Học phí cao - đối tác kém
Mặc dù kết quả của cơ quan chức năng cần được kiểm định và có kết luận chính thức, nhưng những bất cập này không phải là vấn đề mới và đang gây nhiều băn khoăn trong dư luận.
Việt Nam: Trường hàng đầu; đối tác: Chưa xếp hạng
Có thể thấy trong danh sách những trường đại học mà cơ quan chức năng trực tiếp kiểm tra, xác minh này có những trường đại học được xem là hàng đầu của Việt Nam như Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng, Đại học Huế, Đại học Đà Lạt...
Riêng với Đại học Quốc gia Hà Nội, cơ quan chức năng cũng kết luận trong số liên kết chỉ có một số trường có thứ hạng, còn lại hầu hết đối tác liên kết chưa được xếp hạng hoặc có thứ hạng thấp hơn các trường Việt Nam.
Từ giữa năm 2010, GS-TS Vũ Minh Giang - Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội - đã khẳng định từ năm 2008 Đại học Quốc gia Hà Nội có chủ trương chỉ thực hiện liên kết đào tạo đối với các đối tác là các cơ sở đào tạo của nước ngoài phải nằm trong top 200 (theo bảng xếp hạng của Webometrics).
Đại học Quốc gia Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị thành viên rà soát các chương trình và đối tác liên kết đào tạo. Những đối tác nào không đủ điều kiện, đã được Đại học Quốc gia Hà Nội yêu cầu chấm dứt hoạt động liên kết đào tạo.
Theo bảng xếp hạng gần đây của trang web Webometrics, Đại học Quốc gia Hà Nội đã vươn từ thứ hạng 1.125 trên 12.000 trường (vào tháng 7/2011) lên thứ 743 trên 20.300 trường tháng 1/2012. Đồng thời, đứng trong top 200 các trường ở Châu Á.
Như vậy, Việt Nam đã có mặt một cơ sở đại học trong top 1.000 thế giới và ở gần trong nhóm 3% thế giới của 20/300 cơ sở đại học tham gia xếp hạng.
Và ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội mới chỉ có Trường Đại học Cần Thơ với vị trí 1.649 thế giới, Trường Đại học Bách khoa thuộc Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh với vị trí 2.008 thế giới (cũng theo bảng xếp hạng của Webometrics)... thì có thể thấy hầu hết những đối tác nước ngoài mà các trường đại học Việt Nam đang thực hiện liên kết đào tạo đứng ở vị trí nào khi “chưa được xếp hạng hoặc có thứ hạng thấp hơn các trường của Việt Nam”.
Tự hạ thấp uy tín, danh dự của trường
Khi được hỏi đến vấn đề này, một số giáo sư, quan chức và nguyên lãnh đạo ngành giáo dục đã từ chối trả lời vì “lý do tế nhị”.
Tuy nhiên, PGS-TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo thì thẳng thắn: “Chủ trương liên kết với nước ngoài để đào tạo du học tại chỗ là đáng hoan nghênh vì giúp cho việc “du học” rẻ hơn, nhiều người hưởng thụ hơn. Các nước Đông Nam Á khác như Thái Lan, Malaysia, Singapore đang làm, thậm chí làm rất mạnh.
Nhưng phải chọn các trường danh tiếng, tốt hơn mà liên kết. Để xảy ra việc liên kết với các trường kém, đôi khi là do người dân sính ngoại. Còn về phía trường Việt Nam, tôi cho rằng có động cơ kinh tế, bị cơ chế thị trường chi phối. Bên cạnh đó là cơ chế giám sát chưa chặt chẽ, mà đại diện cơ quan nhà nước ở đây là Bộ Giáo dục - Đào tạo”.
Ông Nhĩ còn nhấn mạnh đây là vấn đề danh dự của các nhà trường. Trước đó, TS Mark A.Ashwill - nguyên giám đốc Viện Nghiên cứu giáo dục quốc tế tại Việt Nam (IIE), hiện là giám đốc điều hành của Công ty phát triển nguồn nhân lực Capstone Việt Nam – cũng đã từng nhận định: “Việc học phải trường đại học dỏm hay những liên kết mập mờ giữa trường đại học của Việt Nam và nước ngoài thật ra đã có từ lâu”.
Theo ông Mark A.Ashwill, có hai yếu tố chính khiến việc này ngày càng phổ biến hơn đó là do người học sính bằng ngoại và do các trường đều rất muốn làm việc này vì lợi nhuận thu được nhiều.
Rõ ràng đã có tình trạng liên kết chạy theo lợi nhuận, không quan tâm đến chất lượng. Việc này cũng biểu hiện mặt trái của chủ trương tăng quyền tự chủ và sự phát triển quá nóng trong các trường đại học. Việc các trường được tự chủ tài chính là để tạo điều kiện có thêm nguồn thu hỗ trợ ngân sách nhà nước, góp phần tăng thêm vốn đầu tư cơ sở vật chất, cũng như nâng cao thu nhập cán bộ, giảng viên.
Tuy nhiên do quá quan tâm vào việc tăng nguồn thu, mà liên kết đào tạo là một trong những hình thức tạo ra nhiều lợi nhuận nhất, nên các trường đang để mở cho những vi phạm trong hoạt động này.
Theo ông Trần Xuân Nhĩ, các cơ quan quản lý nhà nước, mà cụ thể là Bộ Giáo dục - Đào tạo, phải quản lý chặt chẽ hơn, đặt ra những tiêu chí cụ thể hơn để hạn chế tối đa sự rủi ro của người học khi đầu tư tiền bạc, thời gian cũng như lòng tin vào các chương trình liên kết.
Việc học phải trường đại học dỏm hay những liên kết mập mờ giữa trường đại học của Việt Nam và nước ngoài thật ra đã có từ lâu
|
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ngư dân bất ngờ vớt được khối gỗ ước tính hơn 3.455 tỷ đồng
Nhặt bừa viên đá chặn cửa nhiều thập kỷ, cụ bà đến khi mất cũng không biết mình từng sở hữu báu vật
Chỉ 4 cao thủ có thể đánh bại Cưu Ma Trí trong Thiên Long Bát Bộ: Ba trong đó là sư huynh đệ
Cận cảnh khu mộ 50 tỷ đồng của vợ cũ vị đại gia nổi tiếng nhất Bình Dương
CLIP: Quạ đen phản đòn xuất sắc, hạ gục chim ưng để thoát hiểm
Cao thủ có con mắt tinh tường nhất của Kim Dung: Cả đời nhận 4 đồ đệ, hai trong đó là đệ nhất thiên hạ