Phân tích

Hội nhập và phát triển bền vững ở Diễn đàn Kinh tế mùa Thu 2015

(DNVN) - Ngày 27/8, Diễn đàn Kinh tế mùa Thu 2015 với chủ đề “Hội nhập và phát triển bền vững” được tổ chức ở Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn, đã diễn ra thành công với rất nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn của các chuyên gia.

Khác với tất cả các kỳ diễn đàn kinh tế do Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức trước đây, diễn đàn lần này chỉ diễn ra 1 ngày và chỉ tập trung vào chủ đề hội nhập, không bàn về các vấn đề kinh tế - xã hội khác. Cách làm việc này được ông Nguyễn Văn Giàu – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhắc lại trong phát biểu khai mạc.

Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam, các diễn giả tham gia diễn đàn đều ủng hộ chương trình làm việc mới này, cho rằng, nó rất phù hợp với bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa chính thức tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP) và những biến động của kinh tế thế giới gần đây, đặc biệt là Trung Quốc, đang ảnh hưởng tiêu cực đến Việt Nam.

Diễn đàn Kinh tế mùa Thu 2015 với chủ đề “Hội nhập và phát triển bền vững”, được tổ chức ngày 27/8 ở Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn, đã diễn ra thành công với rất nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn của các chuyên gia.
Diễn đàn Kinh tế mùa Thu 2015 với chủ đề “Hội nhập và phát triển bền vững”, được tổ chức ngày 27/8 ở Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn với rất nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn của các chuyên gia. Ảnh: VnEconomy

Sau bài tham luận mang tính đề dẫn của Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú - một điểm khác của diễn đàn năm nay là đại diện cơ quan Chính phủ đề dẫn thay vì chuyên gia kinh tế – các diễn giả lần lượt bình luận về những thành tựu cũng như tồn tại của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế thời gian qua, cũng như những thách thức và cơ hội trong thời gian tới.

Hầu hết các diễn giả đều đồng thuận rằng, những thành tựu mà Việt Nam đạt được sau một thời gian hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt sau gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), là có nhưng chưa tương xứng với cơ hội.

Phân tích về nguyên nhân, nhiều diễn giả cho rằng, Việt Nam mới chỉ chú trọng trên bàn đàm phán nhằm “tích cực hội nhập” với thành tích là ký được rất nhiều hiệp định thương mại, nhưng nội bộ trong nước không thực sự “đổi mới”, thậm chí thiếu quan tâm để có thể tận dụng những cơ hội mà hội nhập mang lại.

Theo báo Thanh Niên, chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới cho rằng mức độ tích cực trong hội nhập của Việt Nam thuộc loại nhất trên thế giới nhưng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam đang không theo kịp quá trình này.

Cũng theo TS. Võ Đại Lược, việc Việt Nam ký kết lên đến 15 hiệp định thương mại, tương đương cường quốc kinh tế như Trung Quốc, cao nhất trong khối nước ASEAN là có vấn đề. Đây là cũng đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Diễn đàn kinh tế mùa thu 2015.

 

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW cho rằng: "Khi nói đến hội nhập, nhiều người hay nói các doanh nghiệp bị động, không quan tâm đến thông tin về các hiệp định thương mại tự do, sức cạnh tranh yếu…, nhưng điều đó là chưa hoàn toàn chính xác. Hội nhập hiện nay, doanh nghiệp như đi trên cầu khỉ chênh vênh, gánh nặng khối đá chi phí, cố gắng dò dẫm từng bước một để khỏi rơi xuống sông nên không thể nhìn xa, vươn tới bên ngoài”.

Chia sẻ về kinh nghiệm hội nhập, ông Hugh Borrowman, Đại sứ Australia cho rằng, Việt Nam trong giai đoạn này cần thực hiện những cải cách sâu rộng, toàn diện.
Chia sẻ về kinh nghiệm hội nhập, ông Hugh Borrowman, Đại sứ Australia cho rằng, Việt Nam trong giai đoạn này cần thực hiện những cải cách sâu rộng, toàn diện. Ảnh: VnEconomy

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW, vấn đề lớn nhất trong việc hội nhập kinh tế thế giới hiện nay của Việt Nam vẫn là Nhà nước. “Nhà nước có cải cách, phù hợp với việc hội nhập hay không mới là quan trọng. Toàn bộ hệ thống bên trong của ta chưa gắn được với hội nhập, chưa thay đổi chức năng, vai trò của nó so với 30 năm trước”, ông nói.

Cũng theo ông Cung, để hội nhập thành công thì công cụ quản lý phải thay đổi, tuy duy quản lý của Nhà nước phải thay đổi từ chỗ tư duy quản lý, đứng bên trên doanh nghiệp chuyển sang đồng hành, kiến tạo. “Nếu cơ cấu tổ chức bộ máy không thay đổi, năng lực quản lý không thay đổi thì động lực, thái độ làm việc sẽ không thay đổi, cản trở hội nhập”, ông Cung nói.

 “Hội nhập thì cần đi liền với đổi mới, cải cách thể chế nhưng vấn đề với chúng ta là đổi mới bên trong chậm trễ quá. Chúng ta mới chỉ giảm thời gian thông quan ở hải quan, đó là chuyện nhỏ, câu chuyện lớn là cần có đột phá về thể chế thì đến giờ này chưa làm được bao nhiêu cả”, ông Lược nói.

Bên cạnh đó, Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại đưa ví dụ từ năm 2011 đến nay, Việt Nam đã đàm phán 6 Hiệp định quy mô lớn, sẵn sàng đứng nhất ASEAN về chỉ số này nhưng trong nước lại không đồng bộ. Có đến 76% doanh nghiệp không biết gì về Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), 60% cho rằng AEC không ảnh hưởng đến họ.

 

Để tận dụng tốt cơ hội từ hội nhập, các đại biểu nhất trí là hội nhập phải gắn bó mật thiết với cải cách trong nước. Thậm chí, theo TS. Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cải cách, đổi mới cần diễn ra trên mọi khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội - văn hóa.

Ảnh: VnEconomy
Ảnh: VnEconomy

Diễn đàn cũng thảo luận về vấn đề nông nghiệp và nông dân trong hội nhập, coi đây là nhóm lĩnh vực, đối tượng đông đảo nhất, nhưng lại thiệt thòi nhất khi nền kinh tế hội nhập quốc tế do không được quan tâm thích đáng, theo Thời báo Kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, TS. Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn lại cho rằng, chính nông nghiệp lại đạt được nhiều thành tựu nhất, tận dụng tốt nhất quá trình hội nhập vừa qua, rằng chính việc phải tự thân vận động đã giúp nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam có sức cạnh tranh toàn cầu.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng có cái nhìn tích cực về thành quả của hội nhập. Ông Lưu cho rằng, mặc dù còn nhiều tồn tại, hạn chế, nhưng thông qua hội nhập, từ thể chế đến thực tiễn kinh tế - xã hội, Việt Nam đều đã đạt được những thành tựu quan trọng.

Quốc hội và Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung và ban hành mới hàng nghìn đạo luật, tạo hành lang pháp lý ngày càng hoàn chỉnh cho thể chế kinh tế thị trường. Hội nhập cũng giúp Việt Nam thu hút nguồn vốn quốc tế, tiếp thu các công nghệ tiên tiến trên thế giới.

 

Phó chủ tịch Quốc hội lấy dẫn chứng: “Nếu không có hội nhập kinh tế quốc tế thì sao có được Khu kinh tế Nghi Sơn ở Thanh Hóa này với tổng mức đầu tư lên đến 9 tỷ USD, hay làm sao có được sự tư vấn và công nghệ quản lý đẳng cấp quốc tế như tại chính Quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn mà chúng ta đang có mặt tại đây”.

Thu Phương (T/h)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo