Tin tức - Sự kiện

Huyền thoại bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng bá đỏ

“Tôi bắn mấy phát liên tiếp, chiếc máy bay bốc khói, hai chiếc còn lại áp sát chiếc máy bay trúng đạn, quay đầu, ít phút sau, chiếc trúng đạn rớt xuống, hai chiếc kia bay đi, không ném bom nữa. Trận đó, tôi được bằng khen biểu dương toàn huyện ghi rõ: “Nữ du kích bắn 7 phát bá đỏ rơi máy bay”. Hôm sau, tôi nhận quyết định về đội nữ du kích tập trung Củ Chi”. Ký ức của bà Cao Thị Hương - nữ du kích đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ trên đất Củ Chi bằng súng bá đỏ (loại súng trường lên đạn từng viên).

Cô Cao Thi Hương (phải ảnh) trong buổi giao lưu Nữ Du kích Củ Chi - Huyền thoại trong lòng đất. Ảnh: L.T

 

 Bảy phát bá đỏ, rơi 1 máy bay Mỹ

 
Đã hơn 50 năm, những nữ du kích Củ Chi dũng cảm ngày nào giờ đã trở thành mẹ, thành bà chân run, mắt mờ. Gặp lại nhau trong chương trình giao lưu “Nữ du kích Củ Chi - huyền thoại trong lòng đất” do Cung Văn hóa Lao Động TPHCM tổ chức mới đây, những câu chuyện về một thời “ăn cơm kèm mùi khói đạn, thở nghe mùi thuốc pháo” giữ vững “vùng đất thép thành đồng” Củ Chi của họ vẫn còn nguyên vẹn, “kể hoài không hết chuyện”...
 
Trong số các nữ du kích lên giao lưu, tôi ấn tượng với những câu chuyện của cô Cao Thị Hương - nữ du kích đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ trên đất Củ Chi bằng súng bá đỏ. 15 tuổi, cô bé Hương đã xin đi tòng quân với đặc điểm nhận dạng là “nhỏ nhất đội”. Là con gái, thêm cái năng khiếu ca múa được “bộc lộ” khi còn ở xã, ấp, Hương được các anh giao phụ trách Đoàn văn công tỉnh Lâm Đồng. Nhiệm vụ của Hương là cùng 2 đồng chí đi vận động các thiếu nữ người dân tộc tham gia đoàn văn công. Ngày đó, tiếng dân tộc không biết, kinh nghiệm không có, nhiều lúc bế tắc nhưng xác định đây là nhiệm vụ cách mạng nên Hương đã không ngại khó học tiếng, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con để vận động. Sau một năm, đội văn công tỉnh Lâm Đồng được thành lập, với 25 thành viên, cô nào cũng hát hay, múa đẹp…
 
Đội văn công phục vụ được một năm thì Hương bị địch bắt. “Hai tên chỉ điểm là người chiêu hồi, đi tòng quân cùng đợt với tôi nên biết rõ. Vị trí bị bắt cách căn cứ các đồng đội, cấp trên của mình ở không xa. Tôi nghĩ “giờ mà chỉ điểm là rất nhiều người chết, còn mình không chỉ thì nhiều lắm chỉ mỗi mình chết thôi. Tôi vùng bỏ chạy để bọn địch bắn, nghe tiếng súng thì đồng đội được báo động kịp thời. Nhưng khi tôi nhảy qua con suối bị trượt chân rớt xuống. Bọn lính không bắn mà bắt tôi, đánh sưng hết hai đầu gối. Sau khi một số tên bị tôi lừa rơi vào hầm chông, bọn chúng nản, đẩy tôi lên trực thăng, đưa thẳng về Bảo Lộc ở tù 2 tháng, sau đưa lên Đà Lạt, ngồi thêm 8 tháng nữa. Ngày 1.11.1964, tôi được phóng thích”, cô Hương kể.
 
Năm đó, ấp Mũi Lớn 1, xã Tân An Hội, Củ Chi của cô Hương là ấp chiến lược, vì đã khai với địch là không cha, không mẹ, và để địch không hoạnh họe gia đình nên khi về quê, Hương phải gọi mẹ là dì. Sau đó, để tiếp tục hoạt động, Hương nhờ dì liên hệ với các chú bên ấp Cây Sộp. Được các chú hỏi chọn ngành nào, cô bé Hương kiên quyết “ngành nào có súng thì đi”. Sỡ dĩ Hương nói vậy, vì lúc đó, toàn đội du kích chỉ có nam, nam mới được ưu tiên dùng súng. “Tôi muốn nam nữ bình đẳng, mà muốn bình đẳng thì việc gì nam làm được thì tôi cũng làm được và phải làm tốt hơn”. Hương được toại nguyện khi được cấp trên giao cho một cây súng và chỉ cho cách lên đạn, bóp cò.
 
Để làm quen với súng đạn, tối nào Hương cũng theo đội đi bắn yếu lĩnh. “Gần một năm rảo quanh các ấp Bắc Hà, Bầu Tre… tập bắn riết mà ngụy không dám hó hé ra khỏi bốt luôn”, cô Hương cười, nhớ lại. Ngày 15.12.1965, cô du kích Hương lập chiến công đầu tiên là bắn rơi máy bay khu trục Mỹ. “Lúc nghe tiếng máy bay, 3 nam du kích được phân công ra công sự để ngắm bắn. Tôi xin đi nhưng đội trưởng không cho, tôi giật lấy cây súng bá đỏ của đội phó, vì súng bá đỏ mới bắn được máy bay, khi đó, tôi chỉ được trang bị súng carbine, tầm bắn thấp. Tôi vội chạy ra công sự nhưng 3 du kích nam quyết không cho tôi theo nên bỏ tôi chạy trước. Trong nháy mắt, họ bỏ xa tôi 15 mét. Máy bay Mỹ bắt đầu ném bom. Quả đầu tiên, 3 đồng chí nam nằm xuống đất để tránh. Tôi vẫn tiếp tục chạy, khoảng cách với các anh bắt đầu rút ngắn. Máy bay ném xong 3 quả bom thì tôi đã nhảy xuống công sự trước 3 anh du kích. Tới nơi, có anh bảo “thôi tao lạy mày đó Hương”, nhưng mà tôi kệ luôn. Máy bay lượn mấy vòng mà chưa bắn được, mọi người chia nhau, mỗi người ngắm bắn một chiếc. Tôi xin được bắn trước nhưng bị gạt ra với lý do “đàn bà phải bắn sau cùng”. Tôi được giao ngắm chiếc thứ 3. Hai chiếc đầu đã trượt. Tôi bắn mấy phát liên tiếp, chiếc máy bay bốc khói, hai chiếc còn lại áp sát chiếc máy bay trúng đạn, quay đầu, ít phút sau, chiếc trúng đạn rớt xuống, hai chiếc kia bay đi, không ném bom nữa. Trận đó, tôi được bằng khen biểu dương toàn huyện ghi rõ là “Nữ du kích bắn 7 phát bá đỏ rơi máy bay”. Hôm sau, tôi nhận quyết định về đội nữ du kích tập trung Củ Chi”.
 
 
Về đội nữ du kích Củ Chi, Hương cùng đồng đội lập thêm nhiều thành tích nhưng bị thương cũng nhiều. Có trận “thoát chết trong gang tấc” như trong lần chống Mỹ càn năm 1966, nếu không có cô Bảy Mô (nữ du kích Võ Thị Mô - một trong ba nữ chiến sĩ đầu tiên của đội du kích Củ Chi) liều mình bế cô xuống hầm tránh 3 trái bom phốt pho trong tích tắc thì “tôi đã cháy như heo quay rồi”. Bị thương nhiều quá, năm 1970, Hương được điều về K71A làm công tác chính trị. Tại đây Hương gặp anh quân y Võ Văn Nguyện, người trực tiếp nuôi, điều trị cho cô.
 
“Thực ra, khi biết ông ấy người Trảng Bàng, Tây Ninh tôi đã quý. Do năm 1968, khi còn chiến đấu, bị thương ở địa phận tỉnh Tây Ninh, tôi được bà con chăm sóc, tìm cách đưa tôi về đơn vị, tôi yêu Tây Ninh nên quý luôn ổng. Nhưng chưa yêu ổng đâu”, cô Hương nói. “Ông Nguyện là người Kinh nhưng tỏ tình bằng tiếng Miên (Khmer). Một buổi sáng, ông nói “Un-sà-lanh-bôn-tê”. Tôi nghe không hiểu, hỏi ông bạn bên cạnh là ông Nguyện nói gì, ông bạn bảo hắn nói “uống nước trà chết bỏ”. Tôi bảo “uống nước trà thôi mà, tôi đồng ý”. Trời đất, tôi đâu có biết “un-sà-lanh-bôn-tê” dịch ra tiếng Kinh là “em có yêu anh không?”. Chuyện lan cả đơn vị, mọi người gán ghép, vậy là yêu rồi cưới luôn”. Cô bảo, chú hiền lắm, thương cô thiệt nhiều! Mới đó mà đã 45 năm. Ông Nguyện mất đã 10 năm nay. Trong một chốc, đôi mắt của cô nữ du kích gan dạ năm xưa chợt nhòe đi. Cô Hương kể, ở với nhau 35 năm, chú chưa hề nặng nhẹ với cô một tiếng.
 
Hôm tôi đến thăm cô, trời nắng gắt. Căn nhà nhỏ hanh hao, mấy con kiến vàng khát nước lần bò từng hàng dài vào nhà. Cô ngồi đan giỏ mắt cáo cung cấp cho siêu thị đựng trứng gà với giá 1.800 đồng/chiếc. Cô bảo làm thêm thôi, mỗi ngày đan 10 chiếc, có đồng ra đồng vào, giờ già rồi, mấy vết thương làm cái tay run run, thêm chứng thiếu máu cơ tim nên làm việc gì cũng làm chơi. Lương thương binh, lương hưu sống khỏe mà. Tôi than nắng, cô phân trần: “Trước nhà cũ có cây cối mát mẻ hơn một chút, nhưng chú ốm nặng, mấy mẹ con cầm cố nhà để chạy chữa cho chú, đến khi chú mất rồi cái nhà cũng mất. Mấy mẹ con mới chuyển xuống đây, cây chưa kịp lớn…”.
 
Vợ chồng cô Hương có 3 con trai và một cô con gái nuôi đã lớn, ai cũng có công việc ổn định. Cô dựng vợ, gả chồng lần lượt cho từng đứa. Không đứa nào theo nghiệp nhà binh, cô chỉ dặn: “Làm nghề gì cũng được, nhưng các con phải sống sao cho ra người tử tế”.
 
 
 

 Đội nữ du kích Củ Chi là một đơn vị thuộc lực lượng vũ trang huyện Củ Chi, được thành lập vào ngày 10.11.1965. Đơn vị chiến đấu anh dũng lập nhiều thành tích xuất sắc trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đơn vị này khởi đầu có ba nữ chiến sĩ: Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Nê, Chính trị viên - bà Năm Sương và bà Võ Thị Mô (Bảy Mô). Ban đầu Ban chỉ huy huyện đội rút các nữ du kích ở xã về huyện, sau một tháng đơn vị đã nhanh chóng phát triển lên đến 30 người và phân công Nguyễn Thị Nê làm người chỉ huy đầu tiên của đơn vị. Trong đơn vị của đội nữ du kích ngày ấy có không ít người là dũng sĩ. Họ chiến đấu ngoan cường, anh dũng không kém trang nam nhi.

Theo Lao động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo