Doanh nghiệp

HTX miến Đại Liên, Thái Nguyên đầu tư quy trình sản xuất hiện đại

(DNVN) - Đến thăm cơ sở sản xuất miến dong Đại Liên tại tổ 13, phường Tân Lập, thành phố Thái Nguyên, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước bạt ngàn hàng vài trăm tấm phên liếp lớn nhỏ được bắc trên các giàn ngang trong diện tích gần 3000m2 để phơi miến.

Dưới cái nắng mùa hè 39 - 40 độ C cực kỳ nóng bức, nhưng mọi người ở đây lại rất vui mừng, phấn khởi vì “ông trời” đã tặng họ một mẻ miến được phơi khô, sạch sẽ mà không một lò sấy, một công cụ máy sưởi nào có thể làm sản phẩm ngon và chất lượng hơn nhiệt độ tự nhiên của trời đất. 

Quy trình
Bột dong riềng được chọn lọc để làm miến.

Miến Đại Liên được sản xuất từ nguyên liệu là củ dong riềng theo 2 quy trình: Miến ép và miến tráng. Củ dong riềng do anh Nguyễn Hữu Đại, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) thu mua được trồng từ nhiều vùng trên cả nước. Trước đây, anh Đại thường mua củ dong từ vùng bãi bồi châu thổ sông Hồng, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Nay, do nhu cầu người đặt mua miến ngày càng đông nên anh đã đặt mua thêm ở các vùng khác như huyện Na rì, Chợ Rã, Ba Bể, tỉnh Bắc Cạn, một số vùng rải rác ở tỉnh Cao Bằng.

Cây dong riềng trồng từ các vùng miền này rất hợp thổ nhưỡng nên cho năng suất cao, củ có nhiều hàm lượng tinh bột. Củ dong mua về được anh Đại thuê các nhà máy nghiền bột rửa sạch, xay nhỏ và sấy khô để dùng dần. Cây dong được trồng trong thời gian khoảng 10 tháng là thu hoạch. Đúng vụ vào khoảng tháng 11-12 cuối năm.

Từ bột dong riềng sấy khô, để làm được sản phẩm miến phải qua nhiều công đoạn phức tạp, cần có tay nghề, máy móc hỗ trợ và kinh nghiệm lâu năm của người thợ. Đầu tiên, bột dong được đổ ra thùng chuyên dụng rồi pha với nước sạch được hút từ giếng khoan theo tỷ lệ: 1 tạ bột ứng với 2m2 nước. Sau đó lọc bỏ bã, đất, cát còn lẫn trong bột, rồi để lắng, chắt hết nước lấy bột mịn đã lọc sạch ra để chế biến.

Với quy trình sản xuất miến ép thì sử dụng tỷ lệ 10kg bột lọc pha với 30l nước sôi (100 độ C) đảo đều, rồi cho vào cối ép thành sợi, sau đó, trải đều trên phên đem ra sân phơi. Nếu nắng to, khoảng 2 tiếng là được. Miến đã phơi khô cho vào máy cắt từng đoạn rồi đóng gói là có thể đưa ra thị trường tiêu thụ.

Hàng ngàn các giàn ngang để phơi miến.
Hàng ngàn các giàn ngang để phơi miến.

Với quy trình sản xuất miến tráng thì sau khi lọc bột sạch đem pha theo tỷ lệ 10kg bột lọc với 60l nước sôi, đảo đều, rồi trộn thêm 1 tạ bột sống, sau đó đánh lẫn với bột chín, cho lên máy tráng, qua buồng hơi để bột chín đều, tiếp tục dàn mỏng ra phên phơi cho ráo khoảng 1-1,5 tiếng thu về cho vào máy cắt nhỏ, sau đó lại đem phơi 3-4 tiếng thật khô mới cho đóng gói.

 

Sản phẩm miến ép thì ăn dai, giòn, xào nấu không bị vữa nát. Miến tráng thì mềm sợi, rất hợp để chế biến món ăn như nem hoặc nấu thành canh ăn ngay.HTX Đại Liên là một trong gần 100 cơ sở làm miến ở Thái Nguyên. Đây là địa chỉ rất có uy tín về chất lượng sản phẩm và mẫu mã bao bì. Mỗi năm, HTX tiêu thụ khoảng 50 tấn miến.

Những cuộn miến được đóng gói cẩn thận trước khi phân phối.
Những cuộn miến được đóng gói cẩn thận trước khi phân phối.

Hàng tiêu thụ mạnh nhất là các dịp giáp tết và các ngày lễ. Miến dong Đại Liên được bán rộng rãi trên địa bàn các tỉnh: Thái Nguyên, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Thọ, Thái Bình, thành phố Hồ Chí Minh… Quy trình sản xuất miến dong với những máy móc hỗ trợ đang sử dụng là phương pháp làm miến hiệu quả trong thời điểm hiện nay, có thể đạt khối lượng sản phẩm 1 tạ miến/ngày.

Nhưng không dừng ở đấy, cơ sở Đại Liên còn chuẩn bị lắp đặt thêm một dây truyền sản xuất tự động hiện đại hơn nữa để có thể sản xuất đạt tới 3 tạ miến/ngày. Tổng chi phí các loại máy móc, thiết bị, giàn, phên được HTX đầu tư khoảng 500 triệu đồng.Chia sẻ những vất vả trong nghề làm miến, vợ chồng anh Đại cho biết: “Nghề làm miến là nghề gia truyền của gia đình, từ thời các cụ, rồi đến ông bà, cha mẹ và truyền lại cho chúng tôi. Để có sản phẩm chất lượng như ngày hôm nay, chúng tôi cũng vượt qua bao cay đắng, vất vả mới đạt được.

Có những mẻ miến chỉ sơ ý trong quy trình sản xuất chút thôi là đã hỏng hết. Ngày xưa còn hàn vi, vốn không có, mãi mới đầu tư được mẻ miến 20-30 triệu lại làm hỏng, vợ chồng, con cái chúng tôi chỉ còn biết ôm nhau khóc ròng… Rồi lại cố gắng, lại phấn đấu khắc phục các sơ suất... Chúng tôi chỉ mong sao duy trì được nghề truyền thống gia đình và làm vừa lòng các khách hàng”…       

 

 HTX “gia đình” với chục thành viên và người lao động đã giúp các hộ có nguồn thu nhập ổn định trung bình từ 4 triệu đồng/người/tháng trở lên. Chắc chắn với tay nghề “vàng”, cùng sự năng động, sáng tạo đưa thiết bị khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời xây dựng các chiến lược kinh doanh nhằm đẩy mạnh thị trường, HTX miến Đại Liên sẽ luôn chinh phục được khách hàng và ngày càng phát triển bền vững.          

Kim Phượng
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo