'Cao thủ' thuần phục sát thủ trên không: Vất vả hơn cả nuôi con
"Ma xó"
Lướt mạng xã hội Facebook, tôi tình cờ biết đến nhóm "Hải Dương Falconry Club" (Câu lạc bộ Nuôi chim ưng Hải Dương). Nhóm này có gần 1.900 thành viên với cùng sở thích chơi chim săn mồ (CSM).
Tôi gặp anh Nguyễn Văn Lịch (sinh năm 1990) quê ở TP Chí Linh nhưng đang ở thôn Tiền, thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng). Anh Lịch là quản trị viên của câu lạc bộ trên và được giới chơi CSM đặt cho biệt danh khá dị - "Ma xó".
Nhà của anh Lịch nằm sâu trong một ngõ nhỏ của thôn Tiền. Vừa đến cổng, tôi đã nghe thấy tiếng chim đại bàng kêu í oét. Anh khoe là người đầu tiên ở miền Bắc huấn luyện được CSM. Không chỉ chơi, anh Lịch còn cung cấp giống, dụng cụ, huấn luyện CSM cho những ai có nhu cầu.
Năm 2013-2014, anh Lịch sang Quảng Đông (Trung Quốc) làm thuê. Ông chủ của anh là một tay chơi CSM nổi tiếng. Thấy anh tò mò, đam mê CSM nên ông này đã truyền lại kỹ năng, kinh nghiệm huấn luyện cho anh. Năm 2015, anh Lịch về quê, lần mò trên mạng và biết được ở miền Nam có nhiều câu lạc bộ, nhóm chơi CSM.
Anh bỏ ra 5 triệu đồng mua một con chim đại bàng ưng giống ở Sài Gòn về nhà huấn luyện với mục đích trải nghiệm. Với những kinh nghiệm học được từ ông chủ, không quá khó để anh huấn luyện thành công con chim này.
Anh Lịch có ý tưởng thành lập một câu lạc bộ chơi CSM tại Hải Dương với mục đích tập hợp những người có chung sở thích để chia sẻ kinh nghiệm, gây dựng và phát triển phong trào. "Hải Dương Falconry Club" ra đời từ đó, thu hút hội viên ở cả trong và ngoài tỉnh tham gia.
Năm 2017, anh Lịch giành giải nhất tại Hội thi nghệ thuật, huấn luyện CSM tổ chức tại TP Hà Nội. Danh tiếng của anh từ đó được nhiều người biết tới.
Chỉ tay vào 2 con đại bàng ưng đang trong giai đoạn huấn luyện, anh Lịch bảo đây là 2 trong số hàng chục loài CSM đang được dân chơi nuôi phổ biến.
CSM được chia làm 3 loại gồm dòng chim lớn, chim nhỏ và chim lượn. Dòng chim lớn có đại bàng ưng và đại bàng núi. Dòng chim nhỏ có chim ưng Ấn Độ, besa, sika. Dòng chim lượn là diều hâu đen và diều hâu lửa.
Ngoài ra, CSM còn có các giống nhập ngoại như Gos của Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc. Diều hâu Hary nhập từ Thái Lan, Campuchia, Lào... Tuy nhiên, đây là những dòng CSM không phổ biến, gần như rất hiếm người chơi.
Cũng theo anh Lịch, mua các giống chim này hiện không khó khi hầu hết các tỉnh, thành phố đều có các câu lạc bộ chơi CSM. Họ mách mối hoặc trực tiếp trao đổi, mua bán với nhau. Giống CSM lớn có giá từ 3-10 triệu đồng/con, loại nhỏ 600.000 - 2 triệu đồng/con, dòng chim lượn 400.000 - 2,5 triệu đồng/con.
Tôi ngỏ ý muốn xem cách huấn luyện CSM, anh Lịch lập tức đeo găng tay, đứng ở hiên nhà rồi lắc quả chuông nhỏ gắn ở găng tay.
Ngay lập tức, con đại bàng ưng từ trong gian buồng vỗ cánh bay ra đậu trên tay chủ nhân. Mắt nó nhìn rất dữ dằn và dường như luôn sẵn sàng đợi lệnh của chủ. Anh tung cánh tay lên, con chim vỗ cánh bay lên không trung. Chủ nhân rung chuông, nó lập tức bay trở lại.
Phong trào nuôi CSM ở tỉnh ta tuy chưa bằng Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh hay một số tỉnh, thành phố trong miền Nam song ngày càng có nhiều người tham gia. Một số thành viên trong nhóm "Hải Dương Falconry Club" cho biết toàn tỉnh có hơn 100 người đang nuôi CSM.
Vất vả hơn cả nuôi con
Tôi gặp một người chơi CSM khác là anh Nguyễn Văn Tú ở xã Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ). Anh Tú có sở thích chơi chim cảnh từ nhỏ nhưng CSM thì mới chơi từ cuối năm 2018. Anh đang nuôi 2 con đại bàng ưng tại nhà.
"Tôi đã bỏ cả chục triệu đồng ra mua chúng về chơi. Một trong hai con tôi nuôi từ khi còn chưa mọc lông. Mỗi ngày mất khá nhiều thời gian chăm chút cho chúng, từ lo ăn uống đến dọn vệ sinh, trông nom. Trước khi nuôi 2 con này tôi có một con đại bàng khác nhưng nó đã bay mất. Chẳng qua vì đam mê thôi chứ nuôi mấy con chim này còn vất vả hơn chăm con mình", anh Tú nói.
Huấn luyện CSM rất kỳ công. Kể cả những người có kiến thức về lĩnh vực này nhưng nếu không khéo cũng khó thành công, thậm chí để chim bay mất.
Anh Lịch cho biết mỗi khóa đào tạo CSM kéo dài từ 20 - 45 ngày, tùy dòng. Hằng ngày, anh gần như dành phần lớn thời gian cho lũ chim. Mỗi con cần ít nhất 40 phút huấn luyện/ngày, gồm tập cho ăn trên găng tay, gọi từ tay này sang tay kia, tập thả đi gọi về, vào mồi sống (mua chim cút về tung lên trời cho CSM bay lên vồ) để tập phản xạ...
Vất vả nhất là khi khách mang trứng đến nhờ ấp và huấn luyện sau khi chim non nở. Anh Lịch phải mua máy ấp loại nhỏ về để ấp trứng. Chim non sau 20-25 ngày nở phải tiếp tục mang ra úm bằng bóng điện trong 20 ngày tiếp theo.
Anh tự làm ổ cho chim bằng cỏ khô, giấy vệ sinh xé nhỏ để vừa mềm mịn lại giữ ấm được cho chim. Hằng ngày, anh xé nhỏ thịt chim bồ câu, chim cút cho chim non ăn thành nhiều bữa. Chim non được 2-3 tuần tuổi thì bỏ ra nuôi như gà nhưng phải trông nom vì sợ mèo tấn công.
"Mỗi tháng tôi huấn luyện được 6-7 con. Năm 2018, một mình tôi huấn luyện được trên 100 con, kỷ lục đấy. Mỗi con tôi nhận tiền công 2-5 triệu, vất vả nhưng cũng có thu nhập ổn định", anh Lịch khoe.
Vi phạm sẽ bị phạt nặng
CSM, đặc biệt là dòng chim lớn, chim lượn được ví như "sát thủ trên không". Chúng có thể tiêu diệt những loài chim tự nhiên khác hoặc thậm chí có thể bắt cả mèo, gà, rắn, con mồi to gấp vài lần trọng lượng của chúng.
Nhiều người nghĩ chúng dùng mỏ để giết con mồi nhưng không phải vậy. Đôi chân với những móng vuốt khỏe, sắc nhọn mới là vũ khí bóp nghẹt và khiến con mồi chết rất nhanh.
- Hình như CSM nào cũng rất dữ thì phải? - tôi hỏi.
- Đúng vậy, chỉ cần thấy con vật khác chuyển động là chúng lao tới vồ ngay, thậm chí chúng còn tấn công nhau - anh Lịch đáp.
- Vậy thì mèo, gà, ngan, vịt, chim bồ câu của người dân chúng cũng vồ à?
- Chính xác. Nhưng chúng tôi không để như vậy. Câu lạc bộ thống nhất khi cho chim đi tập săn phải cho ra xa khu dân cư và vùng chăn nuôi của người dân.
Tôi thắc mắc về nguồn gốc những giống CSM và việc nuôi chúng có vi phạm pháp luật không, anh Lịch đáp: "Hiện nay ở Việt Nam chưa có trại nào nuôi và cung ứng được giống CSM. Tất cả chim giống đều mua từ các thợ săn bắt được ở rừng. Pháp luật chỉ cấm nuôi những dòng chim có trong Sách đỏ như diều hoa Miến Điện hay cắt nhỏ họng trắng... còn những dòng trên vẫn được phép".
Một số người chơi CSM khi được hỏi đều cho biết họ không nắm được các quy định của pháp luật khi chơi CSM. Họ bảo chưa ai chơi CSM được cấp phép cả. Tất cả đều hoạt động tự phát.
Ông Vương Văn Cường, Phó Trưởng Phòng Thanh tra - Pháp chế (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) cho biết chưa nắm được cụ thể phong trào chơi CSM trong tỉnh diễn ra như thế nào, người dân đang nuôi những dòng chim gì.
Với những loài chim như anh Lịch đang huấn luyện và kể tên phải nhìn trực tiếp mới có thể nhận dạng đặc điểm, mới biết tên khoa học, sau đó tra cứu thì sẽ rõ chúng có bị cấm nuôi nhốt, kinh doanh hay không. Bởi cùng một loài chim nhưng mỗi vùng miền lại gọi với cái tên khác nhau.
Tuy nhiên, qua xem ảnh do tôi cung cấp và nghe tên những loài chim trên, ông Cường cho biết có khả năng chúng nằm trong nhóm 1B, 2B theo quy định tại Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22.1.2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
"Thời gian tới chúng tôi sẽ kiểm tra, rà soát, thu thập thông tin, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý theo quy định", ông Cường khẳng định.
Ông Cường cho biết việc đăng ký nuôi nhốt động vật hoang dã nói chung, CSM nói riêng phải tuân thủ quy định.
Đối với cơ sở nuôi nhốt không vì mục đích thương mại phải có dự án, đề tài nghiên cứu khoa học, phương án chăn nuôi, bảo đảm vệ sinh môi trường, đặc biệt là nguồn giống hợp pháp...
Đối với cơ sở nuôi nhốt vì mục đích thương mại thì phải bảo đảm nguồn giống hợp pháp, chuồng trại chăn nuôi phù hợp đặc tính sinh trưởng của vật nuôi, có phương án nuôi theo các mẫu số ban hành của Nghị định 06/2019/NĐ-CP.
Tùy thuộc vào độ quý, hiếm của các dòng CSM mà cơ quan cấp giấy phép có thể là Chi cục Kiểm lâm tỉnh hoặc do Tổ chức thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) tại Việt Nam cấp. Các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm có thể bị phạt theo nhiều mức, từ 5 - 300 triệu đồng.
Những người nuôi CSM cần đến cơ quan chức năng để được hướng dẫn cụ thể, tránh vì đam mê mà vi phạm pháp luật.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ lạc nguyên thủy mạnh nhất thế giới: xé xác dã thú bằng tay, ngồi xổm để sinh con cái
Tể tướng Trung Quốc nạp nhiều thê thiếp hơn cả Hoàng đế, vẫn sống thọ đến 104 tuổi
Danh tướng có chỉ số IQ cao ngất ngưởng ở Tam Quốc: Gia Cát Lượng thua xa, xuất thân danh giá, từng lừa được cả Tào Tháo
Việt Nam xuất hiện thêm 'kho báu' lớn thứ 2 thế giới, tỉnh nắm giữ trữ lượng lớn nhất có 1/3 diện tích nằm trên 'mỏ vàng' này
Bộ lạc nữ duy nhất trên thế giới: Bắt cóc đàn ông mạnh để sinh con và đuổi họ đi khi mang bầu
Bộ lạc nguyên thủy nhất thế giới, nơi phụ nữ cả đời không tắm bằng nước 1 lần nào