Xã hội

Học sinh TP. HCM tưởng nhớ phút hào hùng trận chiến Gạc Ma

(DNVN) - Hôm nay 14/4/2016 cách đây 28 năm về trước, 14/3/1988 đã diễn ra trận chiến Gạc Ma, 64 chiến sĩ đã anh dũng hi sinh bảo vệ biển đảo đất nước.

Tin tức trên báo Pháp luật TP. HCM, sáng 14/3, cùng với nhân dân cả nước, trong giờ chào cờ, hơn 500 thầy trò trường THPT Nhân Việt, TP. HCM đã làm lễ tưởng niệm 28 năm sự kiện Gạc Ma (1988-2016). 

Đặc biệt hơn, sự kiện này do chính các em lớp 10 – Gạc Ma lên ý tưởng và dàn dựng cho toàn trường. Bởi đây là lớp mang tên đảo Gạc Ma, song song với 14 hòn đảo thiêng liêng của 14 lớp khác trong trường.

Học trò trường THPT Nhân Việt, TP. HCM tưởng nhớ phút hào hùng về trận chiến Gạc Ma 28 năm trước. Ảnh báo Pháp luật TP. HCM.

Buổi lễ diễn ra khoảng 30 phút nhưng rất trang nghiêm và xúc động. Tất cả thầy trò đều mang trên mình đồng phục hải quân mà ngay từ đầu năm học nhà trường thiết kế để sử dụng trong ngày đầu tuần và các sự kiện liên quan đến biển đảo của trường.

Tại đây, các em được nghe thầy hiệu trưởng Bùi Gia Hiếu chia sẻ những sự kiện oanh liệt liên quan đến đảo Gạc Ma diễn ra cách đây 28 năm, ngày 14/3/1988, khi 64 chiến sĩ hải quân đã anh dũng hi sinh để bào vệ đảo trước sự xâm lược của Trung Quốc.

Kết thúc bài nói chia sẻ, Thầy Hiếu gửi gắm: “Ngày hôm nay không chỉ giúp các em biết thêm về lịch sử, về biển đảo thiêng liêng mà nó còn nhắc thầy trò chúng ta sẽ không bao giờ quên sự hi sinh anh dũng của các chiến sĩ hải quân để bảo vệ đảo, bảo vệ tổ quốc trước quân xâm lược. Nó cũng nhắc các em hãy không ngừng nỗ lực học tập để xứng đáng với sự hi sinh đó và nối tiếp truyền thống hào hùng ấy để bảo vệ biển đảo của chúng ta”.

Tiếp đó, các em của lớp Gạc Ma còn trình diễn hoạt cảnh về quá trình chiến đấu và hi sinh của các anh hùng giữa biển khơi để bảo vệ đảo. Các em còn vinh dự hát vang bài hát “lớp 10 Gạc Ma” do nhạc sĩ Trần Hải Bắc lần đầu tiên sáng tác gửi tặng thầy trò của trường nhân sự kiện 14/3 này.

Các HS lớp 10 -Gạc Ma trình diễn hoạt cảnh về sự kiện cách đây 28 năm. Ảnh báo Pháp luật TP. HCM.

Theo PGS.TS Trần Nam Tiến,  phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu biển và đảo, giảng viên khoa quan hệ quốc tế Trường ĐH Khoa học xã hội 
và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) chia sẻ trên báo Tuổi trẻ: "Nhắc đến sự kiện Gạc Ma không chỉ là câu chuyện đẫm máu bi thương mà là những hệ quả, những bài học kinh nghiệm, những thúc giục hành động cho ngày hôm nay."

 

Các hạm đội của Trung Quốc chỉ bắt đầu xuất hiện nhiều ở Biển Đông và khu vực quần đảo Trường Sa từ năm 1987, đây chính là thời gian Trung Quốc và Liên Xô bắt đầu tiếp xúc để bình thường hóa quan hệ.

Đầu năm 1988, Trung Quốc bắt đầu ra tay bằng cách chiếm đảo đá Chữ Thập và sau đó là Gạc Ma. Họ đã chuẩn bị rất kỹ cho hành động này. Việt Nam đã có cảnh giác, lo lắng, chuẩn bị đối phó nhưng lực bất tòng tâm như chia sẻ sau này của một số lãnh đạo hải quân và không thể ngăn cản được hành động xâm chiếm có tổ chức của Trung Quốc.

Có thể giải thích bằng tình hình kinh tế cực kỳ khó khăn trong nước khi ấy, toàn lực đang dốc vào công cuộc đổi mới, cải thiện quan hệ đối ngoại với các nước lớn và ASEAN, chỗ dựa lớn nhất lúc bấy giờ là Liên Xô lại “làm ngơ” khi được kêu gọi hỗ trợ...

Sau bài học xương máu này, chúng ta đã có những bước đi đúng đắn về ngoại giao: giải quyết rốt ráo vấn đề Campuchia, chuyển quan hệ với Liên Xô từ “hữu nghị tương trợ” sang hình thức “hợp tác hai bên cùng có lợi”, từng bước bình thường hóa quan hệ với Mỹ, thiết lập quan hệ thành viên với ASEAN...

Bài học này cũng giải thích quan điểm “ba không” trong ngoại giao của chúng ta hiện nay: phải độc lập tự chủ, không quá phụ thuộc vào một nước nào để không một lần nữa bị biến thành con cờ trong các toan tính của nước lớn.

 

Với những kinh nghiệm mà Việt Nam đã trải qua trong lịch sử, tôi cho rằng quan điểm này là đúng đắn, Nhà nước cần giải thích chính thức bằng sự thật để người dân hiểu được chủ trương này một cách sâu sắc và thấu đáo.

Nên đọc
Hồng Hà (T/H)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo