Thị trường

Kế sách chống suy giảm FDI

Trong khi giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khá ổn định, thì vốn đăng ký đã có xu hướng suy giảm rõ rệt trong những năm gần đây. Trước tình hình này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tìm kế sách để chống suy giảm FDI.

Nếu vẽ đồ thị về diễn biến luồng vốn FDI vào Việt Nam, sẽ thấy một đường dốc, với đỉnh là năm 2008. Năm đó, Việt Nam thu hút được lượng vốn FDI kỷ lục - 71,7 tỷ USD. Năm 2009, đồ thị “đổ đèo” mạnh, khi vốn FDI vào Việt Nam chỉ còn 23 tỷ USD, bằng hơn 30% so với năm trước. “Dốc” tiếp tục đổ xuống, khi năm 2010 còn 20 tỷ USD, năm 2011 là 15,6 tỷ USD và năm nay, nhiều khả năng, theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), sẽ không thể đạt được con số 15 tỷ USD.

Số liệu thống kê vừa được công bố cho thấy, 10 tháng đầu năm nay, mới chỉ có 10,49 tỷ USD vốn FDI vào Việt Nam, bao gồm cả vốn cấp mới và tăng thêm, chỉ bằng 75,3% so với cùng kỳ 2011. “Chỉ còn hai tháng, rất khó để có thể thu hút thêm 5 tỷ USD nữa”, ông Hoàng nhận định. Đúng là trong bối cảnh số lượng dự án tỷ USD đầu tư vào Việt Nam đã giảm mạnh, với từ đầu năm tới nay, mới chỉ có duy nhất Dự án Khu đô thị Tokyu (Bình Dương) có vốn đăng ký 1,2 tỷ USD, thì khó có thể kỳ vọng có sự đột phá mạnh về vốn FDI thu hút được trong hai tháng cuối năm.

Sự sụt giảm của dòng vốn FDI, dù có thể được giải thích bằng rất nhiều lý do, như các dự án lớn, vốn ảo, dự án bất động sản quy mô lớn trong thời gian gần đây đã giảm mạnh; do Việt Nam đang tập trung nâng chất dòng vốn FDI nên vốn đăng ký có thể suy giảm trong ngắn hạn…, song đó là một hiện thực không thể chối bỏ. Chính Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Đào Quang Thu cũng đã thừa nhận điều này và bày tỏ sự lo lắng khi FDI sụt giảm trong bối cảnh vốn đầu tư phát triển, đặc biệt từ nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ ngày một hạn hẹp. “Vốn đăng ký đã giảm nhiều, nhất là ở một số thị trường như Hàn Quốc, Đài Loan. Chúng ta phải có giải pháp để lấy lại lòng tin cho nhà đầu tư”, Thứ trưởng Đào Quang Thu nói.

Chia sẻ thực tế này, đại diện Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai cho biết,  những năm gần đây, vốn đầu tư từ Đài Loan vào Đồng Nai đã giảm tới 10 lần, hiện từ đầu năm tới nay mới có hơn 20 triệu USD đầu tư vào tỉnh này. Trong khi đó, theo thông tin của bà Nguyễn Minh Hiền, Tham tán đầu tư Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, thì với các nhà đầu tư Hàn Quốc, Việt Nam không còn là điểm đến hàng đầu, mà là Indonesia, Myanmar. Còn theo ông Nguyễn Văn Ba, đại diện đầu tư của Việt Nam ở Osaka (Nhật Bản), thì Việt Nam không phải là “cô gái đẹp” duy nhất trong khu vực. Cạnh tranh thu hút FDI giữa Việt Nam với Indonesia, Thái Lan, và tới đây có thể cả Myanmar, sẽ ngày càng trở nên gay gắt hơn.

Hàng loạt giải pháp, bao gồm đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, xây dựng cơ chế ưu đãi đầu tư phù hợp hơn, xem xét lại cơ chế phân cấp… đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, nhằm tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả dòng vốn FDI trong thời gian tới. Đồng tình các giải pháp này, nhiều địa phương cho rằng, nếu thực hiện được thì là “quá tốt”, song cũng không quên những giải pháp trước mắt, cần thực hiện ngay.

Chẳng hạn, theo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, phải đẩy nhanh thời gian làm thủ tục đầu tư, đặc biệt là thủ tục thẩm tra của các bộ, ngành Trung ương. “Nên rút ngắn xuống chỉ còn 15 ngày, chứ không nên để như hiện nay, tới 30 - 45 ngày là quá lâu”, vị này nói và cho rằng, để thu hút đầu tư, cũng cần xem xét lại cơ chế ưu đãi thuế. Bởi thực tế, theo vị này, rất nhiều nhà đầu tư đã “ngã giá” là phải có ưu đãi đầu tư thì họ mới tiếp tục mở rộng đầu tư. Theo quy định hiện hành, các dự án mở rộng đầu tư không được ưu đãi thuế.

Liên quan vấn đề này, ông Vũ Đại Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho rằng, để chống suy giảm FDI, có thể sửa ngay các chính sách về ưu đãi đầu tư, trước khi xem xét đến việc sửa đổi khung khổ pháp lý và đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng, bao gồm cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm.

“Từ năm 2008 trở lại đây, ưu đãi đầu tư của chúng ta đã giảm đi rất nhiều. Đầu tư vào các khu công nghiệp cũng không được ưu đãi đầu tư nữa, do vậy, suy giảm FDI là tất yếu”, ông Thắng nói và cũng đề cập một thực tế là, lâu nay, các chính sách của Việt Nam mới chỉ quan tâm đến giai đoạn đầu, thu hút đầu tư, mà chưa chú ý tới hỗ trợ nhà đầu tư sau cấp phép.

Trong khi đó, ông Lư Thanh Phong, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hồ Chí Minh lại đề cập câu chuyện cải thiện thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục giải phóng mặt bằng, cũng như làm sao để tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định pháp luật liên quan. “Việc chúng ta yêu cầu các nhà đầu tư phải thực hiện các biểu mẫu thống kê, mà các biểu mẫu này quá rườm rà cũng khiến nhà đầu tư nản lòng”, ông Phong nói.

Các thủ tục về thuế, hải quan, thậm chí cả cấp phép cho lao động nước ngoài, cũng được cán bộ của Ban quản lý khu công nghiệp tỉnh Bình Dương đề xuất cần được cải thiện trong thời gian tới để có thể chăm sóc tốt hơn các nhà đầu tư hiện hữu. Đấy chính là cách xúc tiến đầu tư tại chỗ, rất hiệu quả, mà ông Đỗ Nhất Hoàng nói tới.

 

Thảo Nguyên (Theo Báo Đầu tư)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo