Tin tức - Sự kiện

Khắc phục viêm nướu răng

GiadinhNet - 90% người Việt mắc bệnh răng miệng là con số được đưa ra tại Hội thảo về “Giải pháp chăm sóc răng miệng” vừa được tổ chức tại TP HCM. Trong đó, viêm nướu răng là một trong những bệnh mắc nhiều nhất. Làm thế nào để khắc phục tình trạng trên?

Vì sao mắc?

 

Theo PGS.TS Trịnh Đình Hải, Giám đốc BV Răng hàm mặt TƯ, tình trạng người Việt mắc bệnh răng miệng đang ở mức báo động. Có đến 75% dân số bị sâu răng vĩnh viễn. Số người lớn bị bệnh quanh răng chiếm từ 93-98%. Các điều tra mới đây còn cho thấy, 55% người dân không kiểm tra sức khỏe răng miệng và không có kiến thức chăm sóc răng miệng.

Về nguyên nhân gây nên tình trạng viêm nướu răng, BS Nguyễn Quốc Dũng, Phó Trưởng khoa Răng hàm mặt, BV Nhi Đồng 1 (TP HCM) cho biết: Nguyên nhân trực tiếp là mảng bám hình thành trên răng, đó là một lớp màng mỏng mềm, dính, không màu, có chứa vi khuẩn, hình thành trên bề mặt răng và nướu suốt cả ngày. Vi khuẩn mảng bám tồn tại càng lâu thì mức độ nghiêm trọng do chúng gây ra càng lớn. Nếu mảng bám không được làm sạch đúng mức bằng cách đánh răng và dùng chỉ nha khoa hàng ngày, nó sẽ tạo ra độc tố kích thích mô nướu gây viêm nướu.

Khi bị viêm nướu tức là những mô mềm xung quanh nâng đỡ cho răng bị nhiễm trùng, răng sẽ không còn vững chắc mà sẽ từ từ lung lay. Biểu hiện đầu tiên của viêm nướu là sưng nhẹ ở viền và gai nướu, nướu có dấu hiệu bị ửng đỏ, sưng phồng. Ở mức độ nặng hơn sẽ có dấu hiệu bị sưng đỏ và tấy, nướu sẽ không còn dai chắc mà sẽ trở nên mềm, bở.

Với người già, bệnh viêm nướu là nguyên nhân chính làm mất răng do các mô mềm của má và nướu răng bị mất đi tính đàn hồi, các cơ yếu đi. Lượng nước bọt tiết ra trong miệng cũng giảm đi khiến người già nhai và tiêu hóa thức ăn khó hơn. Sâu răng thường xuất hiện ở chân răng, nhất là ở phần chân răng lộ ra bởi nướu răng teo lại.

Giải pháp


Theo PGS.TS Trịnh Đình Hải, thói quen chỉ đánh răng một lần sau khi thức dậy là một trong những nguyên nhân gây nên bệnh răng miệng. Bởi đánh răng một lần sẽ khiến cho tình trạng tích tụ chất bẩn và vi khuẩn quanh răng, nhất là ở khe nướu ngày càng trầm trọng, dễ dẫn tới bệnh viêm nướu răng. Trong hầu hết mọi trường hợp viêm nướu nếu đánh răng thường rất dễ bị chảy máu răng và gây đau đớn. Do vậy, càng lười đánh răng càng khiến cho tình trạng viêm nướu tiếp tục nặng hơn do các chất bẩn và vi khuẩn quanh răng không được làm sạch. Lười đánh răng cũng là nguyên nhân khiến một số trẻ em mới thay răng vài năm đã bị sâu đến 5, 6 chiếc.

Để phòng tránh bệnh về răng miệng, các chuyên gia y tế khuyến cáo ngoài việc nên đi khám răng ít nhất mỗi năm/1 lần với người lớn và 6 tháng/ lần với trẻ em, còn nên đánh răng mỗi ngày bằng kem đánh răng có fluor ít nhất 2 lần vào buổi sáng sớm và tối trước khi đi ngủ. Với trẻ em thì nên đánh răng cả sau khi ăn. Tuy nhiên, không nên cho trẻ sử dụng kem đánh răng chứa nhiều florua. Vì tuy fluor là một chất hóa học có khả năng chống sâu răng, làm chắc răng nhưng khi nồng độ fluor vượt quá mức cho phép sẽ làm răng trẻ không được bóng, răng ngả màu vàng hoặc xỉn đen. Nặng hơn thì răng có nhiều hố rãnh, không còn hình dáng bình thường.

Trẻ em dưới 3 tuổi không nên dùng thuốc đánh răng có fluor vì ở độ tuổi này trẻ rất hay nuốt toàn bộ thuốc gây nhiễm fluor làm hỏng răng sau này. “Yếu tố quyết định đến sự lành mạnh của răng và nướu là việc lấy đi mảng bám răng hằng ngày. Để phòng ngừa viêm nướu, quan trọng nhất là vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng, cần chắc chắn rằng những mảng bám hoàn toàn bị loại bỏ mỗi ngày bằng cách đánh răng”, BS Nguyễn Quốc Dũng khuyến cáo.

Với trẻ em, nếu bị viêm nướu càng cần làm sạch bằng cách chùi răng sạch sẽ nhiều lần trong ngày bằng bàn chải đánh răng mềm đồng thời cho trẻ súc miệng bằng nước muối loãng vào buổi tối trước khi đi ngủ và sáng ngủ dậy. Đối với trẻ dưới 3 tuổi, chưa thể tự súc miệng bằng nước muối loãng, cha mẹ có thể dùng gạc quấn vào ngón tay trỏ của mình nhúng vào nước muối ấm nhẹ nhàng lau kẽ răng, lợi cho trẻ.


Khi đã bị viêm nướu răng, bạn nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được điều trị thích hợp. Tùy vào tình hình bệnh, bác sỹ sẽ áp dụng điều trị tại chỗ bằng các loại dung dịch sát khuẩn vùng miệng hay có thể phối hợp thêm thuốc kháng sinh uống, vitamin PP và vitamin C.

 

Thanh Hương


 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo