Tin tức - Sự kiện

Huế được gì sau festival?

Qua bảy kỳ festival, du lịch Huế vẫn chỉ mới dừng lại ở phạm vi giới thiệu điểm đến cho du khách, chưa tạo ra nhiều sản phẩm để phát triển du lịch bền vững
Sau chín ngày lễ hội, tối 15/4, Festival Huế 2012 đã khép lại với con số  180.000 lượt du khách, trong đó có 80.000 khách quốc tế, đông nhất trong bảy kỳ festival được tổ chức. Trong phạm vi của một festival, con số trên được xem là thành công. Tuy nhiên, giới chuyên môn cho rằng Festival Huế chưa tạo ra được đòn bẩy để thúc đẩy du lịch của địa phương này phát triển.
 

Sau festival lại giảm du khách

 

Ông Ngô Hòa, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế, Trưởng Ban Tổ chức Festival Huế 2012, khẳng định sự thành công của các kỳ festival là sự đóng góp lớn cho việc phát triển du lịch và kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.



Hơn hai triệu lượt người dự lễ hội

Festival Huế 2012 đã chính thức khép lại bằng một chương trình bế mạc diễn ra lúc 20 giờ ngày 15/4, thu hút hàng ngàn người tham dự.

Với chủ đề Nhịp thở sông Hương, kéo dài trong 90 phút, chương trình nghệ thuật đêm bế mạc đã thể hiện các tinh hoa văn hóa của Huế, của đất nước Việt Nam tươi đẹp và sự quy tụ của văn hóa năm châu trên nền pháo hoa của nghệ sĩ Pierre Alain Hubert (Pháp). Du khách đã được thưởng thức những tiết mục nghệ thuật từ chốn cung đình Huế như lễ hội trống đến không gian vui tươi qua vũ hội xuân, những ca khúc trữ tình, sâu lắng chất Huế như Nhịp thở sông Hương, Thương về xứ Huế… Festival Huế 2012 được khép lại bằng màn pháo hoa rực rỡ.

Ông Ngô Hòa cho biết Festival Huế 2012 thu hút hơn hai triệu lượt người đến với các lễ hội.
Q.Nhật - H.Dũng

 

Thế nhưng, các nhà hoạt động du lịch tại Huế nhìn nhận Festival Huế sau bảy kỳ tổ chức vẫn chưa đáp ứng được sự kỳ vọng. “Festival Huế chỉ mới dừng lại ở phạm vi giới thiệu địa chỉ du lịch, chứ chưa thực sự thu hút du khách một cách bền vững” - ông Nguyễn Quốc Thành, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế, nhận xét.

 

Trên thực tế, có thể thấy hiệu quả của  Festival Huế 2012 và các kỳ festival trước vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng. Festival Huế 2000, diễn ra chỉ 12 ngày,    41.000 lượt khách du lịch tham dự, chiếm 20,5% tổng lượng khách đến Huế trong cả năm 2000. Festival Huế 2010, lượng du khách đến tham quan trong 9 ngày chiếm 8,7% trong tổng số 1,5 triệu lượt khách đến Huế năm 2010.
 
Còn trong chín ngày Festival Huế 2012, lượng khách đến Huế cũng bằng 25% số lượt khách đến Huế trong 3 tháng đầu năm 2012. Tỉ lệ này sẽ giảm xuống nếu tính tổng lượng du khách đến Huế trong cả năm nay. Như vậy, số lượng khách du lịch đến Huế trước và sau các kỳ festival là rất ít.
 

Tốc độ tăng trưởng khách du lịch của Thừa Thiên - Huế cũng ngày càng chậm, thậm chí là thụt lùi so với giai đoạn trước.

 

Vào năm 1990, du khách đến Huế chỉ có 8.000 lượt nhưng đến năm 2000 tăng lên 200.000 lượt, gấp  25 lần. Tuy nhiên, từ năm 2000 đến 2010 (thời gian Huế tổ chức festival định kỳ 2 năm một lần) thì tốc độ tăng trưởng chậm lại, từ 200.000 lượt khách lên 1,5 triệu lượt khách vào năm 2010, chỉ tăng 7,5 lần.

 

Con số khách du lịch đến Huế thua xa các tỉnh lân cận. Vào năm 2010 (năm có tổ chức festival lần thứ 6), Huế đón 1,5 triệu lượt khách, trong đó có 600.000 lượt khách quốc tế; năm 2011 đón hơn 1,6 triệu khách, trong đó khách quốc tế trên 720.000 lượt.

 

Trong khi đó, tỉnh Quảng Nam năm 2010 có đến 2,4 triệu lượt khách đến, trong đó có 1,17 triệu lượt khách quốc tế; năm 2011 là 2,53 triệu lượt khách...

 

Thiếu sản phẩm du lịch

 

Thực trạng này được các nhà làm du lịch lý giải rằng sau các kỳ festival, Huế thiếu hẳn các sản phẩm du lịch để thu hút du khách và giúp cho du lịch tỉnh này phát triển bền vững.
 
“Tour du lịch tham quan nhà vườn Phú Mộng - Kim Long được tạo ra vào Festival 2002 lúc đó rất hút khách. Nhưng đến nay đang chết dần do chính quyền thiếu đầu tư, đã làm cho các chủ nhà vườn quay lưng không muốn đón khách” - ông Phan Trọng Quang, một hướng dẫn viên du lịch tại Huế, dẫn chứng.
 
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành, đánh giá Thừa Thiên - Huế có nhiều thuận lợi để phát triển du lịch nhưng đến nay chỉ có 12 đơn vị lữ hành là rất ít. Đó là chưa nói đơn vị lữ hành còn manh mún, nhỏ và cạnh tranh với nhau không lành mạnh. “Chính quyền địa phương phải đầu tư nhiều hơn cho việc tìm và xây dựng sản phẩm du lịch” - ông Bình nói.
 
Để khắc phục hạn chế, ông Ngô Hòa cho biết Ủy ban Nhân dân tỉnh  Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch nghiên cứu, hoàn thiện các lễ hội văn hóa dân gian như vật làng Sình, cầu ngư Thuận An; các lễ hội tâm linh như lễ Phật Đản, lễ Tế đàn Xã Tắc; các tuyến du lịch đầm phá Tam Giang, du lịch biển Thuận An, Lăng Cô… để tổ chức hiệu quả hơn, xuyên suốt từ tháng giêng đến tháng chạp nhằm tạo ra sản phẩm du lịch thu hút du khách.
 
Cũng theo ông Ngô Hòa,  trong dịp Festival Huế 2012 có nhiều sản phẩm du lịch được du khách đánh giá cao như khu ẩm thực ở vườn Cơ Hạ (Đại nội Huế), tour du lịch sông Hương vừa mới khai trương… sẽ được duy trì thường xuyên để thu hút du khách.
 
Việc lấy Huế làm đòn bẩy, động lực cho phát triển du lịch của cả vùng Bắc Trung Bộ cũng được đặt ra tại festiavl lần này. Trong ngày bế mạc Festival Huế 2012, Tổng cục Du lịch và Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức hội thảo “Tiềm năng và hướng phát triển du lịch Bắc Trung Bộ”.
 
Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), cho rằng phương thức tổ chức xúc tiến, quảng bá hình ảnh và nội dung của Festival Huế còn đơn điệu, thiếu sản phẩm bổ trợ nên chưa vượt lên, trở thành động lực hỗ trợ cho các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ.
 
Nếu có sản phẩm du lịch đặc trưng vùng trên cơ sở tâm điểm là Festival Huế và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương quảng bá cho thương hiệu chung thì du lịch Bắc Trung Bộ sẽ thu hút được nhiều du khách hơn.
 
Theo NLĐ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo