Tin tức - Sự kiện

Hơn 400 dịch vụ y tế tăng giá

Chính phủ đã đồng ý để liên Bộ Y tế, Tài chính và BHXH Việt Nam ký thông tư điều chỉnh tăng giá hơn 400 dịch vụ y tế trong năm nay

Tăng giá, tiền nào của ấy?

 

Trong cuộc họp báo ngày 14-2, Trưởng ban Thực hiện Chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) Phạm Lương Sơn, cho biết theo quy định mới, không phải dịch vụ y tế nào cũng tăng giá mà ngược lại.

 

Chẳng hạn, liên quan đến chẩn đoán hình ảnh, theo quy định cũ, nếu chụp CT kener có giá từ 300 đến 1 triệu đồng (bao gồm cả thuốc cản quang); lần này, quy định mới, có sự phân định rất rõ khi nào có hoặc không có thuốc cản quang.

 

Ví dụ, nếu có thuốc cản quang theo quy định cũ, giá cao nhất là 1 triệu đồng, còn nay theo quy định mới là 800 nghìn đồng.

 

Quy định cũ có sự lẫn lộn giữa siêu âm màu và siêu âm khác, dẫn đến rất nhiều cơ sở khám chữa bệnh (KCB) lạm dụng để trục lợi BHYT. Thực tế, rất nhiều kỹ thuật chỉ cần sử dụng siêu âm 2D (đen trắng) với mức giá chi trả là 20 nghìn đồng, bệnh viện cố tình phủ thêm một lớp màu để thanh toán BHYT từ 80 đến 150 nghìn để trục lợi.

 

Do đó, quy định mới lần này sẽ phân định rất cụ thể, đảm bảo định mức chi phí đưa ra xứng đáng với dịch vụ kỹ thuật mà người bệnh được hưởng.

 

Với quy định khung giá viện phí mới, chênh lệch giữa giá tối thiểu và giá tối đa theo quy định mới khoảng 5 tới 10% (cao nhất là 90 nghìn đồng và thấp nhất là 3 nghìn đồng) và mức trung bình chênh nhau khoảng 19 nghìn đồng. “Rõ ràng với quy định mới này, sẽ hạn chế tối đa tình trạng lạm dụng từ chính việc phê duyệt đơn giá tại các bệnh viện đang nhức nhối hiện nay”, ông Sơn nói.

 

Gần 40% dân số bị ảnh hưởng

 

Theo BHXH Việt Nam, 38% dân số chưa có thẻ BHYT (chủ yếu là các đối tượng có mức thu nhập trung bình trở lên) sẽ bị ảnh hưởng do tăng giá lần này. Tuy nhiên, do chỉ điều chỉnh giá của 445/3.000 dịch vụ nên các đối tượng này vẫn có khả năng chi trả. Vẫn có nhiều người thuộc đối tượng này trong trường hợp mắc bệnh nặng, chi phí điều trị lớn sẽ khó có thể chi trả viện phí.

 

Vì vậy, cần phải tăng cường vận động để đối tượng này tham gia BHYT tự nguyện. Người bệnh sẽ được thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng tốt hơn do bệnh viện có kinh phí để phục vụ. Trước đây giá thấp, bệnh viện không có đủ kinh phí để triển khai một số dịch vụ, kỹ thuật y tế cho người bệnh.

 

BHXH Việt Nam lý giải việc điều chỉnh giá hơn 400 dịch vụ y tế là một đòi hỏi thực tế, khách quan. Theo đó, các đối tượng (người có công với cách mạng, trẻ em dưới 6 tuổi) được nhà nước mua thẻ BHYT, khi khám chữa bệnh (KCB) thanh toán 100% chi phí nên không bị ảnh hưởng.

 

Các đối tượng hưu trí, người thuộc hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn đã được nhà nước bảo đảm kinh phí để mua thẻ BHYT (14,7 triệu người thuộc đối tượng này đã được cấp thẻ BHYT, chiếm 17% dân số), được thanh toán 100% khi KCB tại trạm y tế xã; trường hợp phải chuyển lên tuyến trên được thanh toán tiền vận chuyển và được thanh toán 95% khi KCB tại các bệnh viện công lập (từ tuyến huyện trở lên).

 

Học sinh, sinh viên (đã được nhà nước hỗ trợ 30% để tham gia BHYT) khi KCB phải chi trả 20% chi phí (BHYT thanh toán 80%). Riêng người thuộc hộ cận nghèo đã được Nhà nước hỗ trợ tối thiểu 50% (đang được đề xuất tăng lên 70% - PV) để tham gia BHYT, khi đi KCB chỉ phải chi trả 20% chi phí

 

Theo Tiền Phong

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo