Hiệp hội doanh nghiệp

Đại hội Hội Khoa học Kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam lần thứ II: Tiếp cận cơ hội phát triển mới

DNVN - Sáng 29/12, Hội Khoa học Kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Hội) tổ chức Đại hội lần thứ II với điểm nhấn của phương hướng hoạt động nhiệm kỳ mới giai đoạn 2022 - 2027 là hỏi tăng cường các hoạt động cả về quy mô, chất lượng, bề nổi và chiều sâu để tiếp cận cơ hội phát triển mới.

Chủ tịch VINASME Nguyễn Văn Thân: Ukraine quan tâm lĩnh vực nông nghiệp là hợp thời / Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Cần có thêm những “làn gió mới” trong nghiên cứu khoa học nông nghiệp

Phát biểu tổng kết hoạt động của Hội Khoa học Kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nhiệm kỳ I (2017 – 2022), GSTS Phạm Vân Đình - Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nhiệm kỳ I cho biết, Hội là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp, thành lập trên cơ sở tự nguyện của hội viên.

Lĩnh vực hoạt động chính của Hội là tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tư vấn chính sách, đào tạo nguồn nhân lực và phản biện xã hội. Mọi hoạt động của Hội được vận hành trên cơ sở đóng góp ý tưởng, công sức, vật chất và thời gian tự nguyện của hội viên, không có sự tài trợ của Nhà nước.


Đại hội Hội Khoa học Kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam lần thứ II với phương châm tiếp cận cơ hội phát triển mới.

Về cơ cấu tổ chức, Hội hiện có 3 chi hội, 10 viện nghiên cứu, hội viên tập thể gồm các HTX, doanh nghiệp. Hội viên cá nhân gồm 105 người, trong đó có 85% là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ; 10% là thạc sĩ; 5% là kỹ sư/cử nhân từ các trường đại học, viện nghiên cứu, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, HTX…

Từ năm 2017 đến nay, Hội đã tổ chức thành công 5 hội thảo lớn, gồm 4 hội thảo quốc gia và 1 hội thảo quốc tế, qua đó, đóng góp vào tham vấn chính sách tại dự thảo Nghị định về quản lý phân bón (thay thế Nghị định số 108/2017/NĐ-CP ngày 20/9/2017 của Chính phủ về quản lý phân bón); Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chí xác định dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đề án thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), như Luật Lâm nghiệp (2017), Luật Trồng trọt (2018), Luật Thủy sản (2017); Đề án bảo vệ và phát triển rừng vùng Tây Bắc.

Hội đã xây dựng và phát triển quan hệ hợp tác với Tổng cục Lâm nghiệp, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn của Bộ NN&PTNT, Chương trình quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất và suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng các-bon và quản lý bền vững tài nguyên rừng REDD+, Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), Quỹ Bảo tồ thiên nhiên và một số cơ quan khác.

Trong quan hệ hợp tác đó, Hội đã nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan/tổ chức trong việc triển khai thực hiện một số hoạt động có kết quả cụ thể, trước hết là tổ chức thành công các cuộc hội thảo, được đánh giá là tốt và quan hệ hợp tác đó ngày càng được tăng cường.

Xác định phương hướng hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ II (2022 - 2027), GSTS Phạm Vân Đình nhấn mạnh: “Hội cần được xây dựng, hoàn thiện trên cơ sở khắc phục những hạn chế của nhiệm kỳ I, tiếp cận với những cơ hội phát triển mới. Phương hướng hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ II cần tập trung chủ yếu vào nhiều mặt công tác, trong đó, nêu cao tinh thần trách nhiệm của hội viên trong mọi hoạt động của Hội là vấn đề mấu chốt, quyết định mọi thành công trong mọi hoạt động của Hội.

Đối với việc phát triển quy mô Hội, theo GSTS Phạm Vân Đình, cần ổn định và phát triển số lượng hội viên tại khu vực Hà Nội và các vùng/miền; lấy các trường đại học - nơi đã có hội viên làm trung tâm để phát triển các chi hội, có thể phát triển chi hội mới ở Huế, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ.

Từng chi hội cần chủ động với các hoạt động thiết thực; thường xuyên kết nối hoạt động giữa các bộ phận của hội và các chi hội.

Cùng với đó là hoàn thiện tổ chức phân công nhiệm vụ phụ trách các đầu mối công việc của các ủy viên trong Ban Thường vụ và Ban Chấp hành mới cũng như duy trì nề nếp sinh hoạt định kỳ.

Mọi hoạt động cần tuân thủ theo quy định của Bộ Nội vụ và Điều lệ, Quy chế nội bộ của Hội và Nghị quyết thường kỳ của Ban Thường vụ Hội. Cải tiến phương thức làm việc cho phù hợp trước bối cảnh diễn biến phức tạp của bối cảnh thực tế.

Đối với hoạt động chuyên môn, Hội cần chủ động xây dựng kế hoạch/ chiến lược về hoạt động chuyên môn trong cả nhiệm kỳ. Hướng tới việc hàng năm tổ chức được ít nhất 1-2 cuộc Hội thảo và tổ chức một vài hoạt động khác.

Đồng thời, thành lập Nhóm công tác phát triển quan hệ hợp tác ("Active Group") trong Ban Khoa học công nghệ (Theo Nghị quyết cuộc họp BTV Hội ngày 20/12/2020). Tăng cường quan hệ liên kết, trước hết là các cơ quan trong Bộ NN&PTNT và các tổ chức trong nước và quốc tế; tích cực tìm kiếm liên kết đa dạng với các doanh nghiệp và các địa phương. Có thể thành lập Câu lạc bộ doanh nghiệp nhằm kết nối các hoạt động thường xuyên của Hội với các doanh nghiệp.

Về nhân sự, Hội hướng tới việc trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo, tinh giản nhân sự trong Ban Thường vụ.

“Nhiệm kỳ II (2022 - 2027) của Hội bước vào giai đoạn phát triển mới, giai đoạn nâng tầm phát triển của Hội, đòi hỏi tăng cường các hoạt động cả về quy mô, chất lượng, bề nổi và chiều sâu với những đóng góp thiết thực hơn cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp nông thôn của đất nước”, GSTS Phạm Vân Đình nhấn mạnh.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm