Thị trường

IIP Hà Nội 6 tháng đầu năm tăng 6,8%

(DNVN) - Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Hà Nội tháng 6/2015 tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2014. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2015, tăng 6,8% so với cùng kỳ.

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 do Cục thống kê Hà Nội vừa công bố, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 6/2015 của thành phố tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó: Ngành khai khoáng giảm 10,3% và 37,4%; Công nghiệp chế biến chế tạo tăng 0,9% và 7,6%; Sản xuất và phân phối điện ổn định so với tháng trước và tăng 3% so với cùng kỳ năm trước; Cung cấp nước và hoạt động thu gom xử lý rác, nước thải tăng không đáng kể so với tháng trước và tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2015, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Ngành khai khoáng giảm 13,1% ; Công nghiệp chế biến chế tạo tăng 7%; Sản xuất và phân phối điện tăng 11,1%; Cung cấp nước và hoạt động thu gom xử lý rác, nước thải giảm 1,3% (do năm nay mực nước hạ lưu sông và mực nước ngầm giảm thấp so với vài năm gần đây đã ảnh hưởng đến hoạt động khai thác sản xuất nước sạch).

Theo đánh giá của Cục thống kê Hà Nội, nhìn chung sản xuất công nghiệp sau một thời gian dài với nhiều khó khăn và giữ nhịp độ tăng trưởng chậm đã có những tín hiệu tốt, tuy chưa thực sự đột phá nhưng đã cho thấy sự phục hồi khả quan của sản xuất công nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung trong thời gian tới.

Một số ngành có tốc độ tăng chỉ số sản xuất cao so với tốc độ tăng chung của toàn ngành như: Sản xuất trang phục (tăng 19%); Chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ, mây tre giang (tăng 39%); Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (tăng 21,3&); Sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất (tăng 9%); Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu (tăng 23,5%); Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi 4 kim loại khác (tăng 16,5%); Sản xuất xe có động cơ (tăng 39,3%); Sản xuất và phân phối điện (tăng 11,1%)… Một số ngành, do vẫn chưa thoát ra được khó khăn về tiêu thụ sản phẩm, hoặc thiếu vốn lưu động cho sản xuất… có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất chế biến thực phẩm (giảm 7,8%); công nghiệp dệt (giảm 9,6%); sản xuất sản phẩm cao su, plastic (giảm 14%); sản xuất kim loại (giảm 18,4%)… 

So với tháng 5/2015, một số sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp Hà Nội tăng như: Bia lon tăng 7,2%; Sợi tơ bông tổng hợp tăng 5,1%; áo sơ mi cho người lớn dệt kim tăng 3,4%; Quần áo thể thao tăng 3,4%; Bê tông thương phẩm tăng 6,5%; Vỉ mạch điện tử tích hợp tăng 22,2%; Tủ lạnh tăng 5,8%; Máy giặt tăng 2,1%; Ô tô trên 10 chỗ tăng 1,9%; Ô tô tải tăng 2,6%…

Trong 5 tháng năm 2015, chỉ số tiêu thụ sản phẩm toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, những ngành có chỉ số tiêu thụ sản phẩm tăng khá so với bình quân chung toàn ngành như: Sản xuất trang phục (tăng 12,1%); Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (tăng 66,8%); Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu (tăng 60,1%); Sản phẩm từ cao su plastic (tăng 22,7%); Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại (tăng 30,7%); Xe có động cơ (tăng 88,6%); Giường tủ, bàn ghế (tăng 17,7%)...

 

Một số ngành sản xuất có chỉ số tiêu thụ sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất chế biến thực phẩm (giảm 21,4%); Công nghiệp dệt(giảm 16%); Sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất (giảm 13,8%); Sản xuất kim loại (giảm 28,2%)…

Chỉ số tồn kho tại thời điểm 1/6/2015 của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 46,4% so với cùng thời điểm năm trước. Một số ngành sản phẩm sức tiêu thụ sản phẩm còn chậm, nhiều khó khăn, lượng tồn kho ứ đọng kéo dài, mức tồn kho cộng dồn tương đối cao so với cùng kỳ như: Sản xuất chế biến thực phẩm (tăng 30,5%); Chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ, mây tre giang đan (tăng 106%); Sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất (tăng 117,1%)…

Theo đánh giá của Cục thống kê Hà Nội, tuy chỉ số tồn kho sản phẩm, nhìn chung vẫn ở mức cao, nhưng xét theo chỉ số sản xuất và chỉ số tiêu thụ sản phẩm thì kết quả chung đã phản ánh sản xuất phục hồi và đã được đẩy mạnh, sức tiêu thụ sản phẩm đã có những chuyển biến tích cực và khả quan hơn so với năm 2014. 

Báo cáo về tình hình biến động lao động trong các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tháng 6/2015, Cục thống kê Hà Nội cho biết, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tăng 0,23% so với tháng trước và tăng 0,22% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: khu vực kinh tế nhà nước giảm 1,7% so cùng kỳ , khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng 0,2% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,2%.

Một số ngành kinh tế có chỉ số sử dụng lao động trong tháng tăng so cùng kỳ là: Sản xuất trang phục (tăng 9,2%), sản xuất thuốc lá (tăng 8,6%), sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu (tăng 3,55), sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic (tăng 2,7%), sản xuất kim loại (tăng 6,4 ) , sản xuất xe có độngcơ (tăng 15,5 ), sản xuất giường tủ (tăng 11,8%)... Một số ngành, chỉ số sử dụng lao động giảm là: sản xuất đồ uống (giảm 15,2%), dệt (giảm 10,2%), chế biến gỗ (giảm 22,8%), sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (giảm 1,4%), sản xuất thiết bị điện (giảm 4,1%), sản xuất phương tiện vận tải khác (giảm0,9%)...

 

HÒA HẬU
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo