các doanh nghiệp đang phải làm.

- Thế nhưng, phía EU không bắt buộc 100% doanh nghiệp xuất khẩu phải có giấy phép này, thưa ông? 

Sau khi ký VPA thì gỗ và sản phẩm gỗ nằm trong danh mục hàng hóa của hiệp định (phụ lục 1) bắt buộc phải có giấy phép FLEGT. Danh mục hàng hóa trong phụ lục 1 của VPA chính là danh mục các hàng hóa hiện nay phải làm trách nhiệm giải trình theo quy chế gỗ EU mà hiện nay, cả 28 thành viên trong khối EU đang áp dụng đối với các nước sản xuất và chế biến gỗ. Như vậy, các doanh nghiệp nên theo dõi tin tức và theo sát quá trình đàm phán và các nội dung, yêu cầu để được cấp phép FLEGT khi Việt Nam ký kết VPA.

- Vậy, theo ông, sẽ có bao nhiêu phần trăm doanh nghiệp xuất khẩu gỗ của Việt Nam có được giấy phép FLEGT để có thể vững tin bước vào thị trường EU?


Nếu nói phần trăm cụ thể thì rất khó chính xác, nhưng tôi nghĩ, phần lớn những doanh nghiệp xuất khẩu gỗ lớn của Việt Nam sẽ đáp ứng được yêu cầu này của phía EU. Bởi lẽ, trên thực tế chúng ta thấy rằng, đối với các doanh nghiệp chế biến gỗ lớn đang xuất khẩu vào các thị trường rất khó tính như Nhật, Mỹ, Australia… đều đáp ứng được các yêu cầu do thị trường đó đề ra thì có cơ sở để tin rằng chắc chắn họ sẽ đáp ứng được yêu cầu của EU. Thực tế các doanh nghiệp hiện nay vẫn đang nhập khẩu vào EU và thực hiện trách nhiệm giải trình theo quy chế gỗ cảu EU. Còn đối với các doanh nghiệp không đáp ứng được thì phải tìm cách thích ứng với nó. Tôi thấy rằng, các doanh nghiệp của chúng ta thích ứng rất nhanh với các thay đổi của thị trường, bằng chứng là chúng ta đã đáp ứng được yêu cầu của Đạo luật Lacey vào thị trường Mỹ, cùng với đó kim ngạch xuất khẩu gỗ, các sản phẩm gỗ của các doanh nghiệp Việt Nam vào những thị trường này vẫn tăng trưởng theo từng năm (năm 2014 tăng 15%).

- Đó là những doanh nghiệp lớn, còn đối với những doanh nghiệp nhỏ và hộ trồng rừng thì sao, thưa ông?

Đúng là để có được giấy phép FLEGT vào thị trường EU đối với DNNVV đặc là các hộ trồng rừng không phải là điều dễ dàng. Vì vậy, có thể họ phải liên kết đối những doanh nghiệp lớn. Cụ thể như, các doanh nghiệp nhỏ sẽ là những đầu mối thu mua gỗ từ phía các hộ trồng rừng, rồi phân loại, bán lại cho doanh nghiệp lớn trên cơ sở biên bản hợp đồng rõ ràng. Ngược lại, phía doanh nghiệp lớn sẽ phải hỗ trợ tìm đầu mối chuyên gia, mở các lớp đào tạo tập huấn nghiệp vụ cho DNNVV cũng như các hộ trồng rừng. Mặc dù, biết rằng, trong “cuộc chơi” liên kết này phần trăm hưởng lợi của phía doanh nghiệp nhỏ sẽ không ngang bằng với doanh nghiệp lớn, nhưng đổi lại, họ được sự ổn định về thị trường và hơn hết là sản phẩm gỗ của họ làm ra sẽ đến được với thị trường thế giới.

- Đây phải chăng, cũng là cách làm mà 6 quốc gia xuất khẩu gỗ vào EU đang thực hiện, thưa ông?

Tôi thấy, ở một số nước xuất khẩu gỗ vào thị trường EU như: Indonesia, Ghana, Cameroon, Liberia,… để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thì Chính phủ nước họ đã có chính sách hỗ trợ xây dựng chương trình liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến gỗ và người trồng rừng, để trồng và khai thác rừng hợp pháp cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vốn cho hộ gia đình nhỏ lẻ trồng rừng đúng quy định của pháp luật quốc tế, bảo đảm nguồn gốc xuất xứ, tận dụng lợi ích mà các hiệp định thương mại mang lại. Song song với đó thì các bộ, ngành liên quan cũng đã hỗ trợ đầu tư kỹ thuật, công nghệ cao để nghiên cứu, tuyển chọn giống cây cho năng suất cao, chất lượng tốt, có đặc tính phù hợp với sản xuất công nghiệp, đáp ứng nhu cầu sử dụng nguyên liệu trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt là đối với quốc gia Indonesia họ đã kiểm soát chặt chẽ nguồn gỗ vận chuyển từ công ty mẹ ở nước ngoài vào các doanh nghiệp FDI trong nước, để ngăn ngừa việc trốn thuế và không kê khai xuất xứ gỗ nhằm bảo đảm uy tín của gỗ và sản phầm từ gỗ trong nước trên thị trường quốc tế…

Về phía bản thân các doanh nghiệp thì họ cũng rất nỗ lực trong việc cải tiến quản doanh nghiệp và nâng cấp hệ thống máy móc, thiết bị công nghệ của mình để thay thế bớt lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm.

- Ông có lời khuyên gì dành cho các doanh nghiệp gỗ Việt Nam để chuẩn bị cho việc chính thức tham gia vào FLEGT?

Chủ trương của Chính phủ Việt Nam khi đàm phán hiệp định này là dựa trên cơ sở pháp luật và thực tiễn của Việt Nam, vì vậy, chắc chắn việc ký kết hiệp định này sẽ không gây khó khăn, cản trở cho doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp xuất khẩu, chế biến gỗ của Việt Nam cần phải hiểu rằng khi đơn vị mình đã tuân thủ đúng quy định của luật pháp Việt Nam rồi thì đó chắc chắn đã là hợp pháp. Hơn thế nữa, tôi tin rằng, sau khi Việt Nam ký kết VPA, phía Chính phủ và các tổ chức sẽ có các chính sách và chương trình phù hợp hỗ trợ các doanh nghiệp cũng như các hộ gia đình để họ có thể thích ứng với Hiệp định này.

- Xin cảm ơn ông!

Diễn đàn Doanh nghiệp
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo