Quốc tế

Hồ sơ Panama sẽ "xới tung" chính trường Châu Âu?

(DNVN) - Hồ sơ Panama vừa được nhiều tờ báo hàng đầu Châu Âu hé lộ nhiều chính trị gia liên quan đến hoạt động bất minh tài chính, dự báo sẽ "xới tung" chính trường Châu Âu.

Tin tức trên báo VOV, vụ scandal Hồ sơ Panama vừa được những tờ báo hàng đầu Châu Âu đưa ra đang khiến chính trường nhiều nước châu Âu rúng động.

Tại Pháp, nơi tờ Le Monde là một trong 2 tờ báo lớn đầu tiên của Châu Âu, cùng với tờ Nhật báo Nam Đức đưa vụ việc ra ánh sáng, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã ngay lập tức tuyên bố chính quyền của ông sẽ cho tiến hành điều tra những nhân vật và công ty Pháp có dấu hiệu làm ăn mờ ám trong vụ scandal này.

Các tài liệu đó được lấy từ hãng luật Mossack Fonseca có trụ sở ở Panama. Ảnh AFP.

Theo luật của Pháp thì việc mở các công ty ở hải ngoại ở thiên đường thuế, hay còn gọi là các “off-shores” không bị cấm nhưng phải tuân thủ những quy định rất nghiêm ngặt, đặc biệt liên quan đến các khoản thuế phải nộp cũng như các tài khoản ngân hàng bắt buộc phải khai báo.

Chính vì thế, vụ việc được cho là sẽ còn phức tạp và gây sốc lớn hơn khi trong những tiết lộ ban đầu, tờ Le Monde cho biết có khoảng vài chục công dân Pháp có mặt trong danh sách “ Hồ sơ Panama” và tờ báo sẽ công khai danh tính của những nhân vật được coi là rất có tên tuổi ở Pháp như các chính trị gia hay các nhân vật nổi tiếng. 

Hiện đã có chắc chắn 1 nhân vật nổi tiếng là huyền thoại bóng đá Michel Platini, nguyên Chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Âu, được xem là đã bí mật mở một off-shore để trốn thuế.

Trong số các nước châu Âu thì Iceland được xem là bị chấn động nhất bởi cuộc điều tra này bởi danh sách “Hồ sơ Panama” có xuất hiện tên của đương kim Thủ tướng Sigmundur Gunnlaugsson và 2 Bộ trưởng quan trọng trong chính quyền là Bộ trưởng Kinh tế & tài chính và Bộ trưởng Nội vụ.

Thủ tướng Gunnlaugsson được cho là đứng tên thành lập một công ty tên là Wintris ở đảo British Virgin, một thiên đường thuế quen thuộc ở vùng Caribe. Đây là sự kiện đang gây chao đảo chính quyền Iceland, một quốc đảo chỉ có hơn 300.000 dân. Ngay trong tối thứ Hai, hàng nghìn người dân Iceland đã xuống đường biểu tình đòi chính phủ và cá nhân Thủ tướng Gunnlaugsson phải từ chức.

 

Tại một quốc gia khác là Tây Ban Nha, những tiết lộ từ “Hồ sơ Panama” cũng đang khiến nhiều nhân vật nổi tiếng ở nước này trở thành tâm điểm dư luận. Đáng chú ý nhất là sự xuất hiện của một nhân vật trong Hoàng gia Tây Ban Nha là công nương Pilar de Borbon, là bác của Nhà vua Felipe. Ngoài ra, còn một nhân vật nổi tiếng nữa là đạo diễn Almodovar và siêu sao bóng đá Lionel Messi người Argentina nhưng đang chơi cho CLB Barcelona.

Trong khi đó, nhiều nước bắt đầu cuộc điều tra riêng về cáo buộc trốn thuế “khủng” trong khi các nhân vật có tên trong "Hồ sơ Panama" đồng loạt phủ nhận họ có hành động sai trái.  11,5 triệu tài liệu ghi lại quá trình hoạt động gần 40 năm (1977 đến tháng 12-2015) của công ty luật Mossack Fonseca (Panama) đang gây sóng gió dữ dội trên thế giới. Báo Người lao động thông tin.

Thậm chí, đài BBC thống kê ít nhất 72 đương kim hoặc cựu lãnh đạo nhiều nước bị nhắc tên trong “Hồ sơ Panama”, như Tổng thống Argentina Mauricio Macri, Tổng thống Syria Bashar al-Assad, cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, cựu lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi… Một số nhà lãnh đạo khác có người thân hoặc phụ tá bị nêu tên.

Bác bỏ và điều tra là 2 phản ứng phổ biến nhất sau khi vụ việc xảy ra. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko hôm 4/4 khẳng định không làm gì sai dù bị “Hồ sơ Panama” chỉ ra ông có 3 tài khoản ở nước ngoài.

Trước khi có tuyên bố này, phe đối lập cho rằng ông Poroshenko đã chuyển hãng bánh kẹo Roshen của ông sang một công ty nước ngoài là British Virgin Islands vào năm 2014 – thời điểm “hàng trăm binh sĩ mất mạng ở miển Đông Ukraine”. Do đó, họ đòi luận tội ông.

 

Nhà chức trách thuế Úc hôm 4/4 cho Reuters biết họ đã cùng lực lượng cảnh sát liên bang mở cuộc điều tra khoảng 800 người giàu có là khách hàng của Mossack Fonseca. New Zealand, Ấn Độ, Pháp, Áo và Hà Lan có động thái tương tự. Một số nước có ngân hàng bị nêu tên như Na Uy, Thụy Điển… cũng đang tìm hiểu vụ việc.

Nên đọc
Hồng Hà (T/H)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo