Tin tức - Sự kiện

Hy hữu tại Bình Thuận: Công bố... nhầm “đại dịch” trên tôm

Nhầm do… kỹ thuật xét nghiệm! Theo các chuyên gia ngành thủy sản, “hội chứng Taura” ở tôm nuôi nước lợ là một loại bệnh cực kỳ nguy hiểm, vì vậy khi xác định tôm bệnh hay công bố dịch, ngành chức năng phải hết sức thận trọng. Thế nhưng một chuyện hi hữu đã xảy ra trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, đó là ngành chức năng công bố “nhầm” đại dịch

Báo cáo giám sát định kỳ của Chi cục Thuỷ sản tỉnh Bình Thuận cho thấy đã phát hiện “đại dịch”, nhưng khi kiểm nghiệm đối chứng thì kết quả lại là âm tính. Đại diện lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận “thanh minh” rằng, nguyên nhân là do kỹ thuật xét nghiệm.

Kết quả không đồng nhất
 
Báo cáo kết quả điều tra xác minh ổ dịch Taura trên tôm nuôi của Chi cục Thủy sản Bình Thuận gửi lên Cục Thú y (Bộ NNPTNT) ngày 9.10 nêu rõ: Trong tháng 9.2014, Chi cục Thuỷ sản Bình Thuận đã thực hiện kế hoạch giám sát môi trường và phòng trừ dịch bệnh, theo đó có thu mẫu tôm nuôi tại một số khu vực trên địa bàn tỉnh để xét nghiệm các bệnh trên tôm nuôi nước lợ.
 
Kết quả xét nghiệm tại Trạm Xét nghiệm – Kiểm dịch thuỷ sản Vĩnh Tân (thuộc Chi cục Thuỷ sản Bình Thuận) cho thấy có 2 mẫu tôm nuôi thương phẩm bị nhiễm virus gây hội chứng Taura ở cường độ thấp. Hai mẫu tôm này được thu tại xã Tân Thuận (huyện Hàm Thuận Nam) và xã Chí Công (huyện Tuy Phong).
 
Việc công bố đại dịch tôm khiến người chăn nuôi tỉnh Bình Thuận lo lắng. 
 
Sau đó, Chi cục Thuỷ sản Bình Thuận đã tiến hành điều tra xác minh ổ dịch ở 2 cơ sở nuôi có tôm bị nhiễm virus Taura. Cụ thể, tại cơ sở nuôi của ông Nguyễn Văn Hiền, thôn Thanh Phong, xã Tân Thuận (Hàm Thuận Nam), diện tích ao nuôi có tôm bị nhiễm bệnh là 0,1ha.
 
Tại thời điểm này, diện tích tôm người dân đang thả nuôi trong toàn khu vực là 35ha, thức ăn nuôi tôm do Công ty TNHH Unipresident cung ứng. Ngày thu mẫu là 16.9, ngày có kết quả xét nghiệm là 18.9, cơ sở nuôi đã tiến hành thu hoạch ngày 26.9, tôm đạt kích cỡ 80 con/kg trong thời gian nuôi 2 tháng 7 ngày và cơ sở thu lãi 25 triệu đồng.
 
Các ao nuôi xung quanh ao của ông Hiền tôm vẫn phát triển bình thường. Còn tại cơ sở nuôi của ông Hai Sức ở xã Chí Công (huyện Tuy Phong), diện tích ao nuôi có tôm bị bệnh là 1ha, tại thời điểm này trên toàn khu vực người dân đang thả nuôi 40ha tôm, thức ăn cũng do Công ty TNHH Unipresident sản xuất. Sau 50 ngày nuôi, cơ sở tiến hành thu hoạch, tôm đạt kích cỡ 150 con/kg và cơ sở này không có lãi, các ao nuôi xung quanh cơ sở tôm vẫn phát triển bình thường.
 
Trước thông tin phát hiện ổ dịch Taura ở Bình Thuận, Cục Thú y (Bộ NNPTNT) đã có văn bản yêu cầu Chi cục Thuỷ sản Bình Thuận tổ chức điều tra xác minh và xử lý ổ dịch theo quy định, báo cáo kết quả về Cục Thú y. Tuy nhiên, không hiểu vì sao mà sau khi Cục Thú y yêu cầu các đơn vị này điều tra, xác minh lại thì kết quả xét nghiệm lại là âm tính với virus hội chứng Taura. Và mặc dù loại bệnh trên chưa được công bố, nhưng nhiều người dân ở Bình Thuận đã biết chuyện và đồn thổi những thông tin khác nhau xung quanh dịch bệnh được cho là cực kỳ nguy hiểm này.
 
Có thể ảnh hưởng tới cả ngành tôm
 
Theo Tổng cục Thuỷ sản, trong 10 tháng đầu năm 2014, riêng xuất khẩu con tôm thẻ chân trắng đã đem về cho nước ta hơn 1 tỷ USD. Trước đây, tôm nuôi nước lợ ở Việt Nam chủ yếu là tôm sú thì từ năm 2005, tôm thẻ chân trắng đã có mặt trên nhiều vùng nuôi của nước ta.
 
Với nhiều ưu điểm như phàm ăn, có thể nuôi thâm canh quy mô công nghiệp với mật độ dày, khả năng chống chịu dịch bệnh tốt, thời gian nuôi ngắn hơn một nửa so với tôm sú, năng suất trên cùng một diện tích cao gấp nhiều lần tôm sú… nên diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng đã tăng chóng mặt.
 
Chưa đầy 10 năm có mặt ở nước ta, con tôm này đã khẳng định được vị thế trong ngành thuỷ sản. Tuy nhiên, nếu thực sự tôm thẻ chân trắng xuất hiện dịch bệnh Taura thì không chỉ ảnh hưởng tới khu vực Bình Thuận mà còn ảnh hưởng tới cả ngành tôm.
 
Theo quy định tại Thông tư 38 của Bộ NNPTNT, hội chứng Taura là một loại dịch bệnh phải công bố, bởi mức độ nguy hiểm của nó được ví như... dịch Ebola đang diễn ra ở người. Do đó, các chuyên gia lĩnh vực thuỷ sản đều khẳng định, nếu dịch bệnh Taura thực sự xuất hiện và phải công bố, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu tôm của Việt Nam.
 
Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm đối chứng của Cơ quan Thú y vùng VI (thuộc Cục Thú y) đã khẳng định, tôm của 2 hộ nuôi ở Bình Thuận âm tính với hội chứng Taura. Báo cáo của Cơ quan Thú y vùng VI do ông Bạch Đức Lữu – Giám đốc ký đã nêu rõ: Phương pháp xét nghiệm bệnh Taura đều đã tham gia “Chương trình thử nghiệm thành thạo phòng thí nghiệm thuộc khu vực châu Á” nên kết quả xét nghiệm chính xác 100%. Điều này khiến người nuôi tôm cả nước... thở phào nhẹ nhõm.
 
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Huỳnh Quang Huy – Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản Bình Thuận cho biết: “Nguyên nhân chính dẫn tới kết quả xét nghiệm bị nhầm lẫn là do điều kiện của trạm kiểm dịch không đảm bảo. Hiện trạm lấy mẫu xét nghiệm (Trạm Kiểm dịch xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong) đang nằm trong khu vực thi công của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân, khói, bụi rất nhiều nên dẫn tới kết quả bị sai số”.
 
Dư luận đang đặt ra câu hỏi, liệu có chuyện chỉ do điều kiện không đảm bảo mà dẫn tới kết quả xét nghiệm từ âm tính thành dương tính với một loại virus gây bệnh từ nhiều năm nay thế giới không còn phát hiện ra. Trong khi virus hội chứng Taura thường lây lan theo chiều dọc (chủ yếu lây theo di truyền) mà tôm bố mẹ trước khi nhập khẩu về đã được kiểm soát rất chặt chẽ.
 
Theo nghiên cứu của Ths Bùi Thị Bích Hằng (Khoa Thuỷ sản, Đại học Cần Thơ), hội chứng Taura ở tôm thẻ chân trắng (Penaeus vannamei) là một trong những bệnh nguy hiểm. Bệnh được mô tả lần đầu tiên tại Ecuador vào tháng 6.1992, đến tháng 3.1993 bệnh bùng phát dữ dội. Trong khoảng thời gian 5 năm (1992-1997), hội chứng Taura đã bùng phát mạnh ở khắp các vùng nuôi tôm công nghiệp ở châu Mỹ và gây thiệt hại khoảng 2 tỷ USD.

 

Theo Dân Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo