Huy động, cho vay vàng: Thiếu kiểm soát
Suốt một thời gian dài, các ngân hàng đua nhau huy động, cho vay, thậm chí bán vàng huy động lấy tiền cho vay hưởng lãi suất cao…, đã phát sinh nhiều hệ lụy mà đến giờ chưa thể giải quyết xong
Huy động, cho vay vàng vốn là một nghiệp vụ thông thường của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, việc huy động và cho vay vàng số lượng lớn trong thời gian dài và việc kinh doanh vàng của các ngân hàng (NH) không được kiểm soát tốt đã gây nhiều bất lợi cho nền kinh tế.
Sai lầm nối tiếp sai lầm
Theo một vị lãnh đạo NH Nhà nước, trong suốt nhiều năm qua (trước khi có Nghị định 24), thị trường vàng gần như bỏ lửng, việc quản lý hết sức lỏng lẻo. Các tổ chức tín dụng được huy động, cho vay vốn bằng vàng và đầu tư vàng khá dễ dàng. Thậm chí, nhiều NH còn “linh hoạt” bán vàng huy động lấy tiền để cho vay nhằm hưởng lãi cao hơn... Trong khi đó, mỗi khi có cơn sốt giá vàng, người dân lại gom tiền mua vàng, giới đầu cơ cũng vay tiền NH mua vàng khiến lượng tiền lớn chảy vào vàng...
Tháng 3-2010, Nhà nước đã phải đóng cửa các sàn kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài vì sự bất ổn trong cách hoạt động mang nặng tính cờ bạc. Đến năm 2011, trong một bước đi chống vàng hóa nền kinh tế, NH Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng ngừng huy động và cho vay vàng. Tháng 4-2011, NH Nhà nước ra Thông tư số 11, yêu cầu các NH không được huy động, cho vay vốn bằng vàng, không gửi vàng tại các tổ chức tín dụng khác... Việc chuyển đổi vàng thành tiền đồng trước đây phải tất toán chậm nhất trước ngày 30-6-2011. Đối với huy động vàng, chỉ được phát hành chứng chỉ ngắn hạn bằng vàng để chi trả cho khách nhưng phải chấm dứt vào ngày 1-5-2012...
Đang “thoải mái”, các NH buộc phải ngừng đột ngột huy động vàng như bị “giội gáo nước lạnh”. Nhiều NH trước đây bán vàng huy động lấy tiền cho vay hưởng lãi suất cao, giờ phải lo tất toán đã gây áp lực lên cung cầu thị trường. Các NH lách luật bằng cách chuyển sang giữ hộ vàng có trả lãi để thu hút khách hàng; lấy vàng huy động của người sau trả cho người đáo hạn trước để chữa cháy…
Trước tình trạng này, NH Nhà nước đã ra Thông tư số 32 (tháng 10-2011) cho phép một nhóm NH thương mại gồm ACB, Đông Á, Eximbank, Techcombank, Sacombank và Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) - gọi là nhóm G5+1 được mở tài khoản vàng ở nước ngoài, bán 40% lượng vàng tồn quỹ (vàng huy động và giữ hộ tồn quỹ) để bình ổn thị trường vàng...
Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đạt Chí phân tích: Trước áp lực quá lớn của số dư huy động, cho vay vàng không thể tất toán đúng hạn, NH Nhà nước đành “nhượng bộ” lùi thời hạn tất toán tới 3 lần khi áp lực cầu trên thị trường quá mạnh (hạn chót hiện nay là ngày 30-6).
Trả giá cho vốn vàng!
Theo ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh và Đầu tư vàng Việt Nam (VGB), việc cho phép nhóm G5 bán 40% lượng vàng tồn quỹ ra thị trường, cân đối mua lại tài khoản nước ngoài tức là cho phép họ đầu cơ, âm đến 40%. Thời điểm nhóm G5 được phép huy động và bán vàng bình ổn, lãi suất tiết kiệm tiền đồng rất cao - lên tới 18%/năm (do lách trần lãi suất), lãi suất cho vay lên tới 25%-26%/năm và lãi suất trên thị trường liên NH nhiều thời điểm gần 30%/năm. Trong khi đó, huy động vàng chỉ 2%-3% khiến các NH lao vào nhưng không kiểm soát rủi ro tốt nên gây ra hệ lụy. Đến lúc bị âm tài khoản quá lớn, buộc NH Nhà nước phải yêu cầu tất toán để cắt lỗ…
Để tất toán trạng thái nhưng không được nhập vàng, các NH phải liên tục mua vàng miếng trên thị trường trong nước. Điều này lý giải vì sao trong khoảng thời gian dài từ cuối năm 2012 đến nay, giá vàng trong nước luôn cách biệt 2-3 triệu đồng/lượng trở lên so với giá thế giới.
Cũng từ khi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng ra đời, chỉ duy nhất SJC là thương hiệu vàng quốc gia khiến nhu cầu vàng SJC tăng đột biến. Giá vàng SJC luôn cao hơn các thương hiệu khác vài triệu đồng/lượng khiến thị trường vàng thêm rối loạn.
Trong khi đó, giá vàng thế giới lại liên tục biến động khó lường, có lúc lên đến đỉnh 1.923 USD/ounce vào tháng 9-2011 khiến các chính sách quản lý vàng của NH Nhà nước không như kỳ vọng. Trong đợt bán vàng bình ổn của nhóm G5+1, lãnh đạo Eximbank từng than thở bán vàng bình ổn theo chỉ đạo của NH Nhà nước lúc giá 41-42 triệu đồng/lượng nhưng sau đó lại phải tất toán đóng trạng thái khi giá 44-45 triệu đồng/lượng khiến NH này lỗ hơn 200 tỉ đồng trong năm 2012. Nặng nề hơn, kinh doanh vàng khiến ACB mất hơn 1.700 tỉ đồng mà lý do lãnh đạo NH này đưa ra là xuất phát từ việc chuyển đổi vàng ra tiền đồng để kinh doanh trước đây, sau đó phải tất toán đóng trạng thái, rồi tham gia bán vàng bình ổn…
Ông Nguyễn Thành Long, nguyên tổng giám đốc SJC, nhận xét khi cho phép nhóm G5+1 bán vàng, thống đốc NH Nhà nước tuyên bố chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới phải lùi về 400.000 đồng/lượng nhưng thực tế không như vậy. Đến nay, một trong những mục tiêu của các phiên đấu thầu vàng nhằm cung ứng vàng cho các NH thương mại để đóng trạng thái. “Điều này lý giải vì sao thị trường vàng không thật sự sôi động, giá sàn đưa ra cao, sát giá thị trường nhưng bao nhiêu cũng được mua hết” - ông Long nhận xét.
Minh Trí
Theo NLĐ
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sóc Trăng có tân giám đốc công an tỉnh
Đẩy mạnh hợp tác trong cộng đồng Pháp ngữ phát triển nông nghiệp bền vững
Đà Nẵng: Phẫu thuật laser bóc u tuyến tiền liệt nặng 120g cho cụ ông 95 tuổi
Đường hoa xuân Menas Mall 2025: Hành trình gắn kết, khơi nguồn thịnh vượng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với WEF về đổi mới sáng tạo
Bên lề WEF Davos 55: Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh
Cột tin quảng cáo