Quốc tế

Iran bất bình trước yêu cầu “đóng băng” sản lượng dầu

(DNVN) - Đại diện chính quyền Iran ngày 17/2 đưa ra những bình luận không mấy tích cực cho đàm phán thỏa thuận đóng băng sản lượng dầu thô.

“Yêu cầu Iran đóng băng sản lượng dầu là điều vô lý… trong khi Iran bị áp đặt các lệnh trừng phạt, một số quốc gia tha hồ tăng sản lượng và chính họ mới đẩy giá dầu lao dốc… Sao họ có thể kỳ vọng Iran hợp tác và trả giá cho việc này…”, đặc sứ phái đoàn Iran thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) – Mehdi Asali cho biết.

Hội nghị đàm phán nhằm thuyết phục Iran giữ nguyên sản lượng dầu diễn ra lúc 2h chiều tại Iran.

Việc sản lượng dầu thô của Ả Rập Saudi và Nga đang ở mức cao kỷ lục sẽ làm phức tạp cơ hội cho bất kỳ thỏa thuận dầu mỏ nào.

Theo đề xuất khung, các nhà xuất khẩu dầu “nặng ký” như Ả Rập Saudi và Nga vừa đồng ý giữ nguyên sản lượng dầu mỏ ở tháng 1/2016. Tuy nhiên, Ả Rập Saudi ngày hôm qua vẫn để ngỏ rằng thỏa thuận chi tiết sẽ dựa trên sự hợp tác của các nhà xuất khẩu dầu khác.

Trước thời điểm bị áp đặt lệnh trừng phạt năm 2012, Iran xuất khẩu 2,5 triệu thùng dầu/ngày. Sau đó, các biện pháp khắc khổ đã khiến con số này giảm xuống còn khoảng 1,1 triệu thùng/ngày.

Các lệnh trừng phạt nói trên, do chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran đã được dỡ bỏ tháng trước sau một thỏa thuận với các cường quốc, mở cánh cửa tiếp cận thị trường dầu mỏ thế giới với Tehran.

Hai nguồn tin thân cận của Reuters cho biết, không phải không có cơ hội Iran chấp thuận việc đóng băng sản lượng, tuy nhiên sẽ đi kèm với những “điều kiện đặc biệt”.

 

Nếu đạt được, đây sẽ là thỏa thuận dầu mỏ đầu tiên sau 15 năm, giữa các nước sản xuất dầu thuộc và không thuộc OPEC. Lần gần đây nhất vào năm 2001, Ả Rập Saudi đã thuyết phục thành công Mexico, Na Uy và Nga cắt giảm sản lượng. Dù Moscow được cho là chưa bao giờ thực hiện thỏa thuận này, thậm chí còn tăng kim ngạch xuất khẩu dầu thô.

Trong suốt 19 tháng nay, giá dầu thô trên thế giới đã sụt giảm gần 80% do tình trạng thừa cung, khiến các nước xuất khẩu dầu lớn trên thế giới lao đao.

Nên đọc
Tùng Bách (Theo Reuters)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo