Khắc phục chứng trầm cảm ở thai phụ
Tại sao phụ nữ mang thai lại trầm cảm?
Trầm cảm hiện nay là một vấn đề lớn của xã hội hiện đại. Qua khảo sát cho thấy, khoảng 7% số người lớn có vấn đề về trầm cảm trong vòng 12 tháng trước đó và trong số đó, tỷ lệ phụ nữ có thai chiếm 12,7%.
Yếu tố nguy cơ lớn nhất của trầm cảm ở thai phụ là tiền sử đã mắc bệnh trầm cảm. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm gia đình có người bị trầm cảm hoặc rối loạn lưỡng cực; các bệnh tật không được điều trị tốt khi còn nhỏ; thai phụ có mẹ là phụ nữ đơn thân; có trên 3 con; tiền sử hút thuốc lá; thu nhập thấp; thai phụ tuổi dưới 20; thai phụ không nhận được sự quan tâm đầy đủ của gia đình và xã hội; thai phụ sống trong gia đình có các vấn đề về bạo hành chồng vợ...
Trầm cảm trong thời kỳ có thai gây ra nhiều hậu quả xấu như thai phụ không gia nhập được với cuộc sống đời thường; không tự chăm sóc được bản thân và tiếp cận được các dịch vụ theo dõi, chăm sóc y tế khi có thai; ăn uống không đầy đủ; sử dụng thuốc lá và rượu cũng như các chất kích thích khác và nguy cơ lớn nhất là thai phụ có thể tự sát. Trầm cảm khi có thai cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, gây sẩy thai, đẻ non và ảnh hưởng đến tính tình của trẻ sau đẻ và các hành vi khi trẻ lớn lên. Trầm cảm sau sinh thường có ở phụ nữ bị trầm cảm khi mang thai, sẽ dẫn đến việc chăm sóc cho trẻ sơ sinh không được đầy đủ, mối liên hệ giữa mẹ và con bị ảnh hưởng cũng như gây hậu quả không tốt đến mối quan hệ vợ chồng sau sinh.
Xác định chứng trầm cảm ở thai phụ
Chẩn đoán trầm cảm ở thai phụ dựa vào các yếu tố nguy cơ mắc trầm cảm và dựa theo bảng các tiêu chuẩn chẩn đoán trầm cảm. Tiêu chuẩn chẩn đoán trầm cảm ở thai phụ bao gồm có biểu hiện tâm trạng buồn bã, chán nản; giảm hoặc mất hứng thú đối với môi trường xung quanh; giảm hoặc tăng cân trên 5% trọng lượng cơ thể trong vòng một tháng, giảm hoặc tăng cảm giác thèm ăn; mất ngủ hoặc ngủ nhiều hơn bình thường; kích thích tăng động hoặc chậm chạp; mệt mỏi hoặc cảm giác hụt hơi, kiệt sức; cảm giác vô dụng hoặc mặc cảm tội lỗi; mất khả năng tập trung, khả năng ra các quyết định; thường xuyên nghĩ về sự chết chóc, có ý nghĩ hoặc kế hoạch tự sát. Chẩn đoán được đặt ra khi có ít nhất 5 trong số các triệu chứng kể trên kéo dài trong hai tuần liên tiếp.
Điều trị có ảnh hưởng đến thai nhi?
Điều trị trầm cảm ở thai phụ cần có sự phối hợp của thầy thuốc chuyên ngành sản khoa, nội khoa, tâm thần, các bác sĩ gia đình. Sản phụ sẽ được tư vấn về các nguy cơ ảnh hưởng của trầm cảm đến sức khỏe của cả mẹ và con, các biện pháp điều trị sẽ được áp dụng. Thai phụ sẽ được khuyên và áp dụng các biện pháp cai rượu, thuốc lá, loại bỏ thói quen có hại, điều chỉnh lối sống và hành vi trước khi quyết định việc dùng thuốc chống trầm cảm. Đối với các thể nhẹ, có thể chỉ cần điều trị bằng cách loại bỏ các yếu tố nguy cơ và liệu pháp tâm lý, điều chỉnh hành vi, lối sống. Khi dùng thuốc chống trầm cảm, một số tác dụng không mong muốn đã được báo cáo như tăng đường huyết, tiền sản giật, các vấn đề về nhau thai, vỡ ối sớm, chảy máu, đẻ non, tăng tỷ lệ mổ đẻ... Như vậy, khi dùng thuốc chống trầm cảm cho thai phụ nhất thiết phải được thầy thuốc chuyên khoa cân nhắc kỹ lợi hại cũng như đáp ứng điều trị của bệnh nhân để chọn phương án tối ưu.
Phòng tránh trầm cảm khi có thai
Dự phòng trầm cảm cho thai phụ thuộc về gia đình, xã hội và bản thân thai phụ. Thai phụ phải nhận được sự quan tâm đầy đủ về vật chất cũng như tinh thần vì mỗi thay đổi về thể chất cũng như tâm lý người mẹ đều có thể ảnh hưởng hết sức lớn tới thai nhi. Bản thân thai phụ cũng phải nhận thức được rằng, tự bản thân mình cũng phải biết điều chỉnh loại bỏ những thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu, biết tự cân bằng trước những stress, những tác động tiêu cực về mặt tinh thần, bởi vì, cuộc sống vốn nó đã là một loạt những stress. Cuối cùng, “mẹ khỏe, con khỏe” vẫn là điều mà bất cứ thai phụ nào cũng nên tâm niệm.
Mai Anh ( Theo suckhoedoisong )
End of content
Không có tin nào tiếp theo