Quốc tế

Hồ sơ Panama được "đưa ra ánh sáng" như thế nào?

(DNVN) - Trước khi Hồ sơ Panama được "đưa ra ánh sáng", hơn 400 phóng viên phải làm việc bí mật hơn 1 năm trời trước khi đồng loạt công bố thông tin.

Tin tức trên báo Tiền phong, so với vụ lộ 7.000 trang tài liệu mật của Lầu Năm Góc về Chiến tranh Việt Nam cho báo New York Times năm 1971, vụ WikiLeaks đăng tải 1,73 gigabyte chứa các bức điện tín mật của Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2010 thì lượng tài liệu rò rỉ trong vụ Hồ sơ Panama lớn gấp hàng ngàn lần và lập kỷ lục về quy mô, với 2,6 terabyte dữ liệu.

Hôm 3/4, hơn 10 cơ quan báo chí khắp thế giới phối hợp Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ), trụ sở tại Mỹ, đồng loạt đăng tải nhiều bài viết về Hồ sơ Panama - tập hợp những tài liệu đồ sộ bị rò rỉ, với mong muốn phơi bày hệ thống trốn thuế quy mô toàn cầu. 

Hồ sơ Panama đang gây chấn động toàn cầu, nhiều nước mở cuộc điều tra. Ảnh: Getty

Những tài liệu bị rò rỉ gồm hơn 4,8 triệu email, 3 triệu file dữ liệu, 2,1 triệu file PDF từ hãng luật Mossack Fonseca có trụ sở tại Panama. Theo nhiều nhà phân tích, Mossack Fonseca chuyên lập ra các công ty vỏ bọc để giúp khách hàng che giấu tài sản của họ.

“Đó có thể là tất cả những tài liệu của công ty này trong suốt 40 năm qua”, Giám đốc ICIJ, ông Gerard Ryle, nói với trang tin Wired. ICIJ và tất cả các thành viên của họ trước đây chưa từng công bố những dữ liệu này. 

Và việc nhiều hãng tin, tờ báo đồng loạt đăng tải đã gây ra loạt bê bối liên quan nhiều ngôi sao màn bạc, vận động viên, giám đốc công ty và nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới. Không chỉ thế, sẽ còn có những bài viết khác xung quanh hồ sơ này được đăng tải, vì vụ lộ mật này là câu chuyện chưa từng có tiền lệ trong lịch sử.

Theo nhà báo Ryle, vụ rò rỉ Hồ sơ Panama bắt đầu từ cuối năm 2014, khi một nguồn tin giấu tên liên lạc với báo Đức Suddeutsche Zeitung. Một phóng viên của báo này tên là Bastian Obermayer kể rằng, một người bí ẩn liên lạc với ông thông qua các cuộc nói chuyện được mã hóa, cung cấp một số dữ liệu nhằm “phơi bày tội ác cho người dân thấy”. Nhưng nguồn tin cũng cảnh báo, mạng  sống của mình bị đe dọa, nên chỉ sẵn sàng liên lạc qua các kênh được mã hóa, và từ chối gặp mặt trực tiếp.

Mỗi lần nhà báo này và nguồn tin liên lạc lại với nhau, họ sử dụng câu hỏi mà cả hai quy ước trước. “Tôi sẽ nói: “Trời có nắng không? Người đó nói: “Mặt trăng đang mưa”, hoặc bất kỳ thứ vô nghĩa nào đó, để cả hai có thể nhận đúng nhau”, Obermayer kể.

 

Sau khi nhìn thấy một phần số tài liệu, báo Suddeutsche Zeitung liên lạc với ICIJ - tổ chức từng hỗ trợ phơi bày những vụ rò rỉ lớn về thuế, từng tham gia cuộc điều tra dữ liệu rò rỉ liên quan tài sản bất minh của nhiều cá nhân mà ngân hàng Thụy Sĩ cất giữ. Thành viên của ICIJ bay đến thành phố Munich của Đức để phối hợp với các phóng viên của báo Suddeutsche Zeitung.

Ảnh báo Pháp luật TP. HCM.

Theo trang News Week, trái tim của quá trình xây dựng mạng lưới điều tra này chính là nhà báo gạo cội Gerald Ryle, với hơn 26 năm làm PV và biên tập viên tại các tờ báo lớn của Úc và Ireland, trong đó có The Sydney Morning Herald và The Agenewspapers. Ông đã từng điều tra nhiều câu chuyện làm chấn động làng báo nước Úc, giành được bốn giải thưởng báo chí danh giá Walkey của Úc, trong đó có một giải vàng. Báo Pháp luật TP. HCM thông tin.

Với nguồn lực và khả năng kết nối của ICIJ, Gerald Ryle bắt đầu tổ chức một mạng lưới các nhà báo quốc tế hợp lực cấu trúc hóa lượng thông tin khổng lồ mà ông nhận được sao cho có thể tìm kiếm được những cái tên lớn và những câu chuyện chấn động trong một hệ thống an toàn và bí mật. 

Trong vòng 24 tiếng sau khi các thông tin về “thiên đường trốn thuế” ở Đảo Cayman (Anh) được công khai vào tháng 4/2013, các câu chuyện liên quan từ ICIJ đã đổ ồ ạt về tờ The Guardian. Tổ chức dẫn đầu bởi Ryle cũng đã kết nối với tờ Süddeutsche Zeitung, cùng những tờ báo lớn như Le Monde (Pháp), The Washington Post (Mỹ), kênh truyền hình CBC (Canada) và hơn 31 đối tác truyền thông quốc tế khác để chính thức khởi động cuộc điều tra.

Theo thông tin công bố từ ICIJ, 86 nhà báo từ 46 quốc gia đã sử dụng cả hai phương thức, phần mềm kiểm toán dữ liệu công nghệ cao lẫn nghiệp vụ báo chí truyền thống để rà soát một lượng khổng lồ các thư điện tử và các giao dịch có lượng thời gian trải rộng gần 30 năm. 

 

Từ tháng 9/2013, hơn 400 nhà báo, phóng viên từ 190 quốc gia bắt đầu thực hiện bài viết về các nhân vật cấp cao có tài khoản giấu ở nước ngoài dựa trên kho dữ kiện này. Đến tháng 2/2015, một nhóm nhà báo từ 45 quốc gia đã công khai các thông tin cho thấy ngân hàng quốc tế khổng lồ HSBC hưởng lợi khủng từ những tài khoản thiết lập cho các nhóm buôn lậu vũ khí. 

Dựa trên nguồn tin nội bộ của chi nhánh HSBC tại Thụy Sĩ, nhóm nhà báo này xác nhận tổng giá trị các tài khoản được mở trong quá khứ lên đến hơn 100 tỉ USD. Ngân hàng HSBC sau đó đã phải lên tiếng xác nhận rằng “các tiêu chuẩn điều tra khách hàng trước khi mở tài khoản của chi nhánh Thụy Sĩ, cũng như toàn bộ ngành ngân hàng trong quá khứ thấp hơn nhiều so với các quy chuẩn hiện nay”.

Theo Paul Lashmar, một giảng viên có thâm niên bộ môn báo chí tại ĐH Sussex (Anh), nhiều thông tin chấn động khác sẽ tiếp tục được làm sáng tỏ trong tương lai. ICIJ cùng mạng lưới các nhà báo điều tra toàn cầu vẫn chưa xử lý hết khối dữ kiện khổng lồ mà họ mới chỉ tiếp cận toàn bộ trong năm 2015. Ông nhận định: “Đây chính là bằng chứng cho thấy vai trò quan trọng của các nhà báo điều tra trên thế giới”.

Nên đọc
Hồng Hà (T/H)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo