Khai thác đất trái phép ở Thanh Hoá: Chuyện con voi chui lọt lỗ kim
Ông Hoàng Nam Hưng (Cty Xuân Thành, xã Hợp Thắng, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) thành lập Cty không liên quan gì đến khai thác khoáng sản, không có giấy phép khai thác khoáng sản. Vậy nhưng gần 10 năm qua, ông đã sắm máy múc và múc gần hết quả đồi để bán. Đến nay, việc khai thác đất trái phép vẫn chưa dừng lại, trong khi đó, chính quyền xã, huyện vẫn… bó tay. Đúng là chuyện con voi chui lọt lỗ kim.
Bài 1: Khai thác trộm… hết nửa quả đồi
Hàng triệu mét khối đất đá đã bị Cty Xuân Thành khai thác trái phép trong suốt thời gian dài, các đối tượng thu lợi bất chính hàng chục tỉ đồng, tài nguyên khoáng sản bị thất thoát. Vậy nhưng, chính quyền địa phương chỉ cho đây là... tên trộm.
"Xẻ thịt" đồi rừng đem bán
Ông Lê Huy Lịch – Chủ tịch UBND xã Hợp Thắng, và ông Lê Đình Hóa – Trưởng phòng TNMT huyện Triệu Sơn - khi được hỏi về việc khai thác đất đồi trái phép của Cty Xuân Thành đều khẳng định, đó là hành động khai thác trộm, khai thác lén lút. Tuy nhiên, thật hiếm thấy một tên trộm nào cả gan và dai dẳng đến như thế. Gần 10 năm qua, Cty này, hay nói đúng hơn là cá nhân vợ chồng Hoàng Nam Hưng – Nguyễn Thị Xuân đã sắm máy múc, múc hơn nửa quả đồi đất tại dốc Quán Châu thuộc thôn 2, xã Hợp Thắng.
Theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, phần diện tích bị khai thác trái phép ở đây lên đến khoảng 2ha với hàng triệu mét khối đất đá. Cả một khoảng đất rộng mênh mông trước kia là đồi trồng cây, giờ là bãi đất trống nham nhở. “Kẻ trộm” đất này hằng ngày thuê người lái máy múc, san lấp đường đi, tạo mặt bằng rồi múc đất đồi bán cho các công trình xây dựng. Mỗi xe tải nhỏ chở 4m3 đất, giá bán tại công trình trong huyện khoảng 300.000 – 400.000 đồng, bán tại chỗ cho các chủ xe vận tải khoảng 200.000 đồng. Với hàng triêu mét khối đất đã được đào, bán cho hàng trăm công trình trong và ngoài huyện như vậy. “Họ khai thác giữa thanh thiên bạch nhật chứ có vào ban đêm đâu, ôtô, máy múc chạy ầm ầm, như vậy sao lại bảo là khai thác lén lút được” – chị Đàm Thị Thuận – một hộ gia đình sống trên đồi đang đứng trước nguy hiểm vì việc khai thác đất trái phép - bức xúc.
Đảo lộn cuộc sống người dân
Hậu quả của việc khai thác trái phép là hàng chục hộ gia đình như nhà bà Huệ Minh, chị Phương, chị Thanh Hiền, bà Hòa, bà Miến… và ngay cả mẹ đẻ của ông Hưng cũng chịu cảnh mất đất đồi trồng cây lâu năm, bởi đây là diện tích đã được chính quyền xã, huyện giao trồng rừng, nay chỉ còn là bãi khai thác đất. Việc khai thác trái phép, bừa bãi này cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của những hộ dân xung quanh. “Trước kia, vườn vải nhà tôi thu hoạch hàng chục tấn mỗi năm, bây giờ sản lượng không còn một nửa vì hết nước ngầm” – anh Trần Văn Chung (thôn 2, xã Hợp Thắng) nói. Cũng vì vậy, mà những gia đình sống xung quanh ngày càng lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
Không những thế, người dân địa phương đang đứng trước nguy hiểm rình rập từng ngày do việc khai thác bừa bãi, không tuân thủ bất cứ nguyên tắc nào của Cty Xuân Thành. Đứng từ vườn nhà chị Thuận nhìn xuống công trường khai thác trái phép mà sởn da gà vì nguy hiểm. Vách khai thác theo phương thẳng đứng, cao tới 20m không có bất kỳ rào chắn hay biện pháp bảo hộ gì, nhìn xuống dưới là vực sâu thăm thẳm với đất đá lởm chởm. “Cứ trời mưa là đất vườn nhà tôi lại rơi xuống ầm ầm, đi làm mà cứ lo ngay ngáy, chỉ sợ con ra đó chơi mà rơi xuống thì nguy” – chị Thuận sốt ruột.
Người dân phản ánh, đã có hai mẹ con đi chăn vịt bị chết đuối vì rơi xuống hố đào trái phép của những “tên trộm” khoáng sản trên. Việc khai thác trái phép cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường. “Xe cộ chở đất đá cứ chạy ầm ầm, chẳng bao giờ che chắn gì, đất đá rơi vãi lung tung, nắng thì bụi mù mịt, mưa thì bẩn đến kinh người” – một hộ dân, người sống bên gia đình ông Hưng cho hay. Cuộc sống người dân bị đảo lộn từ lâu do hoạt động khai thác đất trái phép trên, nhưng chính quyền xã, huyện đến nay vẫn chịu bó tay.xuân hùng
Báo Lao Động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Không thiếu vốn để thực hiện đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp
Vì sao dự án mở rộng nhà ga T1 sân bay Đà Nẵng chậm được triển khai?
Báo Pháp giới thiệu Việt Nam như một hình mẫu chuyển đổi nông nghiệp sinh thái
Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, Việt Nam lần thứ 8 được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất châu Á năm 2024"
Một hãng hàng không lớn tuyển phi công tại Việt Nam
Cột tin quảng cáo