Việt Nam đề cao các hợp tác quốc tế vì một thế giới bền vững
Chủ tịch nước nêu ba đề xuất đến cộng đồng doanh nghiệp APEC / Nỗ lực của APEC đẩy lùi đại dịch COVID-19 và thúc đẩy phục hồi kinh tế
Hội nghị là sự kiện tổng kết các hoạt động của Tiến trình Bộ trưởng Tài chính năm 2023, đánh giá tình hình kinh tế thế giới và khu vực, ghi nhận kết quả hợp tác trong 3 ưu tiên chính của năm nay. Trong bối cảnh sau đại dịch, phần lớn các nền kinh tế APEC đều có dấu hiệu phục hồi tốt, lạm phát đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao.
Nợ công thế giới đã tăng lên mức kỷ lục, chuỗi cung ứng dần hồi phục, biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, già hóa dân số tăng nhanh. Triển vọng trung hạn về tăng trưởng kinh tế khu vực và toàn cầu vẫn không đồng đều và yếu hơn so với trước đại dịch COVID -19.
Việt Nam đã phần nào thành công trong điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt nhằm thích ứng với tình hình biến động trên thế giới, giúp phục hồi tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Chính sách tài khóa giúp chống chọi các cú sốc từ bên ngoài, hay chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp trong thời gian đại dịch và quá trình phục hồi kinh tế đã phát huy hiệu quả.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã chia sẻ về các nỗ lực mà Việt Nam đang triển khai các cam kết quốc tế về giảm phát thải ròng khí nhà kính về 0. Việt Nam hoan nghênh các đối tác phát triển, tổ chức quốc tế cung cấp các khoản vay ưu đãi, bảo đảm nguồn vốn thực sự mang tính hỗ trợ, tăng thành tố ưu đãi, tăng khả năng thu hồi vốn. Đồng thời, tăng cường các khoản viện trợ không hoàn lại (bao gồm hỗ trợ kỹ thuật) cho các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, Việt Nam đề cao hợp tác quốc tế của APEC trong vấn đề này. Đặc biệt là chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về xây dựng cơ chế, chính sách tài chính để hình thành và vận hành thị trường carbon mà Bộ Tài chính Việt Nam đang được giao triển khai.
Thông qua Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC năm 2023, các thành viên APEC đã tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng bền vững và toàn diện thông qua việc kết hợp kinh tế trọng cung hiện đại. Huy động và liên kết tài chính để đạt được các mục tiêu về khí hậu và bền vững cũng như hỗ trợ cho sự phát triển có trách nhiệm của tài sản kỹ số trong khu vực.
Qua đó, đóng góp vai trò quan trọng trong nỗ lực của các thành viên APEC và nền kinh tế toàn cầu đạt được tăng trưởng mạnh mẽ, cân bằng, an toàn, bền vững và toàn diện hướng tới mục tiêu “Tạo ra một tương lai kiên cường và bền vững cho tất cả mọi người”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo