Hỗ trợ

TP Hồ Chí Minh: Tiếp tục kiến nghị lùi thời gian thu phí cảng biển sang năm 2022

DNVN - Trước tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh phải tạm ngừng hoạt động, đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đang trình HĐND, UBND TP về việc lùi thời gian thu phí cảng biển sang năm 2022.

Gói 26.000 tỷ được giải ngân quá ít, cần thêm gói hỗ trợ mới để "cứu" doanh nghiệp / Đồng Nai: Doanh nghiệp sẵn sàng vừa sản xuất, vừa đảm bảo phòng dịch

Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở đang trình UBND và HĐND TP thông qua việc lùi thời gian thu phí cảng biển. Dự kiến tới đầu tháng 4/2022 sẽ tiến hành phu phí.

Động thái này được đưa ra là do hiện nay tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh phải tạm ngừng, đời sống người lao động và người có thu nhập thấp gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh cũng đang thực hiện giãn cách xã hội tại nhiều địa phương để phòng, chống dịch. Do đó, việc điều chỉnh thời gian thu phí như trên sẽ tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp trên địa bàn TP.

Đây là lần thứ 2 kiến nghị dời thời gian thu phí cảng biển. Kế hoạch ban đầu dự kiến thu phí từ 1/7 nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên đã được dời lui 3 tháng sau (ngày 1/10). Song hiện nay dịch vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp nên Sở GTVT TP Hồ Chí Minh kiến nghị dời thời gian thu phí đến đầu tháng 4/2022.

Hàng hóa tại cảng Cát Lái.

Hàng hóa tại cảng Cát Lái.

Trước đó, vào tháng 12/2020, HĐND TP Hồ Chí Minh đã có Nghị quyết về ban hành mức thu phí hạ tầng cảng biển trên địa bàn TP.

Đối tượng thu phí là tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu; hàng hóa tạm nhập - tái xuất, hàng chuyển khẩu, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh sử dụng công trình kết cấu hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển TP Hồ Chí Minh.

Về mức thu phí, đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng chuyển khẩu: Loại xe container 20 feet là 2,2 triệu đồng/container; xe container 40 feet là 4,4 triệu đồng/container; hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container là 50.000 đồng/tấn.

Đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu: Hàng hóa xuất, nhập khẩu mở tờ khai tại TP Hồ Chí Minh, xe container 20 feet là 500.000 đồng/container; xe container 40 feet là 1 triệu đồng/container; hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container là 30.000 đồng/tấn...

Sở GTVT TP Hồ Chí Minh ước tính, khoản thu phí hạ tầng cảng biển mỗi năm sẽ đạt khoảng 3.000 tỉ đồng để đầu tư, mở rộng các tuyến đường vào cảng.

Nói về vấn đề tiếp tục lùi thời gian thu phí cảng biến sang đầu quý II năm 2022, nhiều doanh nghiệp tỏ ra ủng hộ bởi sau thời gian dài bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì nguồn lực kinh tế của doanh nghiệp đã bị tổn thất rất nhiều.

Giám đốc của một doanh nghiệp chế biến cá da trơn xuất khẩu tại Long An cho rằng, thời gian qua do ảnh hưởng của dịch bệnh đã khiến doanh nghiệp dần rơi vào cảnh kiệt quệ. Việc lùi thu phí hạ tầng cảng biển sáng tháng 4/2022 sẽ khiến doanh nghiệp trở nên “dễ thở” hơn, bởi doanh nghiệp cần có thời gian để phục hồi sau đại dịch.

“Hằng năm, doanh nghiệp phải trả hàng tỷ đồng tiền phí hạ tầng như cầu đường, đường bộ, BOT, phí thuê kho bãi, nộp thuế và nay lại ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 khiến doanh nghiệp gồng mình đến kiệt quệ. Trong bối cảnh Chính phủ đang thực hiện mục tiêu kép vừa bảo đảm phát triển kinh tế vừa phòng chống dịch, thì khoản tăng thêm chi phí sử dụng dịch vụ sẽ trở thành rào cản lớn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ở lĩnh vực xuất khẩu thuỷ sản. Từ đó, nó sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh quốc tế trong hoạt động kinh doanh. Do đó, việc lùi thời gian thu phí cảng biển sang năm 2022 sẽ phần nào giảm bớt áp lực, khó khăn về tài chính vận hành các chuỗi cung ứng của doanh nghiệp trước tác động kéo dài của dịch”, vị này cho hay.

Liên quan đến việc thu phí hạ tâng cảng biển, Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) trước đó đã có văn bản Góp ý dự thảo Đề án Thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng gửi Sở GTVT TP Hồ Chí Minh.

Trong đó, VLA cho rằng, việc thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP không chỉ tác động trực tiếp tới các nhà sản xuất, xuất nhập khẩu trên địa bàn mà còn tác động trực tiếp, tăng chi phí logistics của địa phương và cả nước.

Qua đó, làm giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh rất gay gắt. Dự thảo đề án thu phí cũng được dự đoán sẽ làm giảm hấp dẫn đầu tư FDI cũng như gây quan ngại cho các nhà đầu tư.

Phía VLA cũng đánh giá, các doanh nghiệp logistics sẽ chịu tác động liên đới, cụ thể là phải ứng trước toàn bộ các khoản chi phí không nhỏ này trong một thời gian nhất định mà không hề có bất cứ lợi nhuận nào.

Ngoài ra, một điểm theo VLA rất đáng chú ý trong đề án là nếu có nguồn kinh phí để tiếp tục tập trung đầu tư cho hạ tầng kết nối khu vực cảng sẽ làm giảm tình trạng ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông, tăng vận tốc khai thác của các phương tiện, dẫn đến tăng số vòng quay của xe tải và xe container cho doanh nghiệp lên.

VLA cho rằng, đánh giá này cần được kiểm chứng trên cơ sở đo lường được hiệu quả rút ngắn thời gian giao nhận hàng hóa tại khu vực cảng biển và giảm ùn tắc giao thông được bao nhiêu thì mới có tính thuyết phục cho việc thu phí.

VLA cũng cho rằng, TP cân nhắc mức thu phải hợp lý với sức chịu đựng của doanh nghiệp. Mặt khác cần hết sức lưu ý là sản lượng hàng hóa tại khu vực TP Hồ Chí Minh cao hơn nhiều so với bất cứ địa phương nào khác.

Nói về thời gian thực hiện thu phí trong năm 2021, VLA cho là chưa phù hợp khi kinh tế của cả nước và của từng doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn do hậu quả của dịch bệnh COVID-19. Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam nhận định, việc thu phí này có thể mang đến những tác động không tích cực cho việc phát triển kinh tế của TP Hồ Chí Minh.

Đức Linh
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm