Hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN: Lao động cần trau dồi thêm kỹ năng
Cuối năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức thành lập, theo đó các nước ASEAN sẽ cho phép tự do luân chuyển lao động trong 8 ngành gồm: Kiểm toán, kiến trúc, kỹ sư, nha sỹ, bác sỹ, y tá, điều tra viên và du lịch. Đây vừa là thời cơ, nhưng cũng là thử thách cho TP.HCM khi nguồn lao động chất lượng cao, kỹ năng ngoại ngữ…chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường mang tính cạnh tranh cao như ASEAN.
Tại buổi hội thảo, TS Trần Văn Thận, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM thẳng thắn chia sẻ: “Lâu nay, chúng ta luôn giới thiệu đội ngũ lao động trong nước cần cù, chịu khó, học hỏi, giá rẻ…trong khi đó, yêu cầu về tay nghề và kiến thức chuyên môn chưa bao giờ là ưu điểm. Khi cho phép luân chuyển 8 ngành nghề trên, cơ hội dành cho LĐ Việt Nam càng bị thu hẹp bởi các yêu cầu khắt khe về chuyên môn ngoại ngữ, nếu người lao động không ý thức rõ “mối nguy” này sẽ bị thua ngay trên sân nhà”.
Chia sẻ ý kiến tại hội thảo, Thạc sĩ Lưu Đình Vinh, Trường Cao đẳng kinh tế TP.HCM nhận định rằng, năng suất lao động và kỹ năng lao động là “điểm nghẽn” nguồn nhân lực TP.HCM khi nhập Cộng đồng kinh tế Asean.
Theo công bố của Tổ chức lao động Quốc tế thì năng suất LĐ Việt Nam nói chung và của TP.HCM nói riêng thuộc nhóm thấp nhất ở Châu Á- Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và Hàn Quốc là 10 lần.
Nguyên nhân do công tác đào tạo không gắn với nhu cầu của xã hội. Ngoài ra, năng suất lao đông cũng phụ thuộc vào nhiều nhân tố nhỏ hơn nhưng rất quan trọng như trình độ khéo léo, sự phát triển của khoa học kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, yếu tố tác phong công nghiệp…
Tại TP.HCM, những khảo sát của các tổ chức Quốc tế cho thấy kỹ năng tiếng Anh của người lao động ở mức trung bình thấp. Mỗi năm, TP có khoảng 55.000 sinh viên và học viên ra trường nhưng phần đông khó tìm được việc làm do thiếu kỹ năng mềm, yếu kém về kỹ năng làm việc và kinh nghiệm thực tế. Được biết, nguồn nhân lực bậc cao của TP mới đáp ứng 30-40% nhu cầu.
Tại buổi hội thảo, nhiều ĐB kiến nghị, để định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của TP cần hướng hoạt động của các trường đào tạo, dạy nghề và nhận thức tự học tập, rèn luyện của học sinh, người lao động phù hợp phát triển thị trường lao động theo yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập với các tiêu chuẩn chất lượng nghề nghiệp là năng lực thực hành nghề chuyên môn; kỹ năng mềm, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm; kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm lao động; năng lực ứng dụng tin học và sử dụng tốt 1 ngoại ngữ; hiểu biết cụ thể về thị trường lao động và pháp luật lao động…
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)