Thị trường

IMF: Nhân dân tệ sẽ trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế hôm nay?

(DNVN) - Hôm nay 30/11 (theo giờ địa phương), Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF dự kiến sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc có đưa đồng nhân dân tệ NDT vào giỏ dự trữ ngoại tệ quốc tế (Quyền rút vốn đặc biệt SDR) hay không?

Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF dự kiến, trong cuộc họp hôm nay,  thứ Hai (30/11), sẽ quyết định việc thêm đồng nhân dân tệ (NDT) vào danh sách đồng tiền dự trữ quốc tế. Nếu thành hiện thực, đồng tiền Trung Quốc sẽ trở thành đồng tiền thứ năm có quyền rút vốn đặc biệt (SDR), ngang với đồng USD, Euro, bảng Anh và yên Nhật. 

IMF sẽ quyết định số phận đồng nhân dân tệ vào ngày 30/11. 

Điều này sẽ nâng vị thế của đồng nhân dân tệ cũng như ảnh hưởng của Trung Quốc đối với kinh tế toàn cầu. Giám đốc IMF, bà Christine Lagarde, cũng tán thành quyết định này. Các chuyên gia của IMF đã tính rằng đồng tiền Trung Quốc có thể chiếm 14% - 16% trong giỏ SDR.

Theo tờ Wall Street Journals, động thái này của Quỹ Tiền tệ quốc tế sẽ gây áp lực lên Trung Quốc, buộc nước này sẽ phải thực hiện các cải cách về tài chính và các chính sách quản lý đồng nhân dân tệ đối với các nhà đầu tư trên thế giới, trong đó cam kết nới lỏng giá trị đồng tiền và mở rộng hệ thống tài chính.

“Chúng tôi sẽ phải xây dựng niềm tin từ các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước vào đồng nhân dân tệ, đồng thời, ngăn chặn các rủi ro tài chính,” Sheng Songcheng, người đứng đầu bộ phận thống kê và nghiên cứu tại Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cho hay. “Đó là việc thực hiện cải cách tài chính một cách đồng bộ.”

Thách thức trước mắt đặt ra đối với các nhà hoạch định chính sách là làm thế nào để đối phó với áp lực thị trường để làm suy yếu đồng nhân dân tệ trước bối cảnh tăng trưởng kinh tế đang chậm lại tại nước này. Các chuyên gia tại Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho rằng đồng nhân dân tệ có thể sẽ tiếp tục giảm giá trị từ 3% đến 5% trong 12 tháng tới.

Để đáp ứng các tiêu chí dự trữ tiền tệ của IMF, Ngân hàng Trung ương sẽ phải thông qua một loạt các thay đổi chính sách, chẳng hạn như hướng đến từ do hóa lãi suất cho các nhà đầu tư nước ngoài.

 

Tuy nhiên, hiện tại, việc thực hiện một số cải cách tài chính của giới chức Trung Quốc đang có xu hướng chậm lại, điều này xuất phát từ những lo ngại về tăng trưởng của nền kinh tế. 

Suy thoái kinh tế cũng là nguyên nhân làm giảm đi sức nóng đầu tư vào đồng nhân dân tệ. Trong một báo cáo vào ngày 19 /11, nhóm nghiên cứu tại Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) cho rằng sự giảm giá mạnh của đồng nhân dân tệ được xem là rủi ro lớn nhất đối với các tài sản của các nhà đầu tư tại thị trường mới nổi trong năm tới. Việc giảm giá đồng nhân dân tệ có thể là thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc nhưng sẽ vấp sự phản đối từ Mỹ và các quốc gia khác.

David Loevinger, Giám đốc quỹ TCW tại Los Angeles, Mỹ và một cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho biết: “Việc thiếu các dữ liệu và minh bạch chính sách vẫn là một rủi ro cho các nhà đầu tư" và cho rằng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cần tiếp tục cải thiện tính minh bạch chính sách và công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Tùng Bách (Theo WSJ)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo