Hưởng ứng ngày Loài Hoang dã Thế giới (3 tháng 3): Việt Nam và các tổ chức bảo tồn cam kết cùng giải quyết nạn buôn bán động thực vật hoang dã bất hợp pháp
Nhân dịp ngày Loài Hoang dã Thế giới (3 tháng 3) đã được Đại hội đồng Liên Hợp quốc chính thức công bố tại cuộc họp lần thứ 68, Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam, là cơ quan đại diện cho Chính phủ Việt Nam thực hiện quyền và nghĩa vụ nước thành viên CITES cùng nhiều Tổ chức bảo tồn quốc tế như WWF, TRAFFIC, WCS và HSI thống nhất hợp tác triển khai các hoạt động đấu tranh, ngăn chặn nạn buôn bán trái phép các loài động vật, thực vật hoang dã qua biên giới, trong đó tập trung hỗ trợ Việt Nam thực hiện Bản Tuyên bố London về Buôn bán trái phép loài hoang dã được thông qua tại Hội nghị London ngày 13/2/2014, Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 20/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo và thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo tồn các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.
Việc ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg là minh chứng cụ thể cho những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc đấu tranh với tình trạng buôn bán trái phép loài hoang dã đang diễn ra hiện nay và đây cũng là hành động thiết thực để hưởng ứng ngày Loài Hoang dã Thế giới lần đầu tiên.
TS. Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói: "Việt Nam sẵn sàng phối hợp với các tổ chức quốc tế, các nước thành viên CITES để xác định tầm nhìn dài hạn và đánh giá tổng quát về vấn đề buôn bán trái phép loài hoang dã qua biên giới bằng những giải pháp thích hợp nhằm cân bằng giữa bảo tồn và phát triển bền vững với sự tham gia của cộng đồng địa phương, đảm bảo lợi ích của các bên"
Buôn bán bất hợp pháp các loài hoang dã không những gây ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường, nguồn tài nguyên thiên nhiên, đẩy nhiều loài đến bờ vực tuyệt chủng, tác động đến thu nhập của người dân bản địa, mà còn đang trở thành vấn nạn tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Cùng với nhu cầu và lợi nhuận cao từ buôn bán trái phép xuyên biên giới các mẫu vật của các loài hoang dã nguy cấp, quý, hiếm đã dẫn tới tình trạng săn bắt trộm leo thang nhanh chóng tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt đối với các loài nguy cấp như tê giác, voi, hổ, tê tê, v.v. để đáp ứng cho cầu của thị trường.
“Săn bắn trộm tê giác và voi hiện nay là một vấn đề nóng của bảo tồn khiến quần thể các loài hoang dã đang bị đẩy tới bờ tuyệt chủng với hàng ngàn cá thể voi và tê giác bị giết mỗi năm để đáp ứng nhu cầu về các sản phẩm động thực vật hoang dã,” Tiến sỹ Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc WWF-Việt Nam cho biết. “WWF cam kết hỗ trợ chính phủ Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ khác trong cuộc chiến chống lại nạn buôn bán bất hợp pháp các loài hoang dã và các sản phẩm liên quan.”
Các tổ chức bảo tồn và bảo vệ động vật hoạt động tại Việt Nam bao gồm WWF, TRAFFIC, WCS, HSI và các tổ chức phi chính phủ quốc tế khác đang kêu gọi người dân Việt Nam nói Không với các sản phẩm động thực vật hoang dã và cam kết hỗ trợ những nỗ lực thực thi nhằm đấu tranh, ngăn chặn các vụ buôn bán trái phép loài hoang dã, đồng thời thực hiện nhiều hoạt động năng cao nhận thức và giáo dục, tuyên truyền cũng như hoàn thiện khung pháp lý.
Tiến sỹ Scott Roberton, Đại diện tổ chức WCS tại Việt Nam tuyên bố: “WCS hoan nghênh Tuyên bố London về Buôn bán các loài Hoang dã Bất hợp pháp. Sự tham gia tích cực trong quá trình phác thảo và việc thông qua tuyên bố này của chính phủ Việt Nam đã đưa ra một thông điệp rõ ràng: nạn buôn lậu các loài hoang dã là một loại tội phạm nghiêm trọng, và hiện đang tăng cường các hành động đấu tranh, ngăn ngừa vấn nạn này ở tất cả các cấp độ. Bản Tuyên bố kêu gọi một cuộc truy quét toàn cầu các tội phạm về động thực vật hoang dã, nạn tham nhũng và những hoạt động tội phạm có tổ chức liên quan tới những loại tội phạm này. WCS sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác chính phủ về thực thi pháp luật để hỗ trợ Việt Nam thực hiện những nghĩa vụ trong Bản tuyên bố London.”
Như Trâm