Tin tức - Sự kiện

Hồ Gươm đã được "cứu"!

Tuyến đường sắt đô thị số 2, Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đã được điều chỉnh phương án xây dựng.

Đã có phương án mới cho tuyến đường sắt đô thị đi qua Hồ Gươm

KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho biết: "Theo tôi được biết thì dự án này đã được điều chỉnh phương án xây dựng".

Bên cạnh đó, ông Nghiêm cho biết thêm: "Nhà ga này đã được điều chỉnh vào phía bên trong, cụ thể là nhà ga được đặt tại khu vực Tổng công ty điện lực Hà Nội, kết nối với đường Nguyễn Hữu Huân xong đi thẳng ra ngoài đê".

Ông Nghiêm cũng phân tích rõ, hiện tại có 2 luồng ý kiến tranh luận nhau, có nên làm nhà ga ở vị trí gần ngay sát Hồ Gươm hay không nhưng đa số cho rằng, nếu như làm được tuyến đường đi bộ quanh Hồ Gươm thì nên có ga tàu điện như thế, nhưng không làm được. Quan trọng hơn là tổ chức hình thức kiến trúc thế nào cho hợp lý.

"Loại bỏ phương án xây dựng gần đền Ngọc Sơn, chuyển vào bên trong, đây là phương án khá hợp lý", ông Nghiêm nhận định.

Được biết, Tổng Công ty điện lực Hà Nội (EVN) cũng phản đối vì nhà ga C9 được đặt ngay đối diện cổng chính cơ quan này.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội thì trong tương lai vùng Bờ Hồ sẽ dành riêng cho phố đi bộ và nhiều cơ quan, công sở đã được quy hoạch di dời, trong đó có EVN. Sau khi di dời sẽ dành không gian này phục vụ cho lợi ích công cộng.

Đã có phương án mới cho tuyến đường sắt đô thị đi qua Hồ Gươm

Ga C9 có thể được coi là ga quan trọng bậc nhất, giúp kết nối một cách hoàn chỉnh, đồng bộ, nhịp nhàng tuyến đường sắt số 2 và một số tuyến đường sắt quan trọng khác đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Ga C9 nằm giữa ga C8 và C10.

Trong lúc ga C8 của tuyến đường sắt số 2 đặt tại vị trí vườn hoa Hàng Đậu sẽ kết nối với tuyến đường sắt số 1 chạy qua Long Biên. Còn ga C10 đặt tại Hàng Bài kết nối với tuyền đường sắt ngầm số 3 đi tuyến Trần Hưng Đạo. Nếu bỏ ga C9 thì khoảng cách giữa 2 ga C8 và C10 khoảng 2.500m, là quá lớn không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội lý giải không phải như một số người nghĩ rằng ga C9 nổi trên bề mặt như nhiều công trình khác đang xâm hại Bờ Hồ, mà đây là ga chìm hoàn toàn dưới lòng đất. Duy nhất sẽ chỉ có đường lên xuống là phần nổi, hạng mục này sẽ có giải pháp thiết kế đẹp, trồng cây xanh che phủ và lắp ánh điện. Còn các bộ phận như ống thoát khí, thông hơi, giàn lạnh, mặc dù đầu tư tốn kém, nhưng sẽ được dẫn đi ra ngoài khu vực Bờ Hồ, nằm trong khuôn viên các cơ quan lân cận.

Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, nay mai vùng Hồ Gươm cấm các loại xe cơ giới, xe buýt hoạt động vì nơi đây tập trung đông người, dễ tắc đường và không có điểm đỗ xe. Để phục vụ nhân dân trong nước và quốc tế đến Bờ Hồ thuận tiện, cũng như từ các quận huyện thuộc Hà Nội như từ Mỹ Đình, Hoàng Mai, Thượng Đình, Thanh Xuân, Gia Lâm, Long Biên đến tham quan Hồ Gươm thì đi tàu điện ngầm sẽ là phương án thuận tiện, an toàn và văn minh nhất.

Trong khi đó, chia sẻ thông tin với Đất Việt, ngày 9/10, KTS Nguyễn Xuân Anh, Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn (Bộ Xây dựng) cho rằng xây dựng đường sắt đô thị là cần thiết, nhưng đừng áp sát quá vào khu vực Hồ Gươm.

Ông Anh cho biết thêm: "Cần phải giữ cho Hồ Gươm một không gian yên tĩnh, sở dĩ nơi này đẹp là vì không có quá nhiều người sử dụng, nên nếu xây dựng nhà ga lùi xa được độ khoảng 500m là rất tốt".

Hiện nay, không có nhà ga mà vào thời gian cao điểm có lễ hội khu vực này đã chật cứng người, nếu phải tải thêm một lượng khách như vậy nữa, thì họ phải chứng minh đánh giá môi trường XH, môi trường chiến lược, sẽ cần chứng minh không gian đó tải được bao nhiêu thì mới nói đến được chuyện phục vụ du lịch.

Theo ông Anh, không nên dùng di sản quý nhất của thủ đô vào việc làm sân ga. Vì Hồ Gươm trước hết là biểu tượng của ký ức ngàn năm đô thị, chứng kiến và lưu dấu ấn của cả thời tiền Thăng Long, Lý, Trần, Lê, Nguyễn, Pháp thuộc… và toàn bộ lịch sử hiện đại của Thủ đô. Trong suốt chiều dài lịch sử nó luôn là không gian trọng yếu.

Thế nhưng, khi có một đề xuất mới về giao thông đi qua một đô thị thì việc rất quan trọng là nghiên cứu tác động xã hội, sau đó có chiến lược để đồng tiền nhà nước được đầu tư hiệu quả.

Nhiều khi xây một con đường mới, người hưởng lợi lại là ông chủ nào đó hai bên đường chứ không phải nhà nước. Nên ở đây phải làm rất kỹ giao thông kết hợp với sử dụng đất như thế nào, nhưng hiện nay đề xuất giao thông đang một mình một kiểu.

Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo